Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Đến với học trò bằng tình yêu thương!

Tạp Chí Giáo Dục

Đậu Đại học khi đã 33 tuổi, 37 tuổi mới đặt chân lên bục giảng thực hiện giấc mơ làm thầy. Đang miệt mài cống hiến lại phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn say mê gắn bó bới nghề… Câu chuyện đặc biệt của thầy Phạm Đông Phương (giáo viên vật lý, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.11) đã trở thành tấm gương sáng dạy cho nhiều thế hệ học trò về nghị lực sống, về tình yêu thương, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, không bao giờ quá muộn để thực hiện ước mơ. Thầy là một trong 50 giáo viên vinh dự được Sở GD-ĐT TP.HCM trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2020.


Dù bạo bệnh, thầy Phạm Đông Phương vẫn say mê bám lớp, truyền thụ kiến thức đến học trò

Nhà nghèo, từ miền Trung chuyển vào Sài Gòn, lại là anh cả, tuổi 20 thầy Phương đã phải “tạm gác” lại ước mơ vào ĐH trở thành thầy giáo, khoác lên mình tấm áo của… đủ thứ nghề để nuôi các em học ĐH. Những năm tháng đó, để có tiền cho các em ăn học ĐH, người anh cả đã không nề hà bất cứ công việc gì. “Từ đạp xích lô, phụ hồ, phụ bán quần áo…, nghề gì tôi cũng làm, miễn sao có tiền cho các em ăn học. Tôi chạy xích lô nuôi 4 em học Đại học. Đứa học ĐH Kinh tế, hai đứa học ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đứa học ĐH Bách khoa TP.HCM. Đứa này tiếp đứa kia vào ĐH, niềm vui đi cùng toan lo nhưng với tôi trên hết đó là niềm hạnh phúc, được thay ba mẹ chăm lo cho các em ăn học thành người”, thầy Phương chia sẻ.

Sau khi đã chăm lo cho các em học hành ra trường, năm 33 tuổi thầy quyết tâm thực hiện ước mơ thời còn trẻ, ôn luyện thi đỗ vào Khoa vật lý ĐH Khoa học tự nhiên ĐH Quốc gia TP.HCM. Để viết được ước mơ đó, với thầy Phương là cả một quyết tâm rất lớn. “33 tuổi, khi bạn bè nhiều đứa đã sự nghiệp, gia đình, lúc đó mình mới chỉ là tân sinh viên. Nhưng vì niềm khát khao cháy bỏng được trở thành thầy giáo, để làm gương cho các em, tôi chỉ biết không ngừng miệt mài cố gắng”.

Năm 2005, bước vào nghề dạy khi tuổi đã 37, thầy nhận công tác tại Trường THPT Long Trường (Q.9). Đến năm 2013 thầy dạy ở Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, gắn bó từ đó đến nay. Không còn trẻ, xuất phát điểm lại không thuận lợi như những giáo viên khác nhưng thầy Phương lại luôn lấy đó làm động lực để cố gắng, hoàn thiện bản thân, bắt kịp thế hệ giáo viên trẻ. Vừa dạy, thầy vừa đam mê theo đuổi việc học, nâng cao trình độ chuyên môn và đã đạt được tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Vật lý. Cạnh đó, thầy luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, biến những giờ học Vật lý khô khan thành những giờ học thú vị, khám phá kiến thức đến với học sinh. Suốt 15 năm theo nghề, với đam mê nghiên cứu, không ngừng học hỏi, bằng sự sáng tạo và tình yêu với nghề thầy đã tích cực vận dụng phương pháp giáo dục hiện đại như GD STEM, giáo dục tích cực vào các bài dạy, thổi lửa đam mê nghiên cứu khoa học đến học sinh. Các thế hệ học sinh của thầy, nhiều em đã đạt được những thành tích cao trong các kỳ thi cấp TP, cấp cụm: 2 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ trong Kỳ thi Olympic cấp cụm; 1 HCV, 1 HCB, 7 HCĐ Kỳ thi Olympic Vật lý; 1 giải NHất, 2 giải Nhì, 8 giải Ba trong Kỳ thi HSG cấp thành phố. Năm 2018, với sáng kiến kinh nghiệm Thống kê điểm thi THPT quốc gia cho học sinh Trường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thầy Phương đã giúp học sinh khối 12 của trường dễ dàng chọn trường dựa vào thống kê điểm theo khối thi. Với những cống hiến miệt mài của mình, thầy đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp cụm, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền và là Điển hình tiên tiến ngành Giáo dục Thành phố giai đoạn 2015 – 2019.

“Người giáo viên, dù là dạy môn nào cũng vậy ngoài nhiệm vụ truyền đạt kiến thức thì còn mang trọng trách đào tạo ra những học sinh có tri thức, kỹ năng tốt. Vì vậy, mỗi giờ lên lớp tôi đều cố gắng để mang đến cho học trò những bài học thú vị, ý nghĩa từ kiến thức bài học gắn với thực tế, để môn học trở nên gần gũi, thiết thực với học sinh”, thầy Phương quan niệm.

Đang nhiệt tình hăng say với công việc giảng dạy thì thầy phát hiện mắc căn bệnh ung thư gan. Thế nhưng, những đớn đau của căn bệnh hiểm nghèo không làm thầy thôi đam mê đứng lớp và bám trụ với nghề… Mỗi khi sức khỏe tốt lên, thầy lại đến trường, xin được đứng lớp. Hình ảnh người thầy gầy gò, già nua, mái đầu bạc trắng đứng trên bục giảng viết bài, bụi phấn bay theo gió trong những ngày bạo bệnh nhưng vẫn lạc quan, vui vẻ, vẫn không thôi “chở tiếng cười vào lớp học” có lẽ là hình ảnh phi thường và xúc động nhất mà học sinh Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa không bao giờ quên. “Học trò là liều thuốc xạ liệu tốt nhất để tôi nguôi ngoai căn bệnh. Những ánh mắt, nụ cười, hình ảnh các em tinh tươm trong màu áo trắng, ngồi ngay ngắn trong lớp học giữa buổi sớm mai luôn là hình ảnh tươi đẹp nhất. Các em từng nhắn nhủ với tôi rằng: “Dù số phận có trớ trêu đến đâu, chúng em- những học sinh của Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa luôn mong thầy vui tươi, lạc quan và thật hạnh phúc"!, tình cảm đó giúp tôi cố gắng rất nhiều trước những cơn bạo bệnh, là sức mạnh giúp tôi vượt qua nghịch cảnh”, thầy Phương xúc động.

Với thầy Phương, cuộc đời có thể trớ trêu và nghịch cảnh nhưng thầy lại luôn muốn được “cảm ơn cuộc đời” khi đã ưu ái cho thầy được theo nghiệp giáo viên- một nghề mà mang đến cho thầy nhiều niềm hạnh phúc. “7 năm nữa tôi đến tuổi về hưu nhưng không chắc mình sẽ sống được đến khi đó. Vì thế, với tôi, mỗi ngày còn được sống là mỗi ngày còn được xin cống hiến, còn được xin gắn bó với nghề giáo, với học trò. Tôi không mong tất cả học trò đều sẽ yêu thích môn Vật lý nhưng luôn mong các em sẽ học được những điều bổ ích từ môn học, sẽ không bao giờ từ bỏ ước mơ của bản thân, luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống dù trong bất cứ hoàn cảnh nào”, thầy Phương nhắn nhủ.

Đầy xúc động, thầy Nguyễn Chính Tâm (Hiệu trưởng Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa) nhận xét về người đồng nghiệp của mình. “Thầy Phạm Đông Phương là một tấm gương nhà giáo có nhiều tâm huyết với nghề, nghị lực vượt khó khăn, chịu khó đổi mới, say mê cống hiến mang đến những giờ học thú vị cho học sinh. Thầy bị bạo bệnh, với nhà trường, học sinh đó là một mất mát lớn. Nhà trường đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ, động viên thầy chữa bệnh. Chúng tôi cũng có ý bớt khối lượng công việc cho thầy, nhưng thầy nói sức khỏe thầy ổn định, hãy phân công nhiệm vụ cho thầy như một người bình thường, đây là điều nhà trường hết sức trân trọng”.

Bài, ảnh: Yến Hoa

 

Bình luận (0)