Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nhìn bầu Trời ngắm Trăng sao

Tạp Chí Giáo Dục

Là một sân chơi chuyên nghiệp – nơi học sinh được hóa thân thành những nhà khoa học, tự mình nghiên cứu sáng tạo những sản phẩm kỹ thuật, ngắm bầu trời qua ống kính thiên văn, câu lạc bộ (CLB) vật lý Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) không chỉ bồi đắp niềm đam mê vật lý mà còn giúp định hướng nghề nghiệp đối với học sinh.

Các em học sinh hào hứng tham gia cuộc thi sáng chế Tên lửa nước do CLB tổ chức

Sáng tạo tên lửa nước, làm cần cẩu thủy lực, xe năng lượng mặt trời, xe đua phản lực…, đến nghiên cứu thiên văn học là những hoạt động thường niên, tạo được tiếng vang mà CLB tổ chức.

Vũ trụ bao la thế

Vào những đêm rằm Âm lịch hay những kỳ nhật thực, nguyệt thực, các thành viên trong CLB thường cùng nhau “vác súng ống” leo lên sân thượng của trường để… ngắm Trăng sao. “Từ 7 giờ đến 10 giờ tối là khoảng thời gian Trăng sao bắt đầu lộ diện, chúng em phân nhau lần lượt ngắm vũ trụ qua 2 ống kính thiên văn của CLB. Thường là những chòm sao lớn, dễ quan sát như sao Bắc đẩu, Bọ cạp, Song ngư, bề mặt của Mặt trăng… Vũ trụ bao la và bất tận, buổi quan sát nào cũng để lại sự kinh ngạc đối với mỗi thành viên”, Trương Hoàng Tú (học lớp 12A9, đội trưởng học sinh CLB vật lý Trường THPT Phú Nhuận) chia sẻ.

Theo Hoàng Tú, mỗi buổi quan sát là một trải nghiệm thú vị, vũ trụ bí ẩn, cuốn hút khác xa so với những gì mỗi thành viên tưởng tượng qua lý thuyết sách vở. “Nguyệt thực một phần thật ra không hề có màu đỏ. Còn Mặt trăng lại là một hành tinh không hề thơ mộng, tròn trịa và bằng phẳng như mình từng nghĩ. Bề mặt của nó rất gồ ghề và thay đổi theo mỗi ngày”, Hoàng Tú cho biết. Theo thầy Giang Phương Tùng (Chủ nhiệm CLB), thiên văn học là một mảng đề tài rất mênh mông, để tìm hiểu sâu đòi hỏi phải có những phương tiện hiện đại hỗ trợ. “CLB mới chỉ có 2 ống kính thiên văn, hỗ trợ các em quan sát những chòm sao lớn và có những hiểu biết nhất định về các hành tinh. Mỗi buổi quan sát luôn thu hút rất đông học sinh không chỉ trong mà còn ngoài trường tham gia”, thầy Tùng cho hay.

Một quả tên lửa bay cao

Thầy Tùng cho biết thêm: “Những gì các em hình dung thời thơ bé về vũ trụ và những gì các em được trải nghiệm thực tế dưới ống kính thiên văn là cả một quá trình, ngỡ ngàng và thích thú. Nó không chỉ kích thích sự sáng tạo ở các em mà còn khiến các em hứng thú với thiên văn học”.

Tên lửa nước và hơn thế nữa

Bên cạnh thiên văn học, những cuộc thi sáng tạo thường niên do CLB tổ chức luôn là sân chơi khoa học chuyên nghiệp đối với các thành viên và học sinh trong trường. Từ sáng chế tên lửa nước, làm cần cẩu thủy lực, biên tranh, xe năng lượng mặt trời đến xe đua phản lực… là những ngày hội tranh tài được nhiều học sinh đón đợi.

Xe đua phản lực là những chiếc xe được hình thành từ việc tái chế các thứ quen thuộc như que kem, bìa cứng, hộp nhựa hoặc mút. “Trên xe được gắn bong bóng có ống hút. Xe chạy khi tạo hơi vào và ra quả bong bóng”, Trương Hoàng Tú cho biết. Trong khi đó, cần cẩu thủy lực cũng là mô hình được làm bằng những vật liệu đơn giản như bìa cứng, có ống nối với ống hơi để tạo ra sự hoạt động. Xe năng lượng mặt trời lại hoạt động dựa vào năng lượng mặt trời qua việc sử dụng pin mặt trời, thân thiện với môi trường…

Theo thầy Giang Phương Tùng, qua những cuộc thi, học sinh hiểu được cơ chế hoạt động của những loại xe điều khiển, kích thích sự sáng tạo và đam mê, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng những tài năng vật lý. Qua đó giúp định hướng nghề nghiệp đối với các em.

Đặc biệt, cuộc thi sáng chế tên lửa nước mỗi năm luôn quy tụ số lượng lớn học sinh tham gia. Cụ thể, hơn 200 học sinh với 38 đội tranh tài trong cuộc thi sáng chế tổ chức tháng 10 vừa qua. Các em được học về bản chất hoạt động của tên lửa nước dựa vào phương pháp nén áp suất và cách tạo ra một dàn phóng. “Tưởng cao siêu nhưng thực chất tên lửa nước được cấu tạo rất đơn giản gồm một ống tên lửa được làm bằng chai pessi loại 1,5 lít và một dàn phóng làm bằng ống nước. Chỉ cần đổ nước khoảng 1/3 chai pessi sau đó bơm khí vào qua ống để tạo áp suất, đẩy nước ra ngoài và đẩy tên lửa bay xa”, thầy Giang Phương Tùng chia sẻ.

Ngoài ra, CLB còn tổ chức cho các thành viên những buổi đo chu vi trái đất theo phương pháp cổ xưa. “Dựa vào chiều dài bóng nắng trong những buổi trưa ngày Xuân phân, Thu phân, Đông chí, Hạ chí để tính chu vi trái đất. Đây là phương pháp đơn giản nhưng giúp các em tiếp cận, tự mình áp dụng những kiến thức trên sách vở vào thực tế”, thầy Tùng cho biết. Bên cạnh đó, theo thầy Tùng, CLB còn được nhà trường hỗ trợ những buổi ngoại khóa như cho các em tham quan Nhà máy thủy điện Trị An để các em được “mục sở thị” quy mô, quy trình hoạt động và hỗ trợ sáng tạo mô hình cho giáo viên vật lý trong trường.

Trong hơn 5 năm hoạt động, CLB vật lý Trường THPT Phú Nhuận không chỉ tạo ra sân chơi sáng tạo khoa học cho học sinh trong trường mà còn thu về nhiều giải thưởng như: Giải nhất cuộc thi Tên lửa cấp thành phố năm học 2013-2014; giải khuyến khích của giáo viên khi tham gia cuộc thi Giáo viên sáng tạo và giải khuyến khích cho thành viên CLB trong cuộc thi Sáng tạo khoa học trẻ với mô hình Khu năng lượng tổng hợp. “Đây là niềm tự hào và động lực lớn để CLB có thêm thật nhiều những hoạt động sáng tạo”, thầy Tùng nhấn mạnh.

Yến Hoa

Bình luận (0)