Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tiết học lạ: Viên kẹo… dạy cảm ơn, xin lỗi

Tạp Chí Giáo Dục

Bắt đầu được triển khai trong năm học này, tiết học Lời yêu thương của Trường Tiểu học Ngôi Nhà Thông Thái (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã giúp học sinh trong trường có những ứng xử đẹp, từ đó hình thành nên nhân cách đẹp.

Cô An lao công xúc động nhận kẹo cảm ơn của Hồ Quỳnh Bảo Như

Tiết học Lời yêu thương được thực hiện vào mỗi buổi sáng thứ 2 và thứ 6 hàng tuần cho học sinh khối 4, 5, trước khi bước vào môn học chính thức. Bằng hình thức trao đi một viên kẹo ngọt đến những bạn học, thầy cô giáo và những người xung quanh, các em học sinh trong trường đã lan tỏa được ý nghĩa thật sự của một lời cảm ơn, xin lỗi.

“Mình cảm ơn bạn đã cho mình mượn tập”

Sáng thứ 6, tiết học đầu tiên của học sinh lớp 4A thật đặc biệt. Không khí tràn ngập tình yêu và những tràng cười sảng khoái. Thầy chủ nhiệm Vũ Hoàng Sơn đứng trước lớp, trìu mến tuyên bố tiết học Lời cảm ơn bắt đầu. Chỉ đợi có thế, học sinh trong lớp bắt đầu rời khỏi chỗ, tay em nào cũng cầm những viên kẹo ngọt, sẽ được tặng cho người mà các em muốn gửi lời cảm ơn trong một tuần qua. Hồ Quỳnh Bảo Như bẽn lẽn xin thầy ra khỏi lớp và bất ngờ chạy đến gặp cô An lao công đang lúi húi dọn dẹp ngoài cửa. “Con tặng cô viên kẹo. Con cảm ơn cô vì cô đã luôn làm trường lớp sạch sẽ để chúng con được học tập, vui chơi”, Bảo Như nói. Xúc động trước hành động của cô bé, cô An ôm Bảo Như vào lòng và nói: “Cô cảm ơn con nhiều. Đó là công việc của cô mà”.

Trong lớp học, Quân Anh cũng chân thành trao cho bạn Triết một viên kẹo ngọt. “Cảm ơn bạn đã cho mình mượn tập chép bài những ngày mình nghỉ ốm”, cùng với đó là cái ôm thật chặt. Trong khi đó, Phúc Nguyên lại nhận được một viên kẹo “cảm ơn” của Lộc – người bạn cùng bàn và cũng trao lại cho bạn một viên kẹo “cảm ơn”, bởi sự hỗ trợ trong học tập của đôi bạn cùng tiến. Tiếng cười lảnh lót của đôi bạn khiến “kẻ lạc bầy” là tôi, muốn ngộp thở bởi một tình bạn rất chân thành.

Trong suốt thời gian 10 phút trước khi bước vào môn Tập đọc, lớp học tràn ngập những lời cảm ơn của các em học sinh. Dù lí nhí trong ngại ngùng, dù ngô nghê không kiểu cách nhưng lại chứa đựng trong đó ý nghĩa sâu xa, vượt ra ngoài một lời cảm ơn đơn thuần.

“Một tuần học sắp kết thúc, các em đã nhận được biết bao sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô, của bạn học và cả nhân viên trong trường. Trao đi một viên kẹo ngọt và một lời cảm ơn chân thành là cách các em học được điều quan trọng của tình bạn, của lòng biết ơn. Khi các em biết trao đi lời cảm ơn, các em sẽ nhận lại được hơn cả niềm vui, là niềm hạnh phúc đong đầy, âm ỉ”, thầy Sơn chia sẻ.

Hình thành những nhân cách đẹp

Vào mỗi sáng thứ hai đầu tuần, tiết học Lời xin lỗi lại được thực hiện cũng với hình thức các em học sinh trao đi những viên kẹo “xin lỗi” đến những người xung quanh mà mình cảm thấy đã mắc lỗi trong một tuần qua. “Lời xin lỗi sẽ giúp các em học được rằng khi mình làm sai, dù vô tình, mình phải xin lỗi. Được áp dụng vào buổi sáng đầu tuần với mong muốn xóa tan những lỗi lầm để các em bắt đầu một tuần mới học tập thật hăng say”, thầy Vũ Hoàng Sơn cho biết.

Không khí lớp học tràn ngập những lời cảm ơn và những cái ôm thật chặt

Theo thầy Sơn, tiết học Lời yêu thương mới chỉ dừng lại ở việc áp dụng với học sinh khối 4, 5 trong trường nhưng tính lan tỏa của nó đã giúp học sinh toàn trường có những ứng xử đẹp. “Các em, ngay cả khối nhỏ hơn cũng đã có ý thức trong việc không xả rác bừa bãi, không gây gổ với bạn bè, sẵn sàng giúp đỡ bạn khi bạn cần. Các em hiểu và trân trọng hơn tình bạn tuổi học trò, đó là điều đáng quý”, thầy Sơn nói.

Thời gian đầu thực hiện, thầy Sơn kể, các em rất bỡ ngỡ, chỉ thực hiện theo sự sắp đặt của thầy. Nhưng chỉ sau vài lần, các em đã tự mình nói ra những lời cảm ơn, xin lỗi thật tâm nhất. Về phía phụ huynh, thầy Sơn cho biết: “Đa số phụ huynh rất ngạc nhiên, thắc mắc khi thấy con mình đi học lại mang theo kẹo. Khi biết được ý nghĩa của những viên kẹo, các bậc phụ huynh rất ủng hộ. Nhiều phụ huynh nói rằng, họ thật sự ngỡ ngàng khi thấy con mình từ nhút nhát đã biết nói lời cảm ơn, xin lỗi với bố mẹ, ông bà…”.

Từ những việc làm nhỏ, chỉ là lời cảm ơn, xin lỗi được chuyên chở bởi những viên kẹo ngọt, thầy Sơn nói rằng điều lớn nhất mà các em nhận được đó là hình thành nên những nhân cách đẹp. “Đôi khi, chúng ta chú trọng quá nhiều đến dạy kiến thức mà quên đi rằng, bài học làm người đầu tiên là dạy các em biết cảm ơn, xin lỗi”, thầy Sơn nhấn mạnh.

Yến Quân

Bình luận (0)