Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần thay đổi cách dạy văn

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây truyền thông có đưa tin một học sinh lớp 4 hồn nhiên thắc mắc: “Bà ngoại đi được xe máy, sao cô giáo bảo sai?”. Theo học sinh này, cô giáo yêu cầu em phải miêu tả bà “tóc bạc, mắt kém, xâu kim khó khăn, đi lại vất vả, ăn uống vụng về…”, nhưng thực tế thì bà của em vẫn còn minh mẫn lắm. Điều này, một lần nữa khiến phụ huynh phải ngán ngẫm vì những bài văn theo khuôn mẫu đã đè bẹp sự sáng tạo của học sinh.

Ai cũng hiểu, môn văn thuộc khối xã hội không phải khối tự nhiên, nên không có một công thức hay quy chuẩn thống nhất về nội dung, kết quả. Ngữ văn là tiếng nói của ngôn ngữ (rất phong phú về từ, câu cú, cách diễn đạt…) kết hợp với sự sáng tạo của học sinh để cho ra lò những bài tập làm văn đa dạng. Ví dụ một đề bài tập làm văn cho học sinh tả cảnh về quê ngoại, nhưng lại “ngầm” buộc các em phải viết là quê ngoại có cánh đồng lúa mênh mông, vườn cây trĩu quả, tôm cá đầy sông… thì thật là vô lý. Tất nhiên văn học đòi hỏi phải mượt mà, bóng bẩy (trong cách chọn từ) nhưng không vì thế mà mất đi tính chân thật. Làm văn kiểu này là thiệt thòi cho các em có quê ngoại ở thành thị, vì có bao giờ các em nhìn thấy vườn cây, đồng lúa, tôm cá là như thế nào đâu. Để không làm “mất lòng” giáo viên và tránh bị điểm kém nên em nào cũng viết theo văn mẫu, thành ra không có sự sáng tạo cũng như bịa chuyện vẽ vời. Vì thế, bài tập làm văn trở nên rập khuôn, nhạt nhẽo. Thậm chí nhiều em vì không biết quê ngoại ra sao nên buộc lòng phải lên mạng tìm những bài văn mẫu, tìm cách “xào nấu” rồi nộp cho giáo viên…

Đã bao năm qua mọi người kêu ca rất nhiều về vấn đề này nhưng giáo viên vẫn không thay đổi cách dạy. Không ít học sinh vì muốn “đột phá” trong cách viết văn nên đã bị điểm thấp oan uổng. Bởi giáo viên không thay đổi tư duy cởi mở, vì sự cảm tính vẫn đeo đẳng trong đầu. Thay vì cho đề bài là “Tả con mèo nhà em” thì chỉ nên viết chung chung là “Tả vật nuôi nhà em”, vì đâu phải nhà học sinh nào cũng nuôi mèo. Tôi đã từng chứng kiến một học sinh đã khóc vì không biết tả con lợn ra sao, khi nhà em không phải là dân chăn nuôi. Mặt khác, cần phải nói cho học sinh hiểu giáo án chỉ mang tính tham khảo, để các em vận dụng dàn bài vào bài văn của mình chứ không nên sao chép hoàn toàn. Cũng nên tư vấn, giải thích cặn kẽ cho học sinh về đề tài sắp làm để các em không hoang mang, lo lắng. Cần nhớ, giáo viên dạy văn cũng từng ngồi ghế nhà trường nên phải đặt mình vào hoàn cảnh học sinh.

Ngữ văn cùng với toán là hai môn học chính. Nhưng hiện nay giới trẻ dường như dần xa rời ngữ văn. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó cần phải nói đến là cách giảng dạy. Dạy văn mà khô khốc, rập khuôn, kiểu mẫu thì khó mà làm học sinh mê hoặc. Vì vậy, để vực dậy môn văn, học sinh yêu thích môn văn thì người giáo viên phải thay đổi tư duy cũ mà thường xuyên trau dồi nghiệp vụ sư phạm, cách dạy mở cho học sinh được bay bổng trong sáng tạo và viết đúng sự thật về nội dung. Đừng dạy học sinh nói dối theo kiểu văn mẫu nữa, dễ ảnh hưởng đến phong cách sống của các em về lâu dài. Bởi đó là hành động gián tiếp cổ súy cho học sinh sống không trung thực với mọi người xung quanh.

Nguyễn Hoàng Duy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)