“Không đậm chất dân tộc” là nhận xét của Hội đồng Giám khảo cuộc thi Tác phẩm múa các dân tộc Việt Nam lần thứ I-2010 (Hà Nội, 22,23-5) đối với Nữ thần đen của biên đạo trẻ Trần Ly Ly.
Nữ thần đen của Trần Ly Ly qua sự thể hiện của các nghệ sĩ đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Đăk Lăk. Ảnh: Thanh Hà. |
Tác phẩm đã gây ra nhiều tranh cãi khi không nhận được giải thưởng nào, dù được công chúng đón nhận nồng nhiệt. PV Tiền Phong trò chuyện với Trần Ly Ly
Không lâu sau Đại bàng giọt đắng (HCV Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2009) lại đến Nữ thần đen. Có vẻ như Tây Nguyên là nguồn cảm hứng đặc biệt đối với chị?
Tôi yêu Tây Nguyên vì sự mãnh liệt, nồng nàn, có sự bí ẩn và sâu sắc. Cái gì cũng đến triệt để, tột cùng. Và nó phù hợp với nhịp sinh học hiện tại của tôi. Có thể vài năm nữa, nhịp sinh học của tôi lại khác. Không biết được! Nhưng hiện tại thì Tây Nguyên là mảnh đất tôi đang tìm tòi. Và tôi không muốn tìm nông. Tôi làm các tác phẩm khác nhau để thử sức mình. Mỗi lần khai thác lại có một tác phẩm rất khác, vì cuộc sống trên mảnh đất đó luôn biến đổi. Tôi yêu nghệ thuật, yêu dân tộc thì tôi làm. Được hay không, công chúng sẽ đánh giá.
Đây là một tác phẩm thực sự dân tộc. Nó chỉ mang hơi thở hiện đại thôi. Hiện nay tôi thấy người ta mượn quá nhiều. Cái mà mọi người cho là dân tộc thì mình lại thấy không dân tộc và ngược lại. Đó là sự khác nhau về quan điểm.
Vậy quan điểm về dân tộc của chị ra sao?
Cái quan trọng nhất của dân tộc là phần hồn. Dân gian cũng như cuộc sống hàng ngày phải biến đổi. Có những cái cũ mình nên giữ lại nhưng vẫn phải dung nạp thêm cái mới, vì đó là cuộc sống. Cuộc sống của dân gian biến đổi không ngừng. Nếu ai nghĩ rằng giữ dân gian là phải giữ những cái gốc cổ, không du nhập cái mới thì đó là sai lầm.
Khi làm tác phẩm, phải nhìn, phải nhặt nhạnh những cái gì tiêu biểu trong cuộc sống hiện tại và biến hoá nó trở thành nghệ thuật. Đấy là quan điểm của tôi về dân gian. Chứ không phải dân gian là mãi mãi đứng yên, đóng khung trong cái cũ, lạc hậu. Bản sắc dân tộc nằm ở phần tư duy, phần hồn chứ không phải bề ngoài.
Tuy nhiên, một thành viên của Hội đồng Giám khảo lại cho rằng tác phẩm của chị ít nhiều gợi nhớ đến… châu Phi?
Thực ra thật khó để tranh luận. Nhưng mà cái gốc của bản sắc dân tộc không nằm ở một động tác ngôn ngữ nào cụ thể. Tôi cho là nó nằm ở tinh thần. Và nếu tinh thần không mất đi thì mọi thứ đều không mất đi. Đó là điều quan trọng nhất.
Kết quả giải thưởng có làm chị buồn hay bất ngờ không?
Không bất ngờ. Vì tôi đã xác định trước rồi. Có lẽ cũng không buồn mà là một trạng thái khác. Giải thưởng là sự động viên khuyến khích nhưng giải thưởng lớn nhất đối với tôi vẫn là sự đón nhận của khán giả. Mà khán giả thì như bạn đã thấy. Tuy nhiên, tôi nghĩ, nếu sự định hướng về tính dân tộc không thay đổi thì sẽ có vấn đề.
Các cuộc thi tác phẩm múa dân tộc tiếp theo, chị sẽ vẫn tham gia chứ?
Nếu như có tác phẩm. Với tôi, điều quan trọng nhất là vượt qua chính mình. Chỉ cần tôi thấy tác phẩm đó dân tộc là đã đủ, không quan trọng chuyện ai đánh giá nó thế nào. Nếu tác phẩm của tôi không đạt được mức độ nào đó về sự đẹp, sự đúng thì không thể hấp dẫn khán giả như vậy được.
Cuối cùng, có một quan điểm tôi muốn chia sẻ: Nghệ thuật khác với các ngành khác là nó đánh vào cảm xúc. Cảm xúc anh mang đến cho khán giả như thế nào mới quan trọng chứ không phải là lượng thông tin anh truyền tải. Hai cái đó khác nhau. Thành công lớn nhất của tác phẩm nghệ thuật là phải mang đến cảm xúc, phải đánh động được tâm can người xem.
NSND Lê Ngọc Cường: Nữ thần đen của Trần Ly Ly tạo được không khí, có ấn tượng trong tiết tấu, ngôn ngữ nên hấp dẫn công chúng. Tuy nhiên, ở góc độ người làm nghề thì tôi thấy lo ngại. Nếu cứ phát triển theo xu hướng đó thì dần dần chúng ta sẽ đánh mất đi chất Tây Nguyên. Đưa hơi thở cuộc sống hiện đại vào tác phẩm là rất tốt nhưng đừng làm nó trở nên xa lạ. Một số biên đạo trẻ cứ cố gắng tìm tòi, phá phách để làm mới, làm khác. Nhưng thực ra, với múa dân tộc, những sáng tạo gần gũi, đạt đến độ giản dị thì lại hiệu quả. |
Trầm Bình Thanh (Theo TPO)
Bình luận (0)