Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Hơn một triệu lượt hồ sơ đăng ký dự thi đợt một

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2011 có gần 2 triệu lượt hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó có hơn 1 triệu lượt hồ sơ đăng ký dự thi ĐH khối A, V đợt 1.
Thanh niên tình nguyện hướng dẫn thí sinh đến điểm thi tại bến xe phía Nam, Hà Nội Ảnh: Hồng Vĩnh
Thanh niên tình nguyện hướng dẫn thí sinh đến điểm thi tại bến xe phía Nam, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh .
Khối A chiếm áp đảo về số hồ sơ đăng ký dự thi (hơn 55%), trong khi khối C ít nhất (3,5%). Nếu không trúng tuyển đợt 1, thí sinh có kết quả thi ĐH bằng hoặc lớn hơn điểm sàn CĐ đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0) sẽ được cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi, có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (số 1 và số 2).
Thí sinh dùng giấy số 1 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đợt 2. Nếu vẫn không trúng tuyển đợt 2 thì dùng giấy số 2 để nộp hồ sơ ĐKXT đợt 3. Thí sinh có kết quả thi ĐH thấp hơn điểm sàn cao đẳng được cấp phiếu báo điểm, nhưng không được dùng để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT (đợt 2, đợt 3) qua đường bưu điện chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên, nộp trực tiếp tại trường vào ngành cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định của một trường ĐH (hoặc CĐ) còn chỉ tiêu xét tuyển.
Một trong những điểm mới có lợi cho thí sinh năm nay là: kéo dài thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 và NV3 mỗi đợt 5 ngày so với năm 2010. Cụ thể: Các trường nhận hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT đợt 2 (NV2) và đợt 3 (NV3) của thí sinh theo thời hạn sau: Đợt 2 từ ngày 25-8 đến 17h ngày 15-9-2011; đợt 3 từ ngày 20 – 9 đến 17h ngày 10-10.
Thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT (NV2 hoặc NV3) đã nộp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu thời hạn của mỗi đợt ĐKXT xét tuyển quy định trong lịch công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011. Vì vậy, thí sinh có thể theo dõi số lượng hồ sơ ĐKXT NV2 và NV3 hằng ngày để có thể nộp vào hoặc rút ra theo ý muốn trong 15 ngày đầu.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011 diễn ra trong 3 đợt. Đợt 1: ngày 4, 5- 7 thi ĐH khối A, V; đợt 2: ngày 9, 10-7 thi ĐH các khối B, C, D và năng khiếu; đợt 3: ngày 15, 16- 7 thi CĐ. Thí sinh đến làm thủ tục dự thi trước ngày thi để học quy chế và sửa chữa sai sót trong hồ sơ.
Theo thống kê của Bộ GD& ĐT, khối A chiếm 55,20% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi (HS ĐKDT), khối B – 19,40%. Khối D – 15,50%. Khối C chỉ chiếm 6,40% và các khối khác chiếm 3,50%.
Thanh niên tình nguyện hướng dẫn thí sinh tìm điểm thi (ảnh chụp tại Bến xe phía Nam - Hà Nội ngày 1-7) 	Ảnh: Hồng Vĩnh
Thanh niên tình nguyện hướng dẫn thí sinh tìm điểm thi (ảnh chụp tại Bến xe phía Nam – Hà Nội ngày 1-7). Ảnh: Hồng Vĩnh.
 Vì sao đề thi hay sai sót?
Trả lời câu hỏi của báo, vì sao năm nào đề thi ĐH, CĐ cũng có sai sót, ông H- người trực tiếp tham gia ra đề thi ĐH, CĐ năm nay cho biết: Thực ra, lần nào Bộ GD&ĐT cũng nghiêm túc và liên tục rút kinh nghiệm nhưng khó tránh khỏi sai sót. Khi ra đề thi tốt nghiệp THPT, giáo viên THPT là người soạn thảo đề thi và giảng viên ĐH đóng vai trò phản biện.
Ngược lại, khi ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ, giảng viên ĐH ra đề, trong khi giáo viên THPT cùng một số giảng viên sẽ làm khâu phản biện đề thi để chọn ra một đề thi chính thức và một đề thi dự bị đối với mỗi môn thi.
Công tác làm đề thi là một việc cực kỳ căng thẳng, thầy cô giáo và lực lượng công an phải “nằm trại” ròng rã 1 tháng trời, không điện thoại, không internet, không liên lạc với người thân… Có trường hợp đang làm đề thi, cha mẹ hoặc người thân mất, người đó sẽ đươc 2 cán bộ an ninh áp tải, kèm theo nhân viên y tế để xử lý tình huống sức khỏe hoặc ngất do xúc động. Về đến nhà, người đang tham gia làm đề thi cũng chỉ được ở nhà 1-2 giờ trước sự giám sát của 2 cán bộ an ninh, rồi quay lại “trại đề thi” ngay.
Trường hợp cán bộ làm đề ốm, đau nhẹ sẽ có y tế riêng chăm sóc; nếu ốm nặng thì sẽ bị cách ly… Ông H. nhấn mạnh: “Căng thẳng như thế khó mà tránh khỏi sai sót. Sự căng thẳng lại luôn đeo đẳng trong đầu là: đề thi là tài liệu tối mật, thuộc bí mật quốc gia… nên nhiều khi có những sai sót rất ngẫu nhiên và ngớ ngẩn”.
Ông H. nhớ lại, có năm làm đề thi môn Văn, các cán bộ đọc đi đọc lại, thậm chí nhờ cả giáo viên Toán tỉnh táo đọc lại hộ, nhưng khi in đề ra, cụm từ “anh thanh niên trong trạm khí tượng…” vẫn thành “anh thanh niên trong tạm khí tượng”…
Đón đọc đáp án gợi ý kỳ thi ĐH-CĐ 2011
Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 sẽ diễn ra trong các ngày 4,5 -7 (đợt 1 ĐH khối A), ngày 9,10 – 7 (đợt 2 ĐH khối B,C,D…), ngày 15,16 – 7 (đợt 3 CĐ các khối A,B,C,D..). Nhằm đáp ứng nhu cầu tham khảo của đông đảo thí sinh trong cả nước, Báo Tiền Phong sẽ xuất bản phụ trương đăng đáp án gợi ý các môn thi do các giảng viên có uy tín, kinh nghiệm thuộc ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM… đảm trách. Mời bạn đọc theo dõi.
Theo Hồ Thu
(TPO)

Bình luận (0)