Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập: Ngoài tầm kiểm soát

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2009 tích cực đưa trò chơi dân gian vào trường MNNgày 7-8, tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết giáo dục mầm non (GDMN năm học 2007-2008, triển khai nhiệm vụ năm học 2008-2009. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã thừa nhận: “Đời sống giáo viên MN còn nhiều khó khăn, bậc học MN cũng ít được sự quan tâm của các địa phương…”.

Cơ sở ngoài công lập: mọc lên như nấm

Theo báo cáo của Vụ GDMN, năm học 2007-2008 cả nước có 12.369 trường MN. Trong đó trường công lập chiếm 49,4% (6.110 trường), trường bán công là 4.702 trường (38%). Ngoài ra còn có 21.729 cơ sở GDMN, đông nhất là nhóm trẻ gia đình với 15.526 nhóm, 5.971 cơ sở tư thục, nhưng chỉ có 65% có phép.

Tiến sĩ Lê Minh Hà, Vụ trưởng Vụ GDMN khẳng định: “So với năm học 2006-2007, số trường và cơ sở GDMN tăng 948 trường, 930 cơ sở và 2.834 nhóm trẻ gia đình. Các cơ sở GDMN công lập tăng (xây mới 5.000 phòng, cải tạo 11.000 phòng học) nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Còn các cơ sở ngoài công lập thì phát triển rất nhanh, có thể nói là mọc lên như nấm nhưng lại không báo cáo nên khó khăn trong việc quản lý. Từ đó đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc gây mất uy tín cho ngành GDMN. Qua những vụ việc đã xảy ra cho thấy, rất cần sự tham gia quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập của UBND các cấp…”.

Năm qua, toàn ngành đã huy động được 3.420.435 trẻ đến trường, trong đó: nhà trẻ là 606.168 trẻ (tỷ lệ huy động đạt 18,8%), mẫu giáo là 2.814.267 trẻ (tỷ lệ huy động là 74%, tăng 3% so với năm học trước). Tuy nhiên tỷ lệ này có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng miền. Khu vực đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ trẻ đi học nhà trẻ cao nhất, chiếm 42,09%, đặc biệt có tỉnh Thái Bình lên tới 62%, Ninh Bình là 55%. Tiếp đến là các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc chiếm 21,54%, duyên hải miền Trung là 19,5%. Các khu vực còn lại tỷ lệ trẻ đi nhà trẻ rất thấp, từ 16% trở xuống. Đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 8,76%, thậm chí có tỉnh chỉ có 2% như tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng. Tỷ lệ trẻ đi mẫu giáo ở nhiều tỉnh, thành rất cao từ 93 – 99% như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Bình, TP.HCM… Ngược lại cũng có tỉnh chỉ có 12% trẻ đi học mẫu giáo, đó là Tuyên Quang (3.838/33.031 trẻ).

Về cơ sở vật chất, nhiều địa phương đã tăng ngân sách đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị, đồ chơi cho các trường MN. Cụ thể như Bình Dương đã dành 25%, Hà Nội dành 20,4%, TP.HCM dành 19% cho MN trong tổng kinh phí đầu tư cho GD. Bên cạnh đó cũng có không ít địa phương chỉ dành 7-8% ngân sách cho GDMN, Hưng Yên là tỉnh có mức đầu tư thấp nhất – 6%.

Phổ cập cho trẻ 5 tuổi

Trao đổi với PV Báo Giáo Dục TP.HCM về nhiệm vụ năm học 2008-2009, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Năm học mới này, ngành GDMN có 8 nhiệm vụ. Song, nhiệm vụ trọng tâm là chương trình quốc gia về phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi. Theo đó, trẻ sẽ được học 9 tháng và 2 buổi/ngày. Bởi hiện nay ở một số tỉnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, trẻ mẫu giáo chỉ được học 1 buổi/ngày. Thậm chí có những vùng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp nên trẻ chỉ học 36 buổi trong hè. Hậu quả là trẻ chưa được chuẩn bị tốt về tiếng Việt cũng như kiến thức và tâm thế khi bước vào lớp 1. Phổ cập đối với trẻ 5 tuổi ở mầm non không giống như phổ cập tiểu học. Ở tiểu học, khi đi học, tất cả học sinh dù là thành thị hay nông thôn chỉ cần học ở trường công lập thì không phải đóng học phí. Nhưng phổ cập ở mầm non thì khác, trẻ ở thành thị vẫn đóng học phí. Riêng trẻ ở vùng khó khăn thì không phải đóng và còn được hỗ trợ kinh phí đối với những vùng quá khó khăn. Mục tiêu của chương trình quốc gia về phổ cập mẫu giáo là đảm bảo cho tất cả trẻ 5 tuổi được đi học”…

Năm học 2008-2009, mỗi tỉnh, thành xây dựng ít nhất một trường MN đạt tiêu chuẩn “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Những trường này tập trung giải quyết ba vấn đề: có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn; lựa chọn và đưa bài hát dân ca, trò chơi dân gian vào hoạt động vui chơi tích cực của trẻ; xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp – thân thiện phù hợp với đặc điểm hoạt động và tâm lý trẻ.

Các cơ sở GDMN đảm bảo an toàn tuyệt đối thể chất và tinh thần cho trẻ. Ngành GD-ĐT các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác nuôi dưỡng và phòng chống dịch bệnh cho trẻ.

Ngoài ra, các sở GD-ĐT cần tích cực tham mưu cho UBND và các ban ngành trong việc quy hoạch đất cho phát triển GDMN. Đặc biệt là các thành phố, khu đô thị, khu công nghiệp cần có kế hoạch dành đất, đầu tư kinh phí xây dựng trường MN. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nguồn vốn kiên cố hóa trường học giai đoạn II để nâng cấp cơ sở vật chất, xây mới, xóa phòng tranh tre, nứa lá, phòng học nhờ, học tạm của GDMN. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tăng đầu tư kinh phí xây dựng trường chuẩn quốc gia…

Bài & ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)