Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Giảm béo siêu tốc – đường tắt đến… bệnh viện

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, một phụ nữ trạc 30, thân hình to béo, mặt nổi đầy mụn kể, tin lời quảng cáo giảm béo bằng "tắm thuốc dân tộc cổ truyền" trên mạng, cô tìm đến một thẩm mỹ viện trên đường Xuân Thủy để làm thử. Cân không giảm mà bị dị ứng toàn thân…
Không riêng gì trường hợp này mà trường hợp chị Nguyễn Thị Hoa, ở Ứng Hòa (Hà Nội) cũng rơi vào cảnh tương tự. Để được giảm cân nhanh chị đã tìm đến một số cơ sở liệu pháp tư nhân để điều trị. Thế nhưng qua hơn một tuần sử dụng mọi loại cây lá, thảo mộc, cân nặng chẳng thấy giảm mà bệnh ngày càng trầm trọng. Toàn bộ cơ thể nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu. Qua thăm khám các bác sĩ cho biết chị bị dị ứng nặng, nếu không kịp thời phát hiện rất có thể sẽ dẫn tới bị ngộ độc gây tổn hại tới sức khỏe.
Tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất để giảm béo. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống.
Theo thạc sĩ Lê Thị Hải, Trưởng Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, hầu hết người béo phì đến khám và tư vấn dinh dưỡng đều từng sử dụng rất nhiều biện pháp giảm béo khác nhau nhưng không khỏi. Nguyên nhân là do kiến thức về béo phì của người dân còn chưa đầy đủ, người thì áp dụng biện pháp giảm béo không đúng như nhịn ăn, lại có những người muốn giảm béo nhanh chóng nên sẵn sàng làm mọi biện pháp, hễ ai khuyên gì, hễ chỗ nào có quảng cáo về điều trị giảm béo là tìm đến.
Bác sĩ Đào Hữu Minh, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương cho biết, người đến điều trị giảm béo tại bệnh viện của ông chủ yếu là phụ nữ, thường là nhóm dưới 30 tuổi và nhóm từ 40 tuổi trở lên. Hầu hết họ đã từng trải qua nhiều biện pháp khác như tập luyện, áp dụng chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc, hút mỡ bụng… Trong đó có nhiều bệnh nhân do tâm lý muốn nhanh chóng giảm cân thật nhanh nên sẵn sàng tìm mua những loại thuốc được quảng cáo giảm béo siêu tốc, hậu quả là bệnh không khỏi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cũng theo bác sĩ Minh, một thực trạng còn nguy hiểm hơn hiện tồn tại đó là việc các loại thuốc giảm béo, thực phẩm chức năng giảm béo đang được quảng cáo và bày bán khá tràn lan, kể cả bán không kê đơn. Cũng ngày càng nhiều cơ sở thẩm mỹ, các spa quảng cáo điều trị giảm béo nhanh chóng, hiệu quả bằng các phương thuốc cổ truyền, song nguồn gốc của những loại thuốc lá dùng để đắp lên người này rất khó quản lý. Hơn nữa, có nhiều chủ, nhân viên các cơ sở đó không hề học về ngành y nên việc dùng thuốc điều trị giảm béo như thế rất nguy hiểm, bởi thuốc đông y nếu không dùng đúng liều, đúng thuốc có thể gây ngộ độc, dị ứng nặng mà dị ứng thuốc đông y rất khó chữa.
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, y tế, điều quan trọng nhất trong điều trị giảm béo là vấn đề cân bằng dinh dưỡng cùng tâm lý kiên trì của bệnh nhân. Bởi béo phì là một bệnh mạn tính, phải điều trị dài ngày chứ không có bất cứ một phương pháp, một liều thuốc nào giảm béo hiệu quả dưới 8 tuần. Tất cả các loại thuốc, các kỹ thuật được rao điều trị giảm béo nhanh chóng đều chỉ là quảng cáo. Trong y học, người ta lấy thời gian 2 năm để đánh giá được sự thành công khi điều trị béo phì, nghĩa là sau 2 năm nếu giảm được 10% trọng lượng cơ thể là đã điều trị thành công. Những trường hợp điều trị ngang chừng, không đủ thời gian trên thì đa phần bị béo phì trở lại.
Bác sĩ Đào Hữu Minh cũng cho biết, tính hiệu quả của biện pháp giảm béo bằng châm cứu đã được y học hiện đại cũng như y học cổ truyền chứng minh, song cũng giống như tất cả các phương pháp điều trị giảm béo khác, không thể rút ngắn thời gian điều trị được. Người điều trị béo phì bao giờ cũng trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 kéo dài 4 tuần đầu, bệnh nhân thường giảm cân rất nhanh chóng do tâm lý háo hức, đồng thời các can thiệp làm phá vỡ sự cân bằng tích lũy mỡ; Giai đoạn 2 kéo dài từ tuần thứ 5 đến tuần thứ 7, cơ thể ở vào quá trình tự bảo vệ nên không giảm cân, thậm chí tăng nhẹ. Giai đoạn 3, giảm cân và duy trì trọng lượng. Nhiều bệnh nhân không hiểu được quá trình điều trị như trên nên chỉ sau vài ba tuần, thấy cơ thể đã giảm cân thì bỏ điều trị, khiến bệnh quay trở lại và ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng hơn.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
(Theo Sức khỏe và Đời sống)
 

Bình luận (0)