Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường TH Xuân Thới Thượng, Hóc Môn

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh đụng đâu học đó vì… chờ xây

Mái trần của phòng học bị bong tróc và thường xuyên bị dột khi mưa

Năm 1977 Trường TH Xuân Thới Thượng (Hóc Môn, TP.HCM) được xây mới với sự viện trợ của tổ chức UNICEF. Hơn 30 năm qua nhiều phòng học mái tôn bị thấm dột, tường xà bị nứt, nền nhà sụp lún cơ sở hạ tầng bắt đầu xuống cấp. Năm 2004 thầy trò Trường TH Xuân Thới Thượng vô cùng phấn khởi khi nghe tin UBND huyện bắt tay vào thực hiện dự án nâng cấp 9 phòng học. Thế nhưng hơn 5 năm trôi qua, đến nay dự án này vẫn còn nằm trên giấy!
Những lớp học “dã chiến”
Năm học 2008-2009 cơ sở 1 của Trường TH Xuân Thới Thượng (10 Phạm Văn Hớn, ấp 2) có 1.100 học sinh 5 khối nhưng chỉ có 20 phòng học. Do phải chừa lại 2 phòng để làm thư viện, thiết bị nên toàn bộ “gia tài” của trường chỉ còn lại 18 phòng học. Đầu năm học mới do tình trạng thiếu phòng, không còn cách nào khác Ban giám hiệu đã có “sáng kiến” lấy bãi giữ xe làm phòng học. Thế là tất cả xe máy, xe đạp của thầy và trò đều phải “di tản” ra sân để nhường chỗ cho mấy bộ bàn ghế cho các em ngồi học tạm trong căn phòng trống huơ trống hoác. Nhiều phụ huynh đã có ý kiến không bằng lòng khi thấy con em mình không được ngồi học chỗ khang trang như bạn bè cùng trang lứa. Thấy các em học hành khổ sở quá nhà trường lại có thêm “sáng kiến” mới “cải tạo” căn tin thành một lớp học. Một lớp học khác cũng được “biến tấu” từ phòng họp nên rất chật và tù túng. Tuy nhiên những em này vẫn còn may mắn hơn các bạn học sinh ở lớp 1G đang học trong một phòng học cùng dãy phía trên mái tôn dột nát nên mỗi lần gặp trời mưa là các em phải ngồi dồn lại. Trong phòng này nhiều góc đã bị sụp lở, gạch nền bể nằm chơ chỏng rất nguy hiểm khi các em đi lại, chơi đùa. Một giáo viên cho biết: “Hôm nào mưa to quá nước vào lớp học nhiều nên em phải cho học trò nghỉ hoặc học dồn sang lớp khác cùng khối”. Cảnh tạm bợ đó kéo dài từ mấy năm nay mà cả giáo viên và phụ huynh đều bất lực. Nguy hiểm hơn mấy cây xà ngay trước cửa ra vào của học sinh do nước mưa thấm nhiều nên màu vôi đã ố vàng, một vài đướng nứt lớn nhìn mắt thường cũng thấy rõ. Chỉ cần giông to gió lớn là cây đà ngang có thể gãy và rơi xuống đầu học sinh bất cứ lúc nào. 
Không chỉ phòng học mà các phòng làm việc cũng rất khiêm tốn. Chúng tôi quan sát cả trường chỉ có một phòng làm việc với tấm bảng “Văn phòng Ban giám hiệu” treo phía trước. Tuy nhiên khi vào bên trong chúng tôi thấy trong đây đã được ngăn ra nhiều phòng nhỏ như: phòng Hiệu trưởng, phòng họp BGH, phòng hành chính. Ngay cả phòng hành chính rộng chỉ hơn 30 m2 nhưng cũng là phòng “đa chức năng” vì còn là chỗ họp của toàn thể Hội đồng sư phạm và nơi nghỉ của giáo viên mỗi khi hết tiết dạy.
Gần 200 học sinh chưa biết học ở đâu?
Sân trường tuy rộng nhưng chỉ có một lối đi chính được bê tông hóa, còn lại đá dăm lởm chởm. Do thấp hơn mặt đường nên chỉ cần một trận mưa không lớn lắm là cũng có thể ngập, thầy trò cứ thế bì bõm lội nước. Một học sinh cho biết khổ nhất không phải là lội nước vào lớp mà là lội nước đi vào phòng… vệ sinh. Chúng tôi thử tạt vào khu vệ sinh của học sinh thì tình hình cũng chẳng có gì khả quan hơn vì 2 dãy toa lét nam – nữ được xây tạm bợ cách xa lớp học bất tiện cho học trò. Để ý ngoài hàng rào mặt tiền trường chúng tôi thấy có đoạn không còn tường xây nữa mà chỉ được căng tạm bằng lưới B40, kế đó một đoạn tường khác bị sụp xuống có nguy cơ đổ nên trường phải xây tạm chân để chống đỡ.n
Ông Nguyễn Đặng Minh Triết – Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh bức xúc: “Thầy trò đã chịu đựng từ nhiều năm nay trong lúc cơ sở càng xuống cấp, phòng học luôn luôn thiếu. Đây là nhu cầu cần thiết phải đáp ứng cho con em học sinh dự án đã có từ lâu mà thế mà chưa thấy nhúc nhích gì. Nghe nói các sếp lãnh đạo cứ trình qua trình lại mấy năm nay(?)”.
Ban giám hiệu nhà trường cho biết, năm học tới chưa tính HS vào lớp 1 trường đã có 23 lớp với 12 lớp bán trú từ khối 2 đến khối 5 chiếm hết 12 phòng. Dự kiến nhà trường phải thu nhận 334 học sinh đầu cấp (8 lớp) do chỉ tiêu của Phòng GD-ĐT giao xuống trong lúc đầu ra chỉ có 162 HS (4 lớp) nên trường sẽ thiếu 4 phòng học. Như vậy còn 189 học sinh không biết ngồi học ở đâu? Cô Trịnh Kim Liễu – Hiệu trưởng nhà trường than thở: “Mặc dù chúng tôi đã tìm cách vá víu, tiết kiệm các khoản ngân sách nhưng vẫn cứ thiếu phòng học cho các em. Đây là điều mà Ban giám hiệu, thầy cô giáo năm nào cũng băn khoăn và trăn trở”.
Trả lời của các cấp lãnh đạo
Từ bức bách của học sinh và phụ huynh, chúng tôi đem thực trạng phòng ốc tạm bợ và thiếu thốn của Trường TH Xuân Thới Thượng phản ánh với Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn thì được một cán bộ ở đây trả lời: “Chúng tôi biết chuyện này từ lâu, phòng học có hư nhưng chưa đến nỗi nào, mái dột và nền sụp ít thôi mà(?). Phòng GD-ĐT đã chuyển hồ sơ thủ tục cho UBND và chủ đầu tư dự án. Chúng tôi đã làm hết phần việc của mình rồi”. Qua trao đổi với ông Nguyễn Công Thuấn – cán bộ phụ trách cơ sở vật chất của ngành giáo dục, chúng tôi được biết dự án này đã được UBND huyện ghi vốn và hiện nay đã giao cho chủ đầu tư quản lý để thực hiện. Ông Phan Văn Kèo – Trưởng phòng GD-ĐT huyện trao đổi: “Dự án nâng cấp 9 phòng học đã đề ra từ năm 2004 nhưng cũng không rõ thế nào mà đến nay vẫn chưa thực hiện được”. Theo ông Kèo một phần nguyên nhân là do khả năng đơn vị tư vấn trong dự án làm cho tiến độ thực hiện chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Khi chúng tôi đưa ra đề xuất của Trường Xuân Thới Thượng lấy phòng ăn bán trú của học sinh ngăn ra 3 phòng học theo giải pháp tình thế thì ông Kèo không thống nhất: “Hướng này không hay chút nào vì nếu đập phá ra sẽ uổng lại tốn thêm kinh phí và học sinh bán trú không còn chỗ ăn trưa”. Cách mà ông Kèo dự tính là “rã” một số lớp bán trú ở khối 1, chỉ giữ lại các lớp bán trú khối 4 và 5. Tuy ngoài ý muốn của mọi người nhưng mong phụ huynh thông cảm.
Trả lời chính thức về vấn đề này, bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó chủ tịch thường trực UBND huyện nói: “Chúng tôi vừa đi khảo sát các trường có dự án mà chưa thực hiện được trong đó có Trường TH Xuân Thới Thượng. Trường TH Xuân Thới Thượng đã được ghi vốn từ đầu tháng 4 sau 9 tháng sẽ thực hiện nên đầu 2010 mới xây trường được”. Theo bà Bạch Tuyết, do vừa mới về huyện nhận công tác trong năm nay các hồ sơ dự án vừa được bàn giao xong nên chưa thể giải quyết ngay được.
Tuy nhiên bà Tuyết cũng cho biết, những khó khăn tạm thời của nhà trường sẽ được chính quyền quan tâm và khắc phục trong dịp hè 2009. Bằng mọi cách UBND huyện cố gắng làm việc để đề án nâng cấp Trường TH Xuân Thới Thượng thực hiện đúng tiến độ thời gian.
Nguyễn Hoàng Anh

Bình luận (0)