TS ôn bài tại kỳ thi ĐH 2009. Ảnh: M.T |
Ngày mai (25-8), TS cả nước chính thức bước vào “cuộc đua” xét tuyển NV2. Việc giành lấy tấm vé vào một trường ĐH không hề đơn giản, nhất là với các TS đạt điểm thi ngang mức điểm sàn của Bộ…
Kinh nghiệm các năm trước, TS có điểm “nhỉnh” hơn mức điểm nhận hồ sơ các trường từ 2-3 điểm thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao. Những TS thấp điểm hơn hoặc chỉ ngang mức điểm sàn thì nên chọn các trường không tổ chức thi, còn nhiều chỉ tiêu xét tuyển vào các trường CĐ. Năm nay, cả nước có tới 137 trường ĐH-CĐ không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển như vậy.
Cạnh tranh nhiều giữa các ngành thuộc khối B
Thầy Nguyễn Kim Quang (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) nhận định, năm nay chỉ tiêu dành cho các ngành thuộc khối B tại hầu hết các trường đều ít hơn các khối khác nên những TS chọn ngành này thường phải cạnh tranh cao. Thầy Quang thống kê, trong 1.430 chỉ tiêu NV2 tại trường năm nay chỉ dành 70 chỉ tiêu xét tuyển 2 ngành công nghệsinh học (điểm chuẩn 19) và ngành sinh học (16 điểm). Lượng TS thi đạt mức điểm 16-19 không phải ít nên TS phải hết sức thận trọng. TS cao hơn điểm chuẩn 2 ngành này khoảng 2 điểm thì có khả năng trúng tuyển. Không “an toàn” mấy cho những trường hợp TS ngang điểm chuẩn. Điểm trúng tuyển khối B tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM thường cao hơn một số trường khác, nhiều TS đã “lượng sức” và chọn học ngành này tại các trường nói trên, do đó thầy Quang đánh giá rằng cuộc đua của các TS khối B vào trường năm nay cũng không đến mức quá căng thẳng.
Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, 7 ngành tuyển sinh khối B năm nay đều đã được tuyển đủ bởi NV1 với mức điểm chuẩn khá cao (từ 20 đến 24). Vì vậy, riêng hệ ĐH cơ sở đào tạo tại TP.HCM, trường không tiến hành xét tuyển NV2 cho khối này. Trên 500 chỉ tiêu NV2 cho cơ sở này đều dồn cho các khối A, D1. Tương tự, trong 847 chỉ tiêu xét tuyển NV2 tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM năm nay hầu như rơi hết vào các ngành khối A. Chỉ riêng ngành kỹ thuật nữ công với 22 chỉ tiêu có nhận khối B nhưng cũng đồng thời xét chung với khối A. Trường ĐH Mở TP.HCM thời điểm này cũng dành đến 2.000 chỉ tiêu hệ ĐH và 500 chỉ tiêu hệ CĐ xét tuyển NV2. Tuy nhiên, các ngành xét tuyển đều nằm ở các khối A, C, D1, D4 và D6; chỉ duy nhất ngành công nghệ sinh học tuyển sinh khối B. Điều đó có nghĩa là những TS “trót” theo đuổi các ngành thuộc khối này nên tìm hiểu thật kỹ thông tin liên quan đến điểm chuẩn, chỉ tiêu… tại các trường (qua phương tiện truyền thông, website các trường…) để không hụt khả năng trúng tuyển.
Đừng “né” ngành hẹp chỉ tiêu
Thầy Phạm Tấn Hạ (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho rằng thật sai lầm khi TS đổ dồn vào những ngành rộng chỉ tiêu mà ngại các ngành ngược lại. Các năm trước đều diễn ra tình trạng này nên cơ hội trúng tuyển lại thuộc về những TS đã mạnh dạn chọn một số ngành ít chỉ tiêu. Theo thầy Hạ, TS vì chịu áp lực của điểm chuẩn, chỉ tiêu và quá háo hức có được tấm vé vào đại học đành chấp nhận chọn một ngành không hợp khả năng, sở trường dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập về sau. Tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cơ hội cho TS chọn lựa các ngành thuộc khối D1 rất nhiều. Song, các năm trước, phần đông các TS khối ngoại ngữ thường tập trung vào các nhóm ngành ngoại ngữ, ít đầu quân vào các ngành xã hội cùng khối này nên chỉ tiêu xét tuyển các ngành xã hội (khối D1) tại trường thường lấy ít. Năm nay, các ngành triết học (D1), ngữ văn Trung (D4), ngữ văn Pháp(D3) chỉ lấy 10 chỉ tiêu; các ngành nhân học, thư viện thông tin, giáo dục học, lưu trữ học (cùng thuộc khối D1) cũng chỉ lấy 15 chỉ tiêu. Riêng ngành song ngữ Nga- Anh chỉ nhận 5 chỉ tiêu. Tuy chỉ tiêu ít nhưng khi nộp vào các ngành xã hội này, khả năng trúng tuyển rất lớn vì ít phải chọi nhiều. Năm nay, trường xét tuyển 500 NV2, hơn năm trước gần 200.
Thầy Nguyễn Tưởng Duy (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cho biết, chỉ tiêu NV2 của trường năm nay giảm so với các năm, tuy nhiên cơ hội cho TS vẫn ở mức 1.454 chỉ tiêu. Chỉ trừ khối H, trường đã lấy đủ ở NV1, lượng chỉ tiêu này trường phân đều cho các khối. Với khối C, các ngành xã hội học, Việt Nam học còn khá nhiều “chỗ” đón TS. Các ngành ngoại ngữ cũng tương đối vừa sức. Đơn cử, ngành tiếng Trung Quốc, năm 2008 trường chỉ tuyển được 20 TS. Năm nay, cơ hội dành cho ngành này vẫn rộng mở cho những TS thực sự đam mê.
MÊ TÂM
Bình luận (0)