Tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật làm thủ tục vay vốn để đóng tiền học phí |
Bước vào năm học mới, để chuẩn bị các khoản tiền cho con đi học tại các trường ĐH, CĐ, TCCN là bài toán khó có lời giải đối với nhiều phụ huynh thuộc diện gia đình khó khăn.
Thủ tục nhiêu khê
Vừa qua, Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM đã có buổi khảo sát trên 200 SV có tham gia vay vốn học tập, thuộc bốn trường ĐH công và tư cho thấy: có 75,5% SV thuộc các gia đình nghèo, có khó khăn về tài chính; 24,5% SV còn lại thuộc những gia đình khá giả và trung bình, phần đông không gặp khó khăn nhưng vẫn được vay. Tại sao không nghèo, không khó khăn mà vẫn được vay? Theo ông Trần Văn Tiên, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP (NHCSXH) cho biết: “Ngân hàng không có nhiệm vụ kiểm tra hộ nghèo và cận nghèo. Đó là việc của địa phương. Ngân hàng chỉ ký hợp đồng thỏa thuận, văn bản ủy thác cho vay với các tổ chức như Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân… Sau khi hoàn tất các thủ tục, ngân hàng sẽ trực tiếp về địa phương giải ngân”. Đối tượng được vay rộng nhưng có đến 64% ý kiến SV cho rằng thủ tục vay vốn còn rườm rà và phức tạp; 33% cho biết cán bộ địa phương đã gây khó khăn và đặc biệt 67% cho rằng rất chậm nhận được vốn vay. Nhiều trường hợp đầu năm học làm hồ sơ vay vốn để đóng học phí (HP) và nhập học, nhưng phải chờ mòn mỏi đến cuối năm mới nhận được tiền. Trong thủ tục, nhiều ngân hàng buộc SV phải có giấy xác nhận “không nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp…” của trường ĐH, nhưng các trường lại rất khó xác nhận những nội dung này, khiến khâu thủ tục bị kéo dài.
Thực tế cho thấy, cuộc sống của những SV nghèo, học tập xa nhà là hết sức chật vật. Chính vì thế, 91% ý kiến khi được hỏi đã trả lời nguồn vốn vay cho học tập là quan trọng, thiết thực và ý nghĩa đối với họ, giúp họ ổn định và bớt lo lắng hơn. Theo kết quả nghiên cứu, việc sử dụng vốn vay của SV là khá đúng mục đích. Tuy nhiên, với mức cho vay hiện nay (1 triệu đồng/SV/tháng, áp dụng từ tháng 8-2011) là chưa đủ đáp ứng nhu cầu, vì thế SV mong muốn Nhà nước, cụ thể là NHCSXH cho tăng số tiền được vay lên khoảng từ 1,2 triệu đồng/SV/tháng, đồng thời cho kéo dài thời gian để thuận lợi hơn trong trả nợ, SV cho rằng nên để họ được đứng ra vay và trả nợ trực tiếp tại ngân hàng, hoặc được trừ vào lương sau khi đi làm, hoặc thanh toán qua thẻ ATM (thay vì gia đình phải bảo lãnh vay và trả nợ tại các điểm giao dịch tại các địa phương).
Phụ huynh hụt hẫng
Sáng 4-10 ông Nguyễn Văn Thái, Phước Tỉnh, Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu khăn gói đạp xe gần 10km ra NHCSXH huyện để nhận tiền giải ngân, đóng học phí cho hai người con đang học Trường ĐH Công nghiệp và ĐH Công nghệ TP.HCM. Đến nơi được một lúc, ông trở ra với sự khó hiểu. Ông bức xúc: “Cán bộ tín dụng nói gia đình tôi không phải hộ nghèo và hộ cận nghèo nên không cho vay tiếp. Họ còn nhắc tôi lo trả nợ 20 triệu đồng đã vay trước đó”. Theo thông báo mới nhất của NHCSXH, những SV, HS thuộc diện khó khăn vay vốn học tập một lần, tối đa 12 tháng. Những trường hợp đã vay rồi thì không giải ngân nữa. Bạn Hà Thúc Vũ, SV năm cuối, ĐH Bách khoa TP.HCM, quê huyện Củ Chi, TP.HCM cho biết: “Hai năm trước đây, tôi được vay vốn từ chương trình tín dụng đào tạo. Tuần trước, tôi gửi giấy xác nhận của trường về cho mẹ liên hệ ngân hàng xin vay vốn tiếp nhưng không được giải quyết nữa”. Bà Hạnh, mẹ của Vũ lo lắng: “Năm nay tôi có thêm một đứa nữa vào học năm nhất Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, cứ đinh ninh sẽ được vay vốn nhưng giờ ngân hàng bảo không cho vay nữa, tôi chưa biết tính sao”.
Áp lực đóng học phí đầu năm học đang đè nặng lên đôi vai các bậc phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn bị từ chối cho vay vốn. “Tôi bây giờ chỉ còn cách đi vay “nóng” lãi suất khoảng 12% gửi lên cho con đóng học phí chứ bây giờ hết cách rồi”, ông Thái đau đáu. Ông Tiên lưu ý: “Sở dĩ có thay đổi trong việc cho các đối tượng vay là do theo công văn số 2287/NHCS-TDSV của NHCSXHVN. Các đối tượng SVHS diện mồ côi, hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, bệnh tật, dịch bệnh, hỏa hoạn được vay vốn tại NHCSXH để trang trải chi phí học tập. Còn theo quy định mới, đối tượng con em gia đình khó khăn chỉ được vay tối đa một lần (12 tháng). Do đó, những trường hợp đã được giải ngân vốn vay từ năm 2010 trở về trước không được vay nữa”.
Đóng đúng hạn
Trong khi đó, năm nào cũng có hàng ngàn SV bị cấm thi, trừ điểm rèn luyện, treo bằng… chỉ vì đóng HP không đúng thời gian quy định.
Đầu tháng 10, hơn 100 học viên ngành dược Trường TC Điều dưỡng và Kỹ thuật y tế Hồng Đức thi môn hóa phân tích đã buộc phải ra khỏi phòng thi vì quá thời hạn mà vẫn chưa đóng HP học kỳ 3. Trường ĐH Hùng Vương cũng phải ra biện pháp cấm thi lần 1 đối với những SV chậm đóng HP không có lý do, thời điểm kỷ lục lên tới cả ngàn người. Với Trường ĐH Nông lâm TP, SV nào không đóng HP thì coi như tín chỉ đó bị hủy. Còn tại Trường ĐH Bách khoa TP, mặc dù thời gian đóng HP kéo dài đến đầu học kỳ sau, nhưng vẫn có nhiều trường hợp SV bị dừng học một học kỳ do đóng trễ mà không có lý do. TS. Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP, cho biết: “Mỗi năm có hàng ngàn SV chậm đóng HP. Tuy trường không cấm thi nhưng sẽ trừ điểm rèn luyện. Với những SV có học lực khá giỏi thì điều này có nghĩa cơ hội nhận học bổng sẽ không còn và cuối năm học không được xét SV tiên tiến và nhiều SV không được nhận bằng tốt nghiệp khi ra trường. Quy chế SVHS các trường ĐH-CĐ-TCCN hệ chính quy do Bộ GD-ĐT ban hành đã nêu rõ nghĩa vụ của SV là “đóng HP đúng thời hạn quy định” và phụ lục kèm theo có xác định “không đóng HP đúng quy định và quá thời hạn được trường cho phép hoãn sẽ tùy theo mức độ xử lý, từ khiển trách đến buộc thôi học”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bình luận (0)