Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Học sinh, sinh viên: Cảnh giác với cạm bẫy buôn người

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều kẻ lợi dụng tình yêu để buôn người (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Các vụ án liên quan đến buôn người diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp. Trong số đó, không ít người bị hại lại chính là những học sinh, sinh viên. Bài học cảnh giác dành cho giới trẻ đối với loại tội phạm này không bao giờ là muộn và cũng không bao giờ thừa.
“Người yêu” trong mộng
N.T.V (17 tuổi), quê ở tỉnh V., một mình lên Hà Nội học cấp 3, với mong ước sẽ có thể thi vào một trường đại học hàng đầu. Xa gia đình, V. phải tự lo toan khá nhiều cho cuộc sống của mình. V. xin vào làm việc bán thời gian ở một quán bar – cà phê trên đường Trường Chinh. Tình cờ một ngày, trong số khách đến quán, có một thanh niên mặt mũi khá bảnh bao, ăn diện toàn hàng hiệu, bắt chuyện với V. Người thanh niên này trông mặt mũi rất hiền lành, ăn nói lại đứng đắn, lịch sự và khá có duyên nên V. cũng yên tâm nói chuyện cùng. Người thanh niên này tự giới thiệu mình tên Huy, và đang làm nghề bán buôn quần áo từ Quảng Châu (Trung Quốc) về Hà Nội. Trước khi về, Huy còn hào phóng để lại 200.000 đồng tiền “tip” cho V. và hẹn ngày gặp lại. Vài hôm sau, Huy quay lại quán, và tiếp tục bắt chuyện với V. Những câu chuyện giữa hai người dần dần cởi mở, thân thiết hơn. Liền một tuần sau đó, Huy liên tục đến quán uống nước, tìm gặp V. Trước khi về, Huy không quên lấy số điện thoại và “tip” cho V. 200.000 đồng. Những ngày sau đó, V. và Huy thường xuyên nhắn tin, gọi điện cho nhau, dần dần, V. bắt đầu “cảm nắng” chàng trai ga-lăng, thành đạt và ăn nói có duyên này. Sang đến tuần thứ 3, V. đã đồng ý để cho Huy đưa đón đi làm và đi học mỗi ngày. Quen Huy tròn một tháng, được Huy ngỏ lời, V. đã đồng ý làm người yêu Huy. Sau khi chính thức làm người yêu của Huy, V. được Huy chiều chuộng, quan tâm chăm sóc từng li từng tí. Huy còn hứa hẹn khi nào có điều kiện sẽ đưa V. về ra mắt bố mẹ ở quê. Đối với V. lúc đó, Huy thật là một người yêu tuyệt vời.
Đến một hôm, khi hai người đang ở cùng nhau trong phòng trọ của Huy, Huy bỗng nhận được điện thoại từ ai đó. Qua những lời Huy nói ở điện thoại mà V. nghe thấy, thì có vẻ, Huy đang gặp trục trặc trong chuyện làm ăn. Sau khi kết thúc cuộc điện thoại, Huy nói với V. rằng, lô hàng quần áo của mình đang bị hải quan giữ ở cửa khẩu và có nguy cơ mất trắng, Huy phải lên Lạng Sơn giải quyết ngay, nếu V. muốn đi Lạng Sơn chơi thì đi cùng Huy, và coi như cũng hiểu công việc làm ăn của Huy hơn. Tin tưởng tuyệt đối “người yêu”, V. thu dọn hành lý đi theo Huy. V. đâu ngờ, đó chính là ngày định mệnh đưa V. rơi vào tổ quỷ. Trên đường đi, V. dần dần thiếp vào giấc ngủ từ lúc nào không hay, và khi tỉnh dậy, V. quá bàng hoàng khi biết rằng, mình đã bị “người yêu” bán cho một ổ mại dâm ở Trung Quốc với giá 30.000 NDT (khoảng hơn 90 triệu VNĐ). Những ngày trong “tổ quỷ”, V. liên tục bị tra tấn, đánh đập dã man và bị ép bán dâm. Mỗi ngày, V. phải tiếp 5-10 lượt khách, nếu ngày nào V. không chịu tiếp khách, sẽ bị bọn đầu gấu đánh đập, bỏ đói. V. nhiều lần tìm cách trốn thoát nhưng không thể… Cuộc sống của V. lúc đó không khác gì địa ngục, nhiều lúc V. có ý định quyên sinh kết thúc cuộc đời.
“Bà chủ” tốt bụng
T.T.N (18 tuổi), đang là học sinh một trường trung cấp chuyên nghiệp ở Hà Nội. Bố mẹ ở quê đều làm nông, gia đình khá khó khăn, nên ngoài đi học, N. còn muốn kiếm thêm một công việc bán thời gian nào đó để trang trải tiền ăn học. N. tìm đến một trung tâm giới thiệu việc làm ở gần trường. Tại đây, N. được trung tâm tư vấn là có một cửa hàng bán tạp phẩm đang cần tuyển nhân viên. Ngày hôm sau, N. được hẹn gặp với người chủ cửa hàng đó tại trung tâm. Bà chủ cửa hàng tự giới thiệu mình có mở một cửa hàng bán tạp phẩm và chuyên đưa hàng từ Lạng Sơn về đổ buôn cho các cửa hàng nhỏ lẻ khác. Nếu đồng ý làm việc, N. sẽ được nuôi ăn, ở, và được trả 2,5 triệu đồng/tháng nhưng thường xuyên phải nghỉ học để đi “đánh hàng” ở Lạng Sơn. Đã từng biết đến một vài vụ lừa đảo, N. cũng khá cân nhắc và yêu cầu bà chủ này phải xuất trình chứng minh thư, kí hợp đồng lao động trước sự chứng kiến của trung tâm giới thiệu việc làm. Bà chủ này đồng ý làm theo yêu cầu của N. và thậm chí còn ứng trước cho N. hẳn một tháng lương. Hôm sau, khi N. chính thức nhận lời, bà ta vội giục N. thu dọn hành lý để đi Lạng Sơn “đánh hàng” cho quen việc. Lên đến Lạng Sơn, trời đã nhá nhem tối, bà chủ nói bây giờ phải vượt qua biên giới bằng đường rừng núi để lấy hàng trốn thuế về. Tin theo bà chủ, N. cùng bà ta băng qua một con đường rừng để sang Trung Quốc. Khi vừa sang đến đất Trung Quốc, N. liền bị một số người đàn ông lạ mặt khống chế và bắt đi. Đến lúc đó, N. mới ngỡ ngàng khi biết rằng, mình đã bị “bà chủ tốt bụng” kia bán sang Trung Quốc. Những ngày sau đó, N. bị bán từ động mại dâm này sang động mại dâm khác, bị đánh đập, bỏ đói và phải tiếp hàng trăm lượt khách.
Truy bắt hai kẻ buôn người
Sau những tháng ngày sống tủi nhục nơi đất khách quê người, cả V. và N. đều cố gắng tìm cách thoát thân. Trong một lần tiếp khách, V. đã thuyết phục được vị khách kia cho mượn điện thoại và gọi về Việt Nam báo với gia đình, nhờ giúp đỡ. Cũng như V., trong một lần nọ, N. đã gặp được một vị khách Việt Nam và nhờ người này gọi điện về báo tin cho gia đình.  Từ những nguồn thông tin kể trên do gia đình cung cấp, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – Công an TP.Hà Nội thành lập chuyên án điều tra để giải cứu hai nạn nhân N. và V. Sau một thời gian, cơ quan công an đã xác minh được cả N. và V. đang ở khu vực Bằng Tường, Trung Quốc. Phối hợp cùng Công an, Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn và Công an Trung Quốc, cuối cùng, Công an TP.Hà Nội đã giải cứu thành công N. và V. Qua lời khai của V., cơ quan công an đã xác định được đối tượng Huy là Đ.V.D, quê ở Nhật Tựu, Kim Bảng, Hà Nam. Đối tượng này thường xuyên ẩn dưới vỏ bọc là Tuấn hoặc Huy, làm nghề buôn bán quần áo để lừa gạt các cô gái trẻ. Sau gần 8 tháng truy tìm, cuối cùng cơ quan công an đã tóm gọn được Đ.V.D tại nhà một “người yêu mới” ở Tràng Định, Lạng Sơn. Sau khi bị bắt, D. khai, chỉ vài ngày nữa là D. có thể bán nốt cô “người yêu” mới này rồi. Còn “bà chủ tốt bụng” của N., sau một thời gian xác minh, truy bắt, cơ quan đã xác định được “bà chủ” này là L.T.M ở Chi Lăng, Lạng Sơn. Nhanh chóng tìm ra tung tích của L.T.M, cơ quan công an đã tóm gọn được “bà chủ tốt bụng” này khi đang lẩn trốn.
Bài học từ giây phút lơ là
Cả hai nạn nhân N. và V. đều là những người được ăn học, có hiểu biết, trình độ nhất định, tuy nhiên chỉ do một phút lơ là, bất cẩn, N. và V. đã bị những kẻ buôn người nham hiểm lừa gạt. Với V., mặc dù đã là “người yêu” của “Huy”, nhưng V. cũng chỉ lui tới phòng trọ của “Huy” chứ chưa bao giờ được về quê “Huy” hay tiếp xúc với bạn bè, người thân của “Huy”. Hay với N., do đã kiểm tra rất kĩ chứng minh thư, hợp đồng kí kết với “bà chủ” kia, mặt khác hợp đồng lại được kí kết tại trung tâm giới thiệu việc làm, nên N. vô cùng yên tâm. Thế nhưng, N. đâu ngờ rằng, chứng minh thư kia chỉ là chứng minh của người khác, L.T.M dán đè ảnh của mình vào và thoải mái trình cho N. cũng như trung tâm giới thiệu việc làm kia xem. Chính trung tâm giới thiệu việc làm cũng bị L.T.M qua mặt trong cú lừa này.
Trường hợp của N. và V. chính là bài học cực kì quý báu dành cho những học sinh, sinh viên nữ, đặc biệt là những bạn sống xa gia đình.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)