Dù kiên cường bám biển, liên tục ra khơi Hoàng Sa, nhưng ngư dân Miền Trung vẫn lép vế trước đội tàu hùng hậu và ngày càng tỏ ra thiếu thân thiện của phía Trung Quốc.
Thuyền trưởng Lê Văn Ninh bên con tàu đang được đóng mới. Ảnh: Nam Cường. |
Trở về từ Hoàng Sa, nơi quần đảo của Việt Nam đang nóng bỏng bởi hàng loạt vụ đẩy đuổi, đe dọa của Trung Quốc, thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90072 Lê Văn Ninh thốt lên: “32 năm gắn bó với Hoàng Sa, chưa bao giờ thấy buồn như bây giờ”.
Lăn lộn với biển từ nhỏ, 25 tuổi trở thành thuyền trưởng con tàu 150 mã lực (sau này nâng cấp lên 550CV) tung hoành ở Hoàng Sa, nhưng sau những chuyến đi biển cuối năm 2012, anh Ninh mới thấm thía nỗi đau, sự mất mát.
Tháng 10, chạy vào đảo Trụ Cẩu để tránh bão, anh hoàn toàn bất ngờ khi thấy tàu cá Trung Quốc chắn ngang, xua đuổi. Vẫn cố cho tàu vào đảo thì bất ngờ 2 tàu cá bằng sắt của Trung Quốc áp sát, bên trên, ngư dân lăm lăm giáo mác. Dù không sợ, nhưng biết đằng sau họ là tàu chiến bảo vệ nên anh Ninh đành ngậm ngùi bẻ lái.
Theo anh Ninh, ngư dân hai nước xưa nay vẫn đánh bắt gần nhau một cách hòa bình ở việc giao lưu, trao đổi lương thực, xăng dầu, thậm chí ngồi nhậu cùng nhau trên tàu không phải chuyện hiếm.
“Nhớ có một lần, vào năm 2007, tàu tui bị hỏng bánh lái, liên lạc với mấy tàu bạn, nhưng tàu nào cũng bận theo luồng cá. Lúc đó trời xẩm tối, nếu không sửa kịp sẽ trôi vô định. Đành đánh liều thả thúng bơi sang một tàu ngư dân Trung Quốc gần đó. Họ đưa đồ nghề, phương tiện rồi sang tận nơi giúp mình, chẳng tính tiền công. Chỉ nói xin ít rượu về uống. Tui xách luôn cả 2 can loại 20 lít đưa sang, cùng uống giao lưu. Vui vẻ lắm. Những lần sau, mức độ thân thiết giữa ngư dân hai nước nhạt dần, nhưng hai bên vẫn cùng khai thác trong hòa bình. Câu chuyện của 6 tháng cuối năm nay lại khác. Họ đã trở mặt 180 độ”, anh nói.
Tự cứu mình
Thuyền trưởng Lê Văn Ninh nói: “Cần phải làm một cái gì đó, phải làm khẩn trương nếu không, tương lai gần, ngư dân Việt sẽ không còn ngư trường để đánh bắt. Bây giờ, phía Trung Quốc đã xua hàng ngàn tàu cá tràn ra biển Đông. Tàu chiến của họ cũng bắt đầu mở không gian kiểm soát. Theo ước tính của tôi, họ nới rộng tầm kiểm soát khoảng 60 hải lý về 3 hướng Tây, Nam và Đông. Đặc biệt là hướng Tây, tức về phía Việt Nam”.
Anh Ninh kể, trong năm 2012, tính riêng ngư dân Đà Nẵng, cứ mỗi đợt ra khơi Hoàng Sa, nhìn đi nhìn lại chỉ thấy đội tàu chừng 10 – 15 chiếc mạnh dạn bám biển.
Tính cả ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi thì con số lên hơn trăm chiếc, nhưng chừng đó là chưa ăn thua so với đội tàu hùng hậu của phía Trung Quốc.
“Người ta thường nói, làm ăn có bạn, cái này trên biển còn cần kíp hơn. Đi biển thời nay sướng gấp trăm lần thời tui mới làm thuyền trưởng. Bây giờ có tàu lớn, ICOM hiện đại, có máy dò ngang tìm luồng cá, tàu cũng nâng mã lực mạnh, thế mà ngư dân không máu vươn xa như thời trước. Kể cũng lạ”.
Hồ hởi với chương trình hỗ trợ đóng mới tàu đánh bắt xa bờ của UBND thành phố Đà Nẵng, anh Ninh lập tức đóng mới một tàu hơn 700 mã lực.
“Trước hết là tự cứu mình. Chỉ 2 tuần nữa thôi, con tàu này sẽ được hạ thủy. Tàu thuộc loại lớn, có thể đánh bắt khơi xa với thời gian trên 2 tháng. Tàu chạy khơi xa được 500 hải lý, mang theo 8.000 lít dầu dự trữ, 10.000 lít nước ngọt, 1.000 cây đá và có thể chứa hơn 40 ngàn tấn cá”.
Đóng mới con tàu, sắm ngư cụ tốn hơn 3 tỷ đồng mà cả nhà gom góp chỉ được 1,5 tỷ, anh Ninh đành lấy giấy tờ nhà, cầm cố thêm được 700 triệu. Con tàu đóng mới được hỗ trợ 600 triệu đồng thì 300 triệu được nhận lúc hạ thủy, 300 triệu được thông báo sẽ nhận sau.
Anh Ninh nói: “Còn cách nào khác hơn là ngư dân trên dưới đồng lòng. Chúng ta phải xuất hiện nhiều, thật nhiều tàu cỡ lớn trên biển Đông để làm đối trọng với ngư dân Trung Quốc, như thế thì họ mới bớt kiêu ngạo, khinh thường và đẩy đuổi. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát, biên phòng, hải quân của ta cũng nên xuất hiện thường xuyên để bảo vệ ngư dân”.
Theo TPO
Bình luận (0)