Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Điểm cao vẫn vào trường… tư

Tạp Chí Giáo Dục

TS nộp nguyện vọng bổ sung vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm 2013
Cuộc đua của thí sinh (TS) vào nguyện vọng (NV) bổ sung đợt tiếp theo gần như dành cho các trường ĐH ngoài công lập. Câu chuyện những TS đạt điểm cao (trên dưới 20) vẫn “rơi” vào các trường tư đáng tiếc đã trở thành… hiện thực!
Những năm trước, TS đạt ngưỡng xấp xỉ sàn là đối tượng chính vào các trường ĐH ngoài công lập. Năm nay, điểm trúng tuyển hai NV đầu tiên vào các trường công cao bất ngờ khiến không ít TS dù đạt điểm khá “đẹp” vẫn tuột mất cơ hội.
Trên 20 điểm vẫn bị loại
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xét tuyển đợt cuối cùng 70 chỉ tiêu cho hai ngành sư phạm tiếng Pháp và ngôn ngữ tiếng Pháp. Tại khu vực TP.HCM, đây là đơn vị công lập hiếm hoi xét tuyển bổ sung đợt mới. Hầu hết các trường công đến nay đều đã “chốt sổ”. Ở NV bổ sung đợt đầu tiên, điểm trúng tuyển các ngành tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đều ở ngưỡng khá cao khiến những TS đạt mức trên dưới 20 ở một số ngành vẫn bị “đánh bật” khỏi vòng xét tuyển.
Hai ngành công nghệ thực phẩm và công nghệ kỹ thuật hóa học của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM còn “đáng gườm” hơn, lấy tới 23 điểm. Điều này đồng nghĩa ngay cả những TS đạt mức 22,5 – một mức điểm rất cao – vẫn phải… lặng lẽ ra về.
Tại trường, hàng loạt ngành khác lấy từ mức khá cao so với các năm, từ 20 đến 21,5 điểm như: Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, công nghệ kỹ thuật điện tử – truyền thông, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật ô tô, khoa học máy tính, công nghệ kỹ thuật môi trường, kế toán. Ngành thấp nhất tại trường là quản trị nhà hàng và kỹ thuật chế biến, mức điểm cũng đã 18,5.
Tương tự duy nhất một ngành thẩm định giá tại Trường ĐH Tài chính – Marketing lấy mức thấp nhất là 17,5; hầu hết các ngành còn lại của trường đều tuyển NV bổ sung ở mức 19,5 đến 21 điểm. Ở khối xã hội, ngành triết học, một trong những ngành không mấy thu hút các năm qua tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM điểm trúng tuyển đã bất ngờ đứng ở mức 20 (khối C). Hai ngành nhân học và giáo dục học cũng lấy lần lượt 19,5 và 19 điểm…
Như vậy, dù rất đáng tiếc nhưng hàng loạt TS đạt điểm khá cao, từ ngưỡng 22,5 trở xuống đành phải tiếp tục hành trình xét tuyển. Điều đáng nói, hành trình xét tuyển bổ sung đợt tiếp theo gần như chỉ dẫn vào chiếc cổng duy nhất là các trường ngoài công lập.
Ngay cả hệ CĐ, để giành được một “suất” học tại trường công, TS cũng phải trải qua một cuộc “chọi” khá… dữ dội. Đơn cử, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chỉ lấy 150 chỉ tiêu bổ sung hệ CĐ nhưng có đến gần 2.400 TS nộp. Điểm trúng tuyển vì thế “đội” lên đến 5-6 điểm. Hơn 2.000 TS hiện phải cầm phiếu điểm tiếp tục đi tìm chỗ “cư trú”.
“Nhập cư” vào trường tư

Thí sinh và phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm 2013.
Hiện, nhiều trường ĐH ngoài công lập vẫn đang ra sức tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu. Khởi điểm xét tuyển tại các trường hầu như bằng mức sàn. Tuy nhiên, thực tế, điểm trúng tuyển NV bổ sung đợt vừa qua tại các trường ngoài công lập cũng tiến triển rõ rệt. ThS. Nguyễn Quốc Anh (Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM) cho biết, phổ điểm của TS trúng tuyển vào trường tăng từ 1 đến 2 điểm, tùy ngành. Tuy nhiên, mức “ảo” ở các năm thường lên đến 40%. Đợt này, trường xét tuyển bổ sung thêm 780 chỉ tiêu ĐH cho 22 ngành và 400 chỉ tiêu hệ CĐ cho 19 ngành với mức điểm xét tuyển bằng sàn.
Ông Trần Kim Phước (quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định) đánh giá, phổ điểm đầu vào của TS tại trường năm nay cũng tăng từ 1 đến 2 điểm, “khá” nhất là ngành ngôn ngữ Anh. Trường xét tuyển 300 chỉ tiêu bổ sung hệ ĐH và 100 chỉ tiêu hệ CĐ với mức điểm bằng sàn.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển bổ sung 300 chỉ tiêu hệ ĐH cho 16 ngành và 1.000 chỉ tiêu hệ CĐ cho 22 ngành. Trừ ngành dược xét mức điểm 16 còn lại tất cả các ngành khác đều xét mức bằng sàn. Bên cạnh đó, trường còn xét tuyển 1.700 chỉ tiêu CĐ nghề và 900 chỉ tiêu TCCN.
Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn xét tuyển bổ sung 3 ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật điện tử – truyền thông, công nghệ kỹ thuật điện – điện tử với mức điểm chung là 13. Được biết, số chỉ tiêu còn lại cho các ngành này cũng không còn nhiều.
Việc phổ điểm đầu vào của TS tăng một phần do kết quả thi năm nay khả quan hơn. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), phổ điểm cao chưa hẳn đã cải thiện được chất lượng đầu vào. Bởi phổ điểm phụ thuộc rất nhiều vào đề thi. Chỉ trong điều kiện chất lượng đề thi ổn định mà phổ điểm TS tăng thì đầu vào mới đảm bảo.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Từ chối hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện?
Trong thông báo xét tuyển NV bổ sung vào một số ngành còn chỉ tiêu trên website của mình, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn quy định “không nhận xét tuyển qua đường bưu điện, chỉ nhận hồ sơ trực tiếp tại trường”.
Trong khi đó, tại “Phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga quy định: TS nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và lệ phí đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường. Hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển của TS dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường trong thời hạn quy định của trường đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)