Nhằm hỗ trợ, trang bị cho các em HS khối trường THCS và THPT những hiểu biết, kỹ năng cơ bản mang tính định hướng nghề nghiệp, phù hợp với khả năng, sở thích của các em, đồng thời giúp các em tiếp cận với hệ thống thông tin, các chính sách của Nhà nước về công tác dạy nghề và hướng nghiệp, UBND huyện Nhà Bè phối hợp với Báo Giáo dục TP.HCM và các đơn vị tổ chức Ngày hội hướng nghiệp – việc làm.
Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè khẳng định: Qua ngày hội, sẽ trang bị cho các em những kiến thức đủ để các em lựa chọn cho mình những bước đi vững chắc trên con đường lập nghiệp trong tương lai.
PV: Thưa ông, ngày hội năm nay có gì khác so với mọi năm?
Ông Nguyễn Văn Tiến: Ngày hội năm nay sẽ có nhiều đổi mới. Cụ thể những năm trước, địa điểm tổ chức ngày hội là tại Trung tâm Sinh hoạt công nhân KCN Hiệp Phước, địa điểm tổ chức năm nay là tại Trung tâm Dạy nghề Nhà Bè (TTDN NB). Ở đây có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, có thể tiếp nhận số lượng công ty tuyển dụng và người lao động nhiều hơn, tạo sự thoải mái cho người dân đến tham dự, HS đến nghe tư vấn hướng nghiệp. Tiếp thu những thông tin phản hồi từ các năm trước là có một số người lao động không tìm được việc làm do học các chuyên ngành đặc biệt như thiết kế xây dựng, phiên dịch, môi trường, quản lý điều hành… Do đó, năm nay huyện Nhà Bè đã mời thêm Trung tâm YesCenter tham gia với mục đính là đa dạng hóa các ngành nghề tuyển dụng, đồng thời chịu trách nhiệm hỗ trợ phần đăng ký tìm việc trực tuyến, nếu người lao động trong ngày hội không tìm được việc làm phù hợp có thể đến khu vực này để đăng ký.
Ngoài chương trình này, huyện còn có chủ trương nào hỗ trợ tiếp sức người lao động, thanh niên chưa có việc làm, đặc biệt là khuyến khích HS sau THCS và học nghề theo chủ trương Nhà nước?
Huyện đang thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, cùng nhiều chương trình hỗ trợ cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp với nhiều hình thức phong phú; tăng cường cung cấp thông tin về nhu cầu việc làm, ngành nghề, thường xuyên tổ chức các phiên hội chợ việc làm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động gặp gỡ tư vấn và tuyển dụng; tổ chức nhiều chi nhánh giới thiệu việc làm tại các xã, thị trấn; nâng cao chất lượng hoạt động, giảng dạy của TTDN…
Để khuyến khích HS THCS theo học nghề theo chủ trương Nhà nước, huyện đã triển khai thực hiện đề án thí điểm phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS giai đoạn 2010-2015, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền vận động, chủ động liên hệ trực tiếp với các trường THCS, TTGDTX thực hiện tư vấn, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh chuẩn bị tốt nghiệp ra trường, tạo mối quan hệ mật thiết, thực hiện liên kết với các đơn vị như Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng… Huyện đặt chỉ tiêu đến năm 2015 có ít nhất 20% số HS tốt nghiệp THCS tham gia chương trình phân luồng do huyện tổ chức.
Là người sâu sát với việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, theo ông, có những thuận lợi hay khó khăn gì trong việc đào tạo nghề, nhất là khi học xong có thể tìm được công việc phù hợp?
Thực tế hiện nay quá trình thực hiện đào tạo nghề cho lao động còn gặp một số khó khăn nhất định. Một bộ phận người dân chưa thật sự quan tâm tới việc học nghề và một số địa phương chưa thật sự quan tâm trong công tác tuyên truyền vận động; điều kiện về cơ sở vật chất giảng dạy ở trường nghề tuy có đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hiện nay. Nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, nhất là khâu giải quyết việc làm cho học viên sau đào tạo, huyện đã chỉ đạo tăng cường sự liên kết giữa TTDN NB với Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố, Ban quản lý các KCN-KCX, các công ty, xí nghiệp để nắm nhu cầu tuyển dụng lao động trong năm. Từ đó, định hướng cho việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động tại các xã – thị trấn và các HS sau khi tốt nghiệp. Các cơ quan, đơn vị trên cũng đã thường xuyên đến đặt hàng tuyển dụng lao động có tay nghề, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho đầu ra khi đào tạo. Đồng thời, huyện thường xuyên cử người tham gia các hội chợ việc làm do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM và các quận, huyện bạn tổ chức để nâng cao công tác nắm bắt thông tin thị trường lao động và giới thiệu việc làm cho người lao động tại địa phương.
Xin cảm ơn ông!
P.V (thực hiện)
Bình luận (0)