Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thực hành từ những điều giản dị nhất của Bác

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Phạm Tuyết Mai sử dụng công nghệ thông tin để bồi dưỡng học sinh giỏi

Gặp cô Phạm Tuyết Mai – Phó bí thư Đảng ủy, Tổ trưởng Tổ sử Trường THPT Ngô Quyền (Q.7, TP.HCM) – trong Văn phòng Đảng ủy, tôi có chút ngạc nhiên khi thấy đèn chỉ sáng ở chỗ cô ngồi. Cô Mai giải thích: “Phải tiết kiệm, mình ngồi làm việc chỗ nào thì bật đèn và quạt chỗ đó. Nếu bật tất cả các bóng đèn và quạt trong phòng thì sẽ rất lãng phí”. Tinh thần tiết kiệm này được cô học từ “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…
Làm thầy thì không được nói hai lời
Với chuyên đề: “Đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm”, bài thuyết trình của cô Mai đã giành giải nhất cấp trường và đại diện Trường THPT Ngô Quyền đi thi cấp quận. Cô Mai tâm sự: “Tôi chọn chủ đề này là đề cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, đã nói thì phải làm, phải gương mẫu. Một tấm gương sáng bằng một trăm bài diễn văn. Người thầy đã hứa việc gì, dù là nhỏ nhất thì cũng phải làm. Có như vậy học sinh mới phục, mới ủng hộ mình”.
Từ quan điểm đó, cô luôn thực hiện tốt các quy chế của trường, của ngành. “Khi chọn cái nghề này thì phải có trách nhiệm với học sinh. Đó không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là cái tình – quan hệ thầy trò”, cô Mai chia sẻ.
Với nhiệm vụ phụ đạo học sinh yếu kém, cô Mai gặp không ít học sinh xếp vào dạng “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Nhiều em là con một được cha mẹ cưng chiều nên không sợ ai hết, giáo viên mà càng căng thì các em càng phá. Vì vậy, cô Mai không bao giờ to tiếng với học sinh mà thường dùng những lời nói và hành động chân thành để “đánh” vào tình cảm của các em… “Khi đã tạo được uy tín thì mình nói gì học sinh cũng nghe”, cô Mai tâm sự.
Không chỉ hết lòng với học sinh mình dạy mà học sinh lớp khác gặp chuyện cô cũng quan tâm. Mấy năm trước, tình cờ cô gặp một học sinh lớp 10 ngồi khóc ở sân trường. Cô ân cần hỏi chuyện, thì em này kể do hay quậy phá nên cô giáo chủ nhiệm phải mời phụ huynh lên trường nhiều lần. Lần này cũng vậy, em sợ về nhà ba sẽ đánh. “Em nói với tôi: “Chiều nay con không dám về nhà đâu cô”. Tôi nói: “Em cứ về nhà. Cô hứa sẽ nói để ba không đánh em”. Sau đó tôi gọi điện nói chuyện với ba của em, phụ huynh cho biết là con anh đã hứa rất nhiều lần nhưng vẫn chứng nào tật nấy – đi học trễ, mê game. Tôi khuyên anh không nên đánh cháu, từ từ khuyên bảo rồi cháu sẽ nghe. Vị phụ huynh đã hứa với tôi là không đánh con nữa… Đến nay, cậu học trò ấy đã trở thành một chiến sĩ công an”, cô Mai kể lại.
Nghĩ cho học sinh trước
Song song với công tác phụ đạo học sinh yếu, hơn 10 năm nay, cô Mai được Ban giám hiệu nhà trường tín nhiệm giao cho nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi. Và mỗi lần cô Mai cùng học sinh của mình “ra trận” đều đem vinh quang về cho nhà trường.
Nói về bí quyết bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Mai chia sẻ: “Thi học sinh giỏi, người ta không ra đề theo bài mà đặt nặng vào tư duy của học sinh. Vì vậy, tôi không dạy theo bài mà theo chủ đề, theo giai đoạn (trong đó có sự so sánh). Và quan trọng là tôi không bao giờ cho học sinh ôn tủ mà ôn tất cả, trong đó xoáy vào một số vấn đề quan trọng”.
Trường THPT Ngô Quyền là trường dạy 2 buổi, trong đó học sinh học tất cả các buổi sáng từ thứ hai đến thứ bảy, còn buổi chiều được nghỉ thứ tư và thứ bảy. Theo đó, hầu hết giáo viên chọn chiều thứ tư để bồi dưỡng học sinh giỏi. Riêng cô Mai lại chọn thời gian rất “khắc nghiệt” – từ 12 giờ đến 14 giờ chiều thứ bảy. “Đây là thời gian ai cũng muốn nghỉ ngơi bên gia đình, vậy sao cô lại bồi dưỡng học sinh giỏi vào lúc này?”, tôi thắc mắc.
Cô Mai trả lời: “Là giáo viên thì phải nghĩ cho học sinh trước. Sáng thứ bảy, học sinh học đến 11 giờ, nếu cho các em về rồi chiều quay lại trường để học thì rất cực. Vả lại, các em đều đang ôn thi ĐH, nếu mình dành giờ đẹp để bồi dưỡng thì sẽ ảnh hưởng đến việc ôn thi của các em…”.
Và để tránh học sinh ngủ gật, cô Mai đã có nhiều sáng kiến. Chẳng hạn khi thấy em nào buồn ngủ là cô gọi đứng lên phát biểu, thậm chí cô còn chấm điểm (mặc dù điểm số ở đây không được ghi vào học bạ)… Đặc biệt, cô sử dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy học, biến bài học thành một câu chuyện để kể và yêu cầu học sinh kể lại. Lúc nào cô cũng tạo cho học sinh cái cảm giác được học chứ không phải là bị học. Chính vì vậy không chỉ học sinh lớp bồi dưỡng mà học sinh các lớp cô dạy đều rất khoái môn lịch sử…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)