Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

NGƯT Lâm Thị Kim Hoàng: Hơn 30 năm với một chữ “nghiệp”

Tạp Chí Giáo Dục

 

NGƯT Lâm Thị Kim Hoàng và các bé Trường Mầm non Bé Ngoan, Q.1

Hôm nào cũng 6, 7 giờ tối chị mới về đến nhà. Tuy bề ngoài cứ cười cười, nói nói với con với cháu nhưng trong lòng lúc nào cũng nơm nớp lo phụ huynh gọi điện. Con nóng sốt, quấy khóc, bỏ ăn, thậm chí “ị” nhiều hơn ngày thường là họ gọi điện để “thẩm vấn” chị. Cái cảm giác “nơm nớp” này đã theo chị 33 năm nay, dù ở cương vị cán bộ quản lý hay giáo viên. Tất cả cũng chỉ bởi một chữ “nghiệp” – nghiệp nuôi dạy trẻ.
Ba là giáo viên Trường Phước Đức (nay là Trường THCS Trần Bội Cơ, Q.5), thấy con gái út thích trẻ con nên năm 1976, Trường Trung học Sư phạm Mầm non (nay là Khoa Giáo dục Mầm non Trường ĐH Sài Gòn) tuyển sinh, ông đã đăng ký cho con… Và chị trở thành giáo sinh của trường từ đó.
Cứ tưởng dạy người lớn hóa ra là… trẻ con
Năm 1977, chị tốt nghiệp và là 1 trong số 7 giáo sinh được giữ lại trường. “Lúc đó, tôi đã chạy vội về nhà và khóc nói với ba: “Con thích dạy trẻ con, sao bây giờ lại bắt con dạy người lớn”. Ba tôi an ủi: “Công việc nào cũng có niềm vui cả. Vả lại, cả trường có hàng trăm giáo sinh mà chỉ giữ lại 7 người, con phải thấy tự hào về điều đó chứ”. Nghe xong, tuy vẫn còn ấm ức nhưng tôi vẫn vui vẻ nhận công việc mới”, NGƯT Lâm Thị Kim Hoàng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bé Ngoan, Q.1 nhớ lại.
Năm học 1977-1978 bắt đầu, chị chưa kịp làm giảng viên ngày nào thì Trường Thực hành Mẫu giáo Hoa Lư (nay là Trường Mầm non Hoa Lư, Q.1) ra đời (đây là nơi để các giáo sinh Trường Trung học Sư phạm Mầm non thực hành), thế là chị và 5 đồng nghiệp trong nhóm 7 người được giữ lại “bị” phân công qua làm giáo viên. Thật lòng mà nói, khi ấy chị cũng hơi quê dẫu rằng đó là công việc mà chị yêu thích từ khi còn bé. “Quê là bởi gia đình, bạn bè ai cũng biết mình dạy người lớn, bây giờ lại dạy trẻ con”, chị giải thích.
Trước đây, khi còn nhỏ, chị thường sang nhà hàng xóm trông em bé nên cứ nghĩ đơn giản làm cô giáo mầm non cũng vậy. Nhưng bây giờ, đứng trước hơn 50 đứa trẻ đến từ hơn 50 gia đình, chị mới nhận ra mọi việc gian khổ hơn nhiều. Hơn 10 năm trước, lúc chị chỉ là một cô bé 8-9 tuổi, chị chỉ thấy trẻ con cười nói và vui chơi. Nhưng bây giờ, chị còn thấy chúng la khóc, không chịu ăn, “tè” và “ị” tùm lum. Là con gái út trong gia đình, có bao giờ chị phải đụng tay, đụng chân vào việc gì đâu, vậy mà bây giờ cứ phải luôn tay luôn chân với những đứa trẻ này. Ngày nào đi làm về người cũng mệt rã rời…
“Nhưng cũng có nhiều niềm vui lắm”, chị tâm sự. Chị kể, một hôm trong giờ ăn chị nói với các bé: “Hôm nay các con ăn canh bầu, ăn canh bầu vừa bổ vừa mát, rất tốt cho sức khỏe”. Chị vừa dứt lời, thì một cậu bé mở cặp mắt thật to nhìn thẳng vào chị dõng dạc hỏi: “Cô ơi, ăn canh bầu là có bầu và sinh em bé phải không cô?”. Chị vừa buồn cười, vừa ngạc nhiên vì tại sao một đứa trẻ chưa đầy 5 tuổi lại hỏi như vậy. Tuy nhiên chị không dám rầy la mà giải thích một cách rất “5 tuổi” để cho cậu bé cũng như cả lớp hiểu.
Một cậu học trò “siêu quậy” có cái tên Mạnh Cường, dù đã 30 năm đi qua nhưng chị vẫn không quên. Trong giờ nêu gương của ngày thứ sáu hôm ấy, Mạnh Cường đứng lên nhận xét về bản thân: “Thưa cô, bữa nay… con hơi ngoan”, cậu bé ngập ngừng. Mạnh Cường vừa nói xong là các bạn dưới lớp phản đối kịch liệt: “Thưa cô, bạn Cường không ngoan chút nào, bạn ấy đánh con, bạn ấy giật đồ chơi của con…”. Nghe vậy, mặt cậu bé sụ xuống. Lúc đó, chị nhẹ nhàng nói: “Hôm nay cô thấy bạn Mạnh Cường có nhiều tiến bộ. Tuy là bạn ấy có gây với các con nhưng trong giờ học, bạn ấy vẽ rất đẹp. Theo cô thì hôm nay bạn Mạnh Cường đáng được nhận một lá cờ, các con thấy thế nào?”. Ở dưới, cả lớp đồng thanh trả lời: “Thưa cô, chúng con đồng ý”. “Với những học sinh như Mạnh Cường, tôi luôn phải lấy cái tốt để khen. Có như vậy, bé mới hạn chế những cái xấu. Cụ thể, với những bé khác, một tuần phải đạt được 4 lá cờ thì mới quy đổi thành 1 phiếu bé ngoan nhưng đối với Mạnh Cường thì 3 lá cờ là đủ rồi”. NGƯT Kim Hoàng chia sẻ kinh nghiệm đứng lớp.
Khóc vì bị… “mất dạy”
Năm 1987, chị “bị” điều về Trường Mẫu giáo Bé Ngoan 6, Q.1 làm Phó hiệu trưởng. Lúc đó, chị đã khóc rất nhiều vì bị… “mất dạy”. “Không còn được đứng lớp, phải rời xa học sinh tôi buồn lắm nên khóc rất nhiều. Học sinh cũng khóc. Ngày tiễn cô giáo qua trường khác, cô và trò bịn rịn không muốn rời nhau”, chị nhớ lại.
Khi còn làm giáo viên, chị chỉ biết 50 học sinh trong lớp nhưng từ khi làm Phó hiệu trưởng ngoài việc phải biết hàng trăm học sinh của trường chị còn phải biết tất cả giáo viên. Vì vậy, ngày nào chị cũng như con thoi cứ chạy qua chạy lại từ cơ sở này đến cơ sở khác – Trường Mẫu giáo Bé Ngoan 6 có tới 6 cơ sở.
Để nâng cao chất lượng dạy học không lúc nào chị ngơi nghĩ về cách đổi mới phương pháp dạy học. Ngày ấy, kinh phí cho giáo dục mầm non còn eo hẹp lắm, bởi vậy đồ chơi của các cháu cũng rất nghèo nàn nên chị phải hướng dẫn giáo viên cách làm đồ dùng dạy học. Từ một đoạn dây điện có vỏ bọc màu xanh đỏ bên ngoài, chị hướng dẫn giáo viên làm thành cái gọng kính cho cháu đeo, hay cái móc áo móc đầm cho búp bê. Những tờ giấy đã qua sử dụng tưởng trở thành phế liệu nhưng chị đã hướng dẫn giáo viên cắt, dán, gấp thành những con búp bê, con chim, con chuồn chuồn, con ếch. Thậm chí mấy cái hộp, cái thùng giấy bìa cứng cũng được tận dụng làm ngôi nhà, xe ô tô, tàu hỏa… Từ ngày chị về đây, đồ chơi của cháu ở Trường Mẫu giáo Bé Ngoan 6 trở nên phong phú, đa dạng hơn và phong trào giáo viên tự làm đồ dùng dạy học cũng phát triển.
Công việc đang chạy “ngon lành” thì lại một lần nữa chị “bị” lên chức. Năm 1993, chị được điều về làm Hiệu trưởng Nhà trẻ Nguyễn Cư Trinh, Q.1. Thời đó, ở đây chỉ nhận các bé dưới 3 tuổi, khi về chị nhận thêm trẻ 3-5 tuổi. Và trường được đổi tên là Trường Mầm non 20-10. Vì sự xuất hiện của chị mà Hiệu trưởng trước đây của trường phải xuống làm Hiệu phó nên họ chia bè phái và âm thầm đối phó chị. Chị kể: “Một hôm đang ngồi làm việc, tôi giật mình khi nhìn thấy cái bóng mờ mờ ảo ảo cứ đung đưa ở cửa sổ, từ đó vang lên giọng nói đều đều: “Khô máu quá, khô máu quá”. Tôi ra mở cửa và thấy 3 cô giáo, tôi hỏi: “Nếu có gì thì cứ vào phòng nói chuyện, sao lại đứng ở ngoài cửa vậy?”. Mấy cô ấy trả lời: “Đề nghị cô Hiệu trưởng phát lương cho chúng tôi”, dù rằng hôm đó chưa đến ngày phát lương…”.
“Lấy độc trị độc”, chị mời một giáo viên có nhiều thành kiến nhất với mình lên phòng và nói: “Chị thấy em có kinh nghiệm nên tin tưởng giao cho em làm khối trưởng. Có gì khó khăn thì chị và ban giám hiệu nhà trường sẽ giúp”. Không ngờ, chị đã thành công. Cô giáo này không chỉ làm tốt công việc được giao mà còn vận động những giáo viên khác bỏ thành kiến với chị. Sau gần một năm lộn xộn, Trường Mầm non 20-10 bắt đầu đi vào nề nếp…
Từ năm học 2001-2002 đến nay, chị làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Bé Ngoan. Mỗi ngày, dẫu bận rộn thế nào chị cũng xuống lớp chơi với học sinh. Mỗi khi thấy chị, học sinh đều gọi: “Bà ngoại”, những lúc như vậy bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến. Và chị thầm cám ơn người cha đã khuất vì hơn 30 năm trước, chính ông đã “đặt” cái nghiệp này lên vai chị…
Bài, ảnh: Kim Anh
“Rầm, rầm, rầm…”, nghe tiếng đập cửa, chị vội vã chạy ra và bắt gặp một người đàn ông mặt hầm hầm. Thấy chị, ông ta nói như quát: “Giáo viên của cô trông cháu thế nào mà để con tôi té vậy…”, để ông ta nói hết, chị từ tốn: “Ở nhà một mẹ, một con mà cháu còn té thì ở trường một cô, ba bốn chục cháu làm sao tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi vẫn thay mặt giáo viên xin lỗi anh”. Thế là ông phụ huynh dịu xuống… Hình ảnh này đã quá quen với chị kể từ khi lên làm cán bộ quản lý.

 

Bình luận (0)