Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Đường vào “ốc đảo” giữa dòng Lam giang

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm ở thượng nguồn sông Lam có một ngôi làng bơ vơ giữa dòng sông, rất ít người biết đến, đó là thôn Hồng Lam vốn tồn tại hàng trăm năm nay. 
Vì cuộc sống thiếu thốn, việc học hành, đi lại của con em càng trở nên khó khăn, nhiều người đã phải ngậm ngùi quay lưng bỏ quê hương của mình để ra đi.
Làng “ốc đảo”
Nằm giữa dòng sông Lam, thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh luôn lạc lõng giữa dòng nước cuộn xoáy, gầm gừ từ thượng nguồn đổ về. Người ta vốn gọi thôn này với cái tên làng “ốc đảo”.
Làng nằm giữa một bên bờ là tỉnh Nghệ An và bên bờ kia là đất Hà Tĩnh, cách trung tâm thị trấn Nghi Xuân, Hà Tĩnh không xa. Thế nhưng, để vào được thôn Hồng Lam, cách duy nhất là đi đò. Nhưng tìm được đò cũng không phải dễ vì chỉ có một con đò duy nhất. Đến được bến đò Xuân Giang, còn phải chờ mất cả tiếng đồng hồ mới có đò đưa chúng tôi qua sông.
 Lớp học có vỏn vẹn 3 học sinh
Anh Hồ Văn Tường, 44 tuổi, người lái đò có “nhiệm vụ” nối “ốc đảo” với đất liền cho biết, anh là người kế nghiệp anh trai Hồ Văn Dương, do anh Dương theo con vào miền Nam sinh sống. Làm cái nghề này thấy cũng thật phiêu lưu, nhất là những ngày mưa bão, không cẩn thận là dâng cơm cho hà bá, nhưng vì việc qua lại của bà con là cần thiết nên anh sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Ông Nguyễn Văn Lập, nguyên Chủ tịch xã, nguyên Bí thư Chi bộ xã Xuân Giang, giai đoạn 1988 – 2010 chia sẻ, vì nằm biệt lập với đất liền nên việc đi lại của bà con vô cùng khó khăn. Theo các vị cao niên trong làng kể lại, làng “ốc đảo” có cách đây khoảng 400 năm. Năm đó, có hai anh em họ Hồ, vì nhà nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, không có chỗ nương thân, đến bước đường cùng đã đưa nhau ra đó sinh sống và lập nghiệp. Thấy có người ở, cây cối, hoa màu quanh năm luôn tươi tốt nên nhiều người đã kéo nhau ra lập làng và làng bắt đầu sinh sôi nảy nở. Tuổi thơ của ông Lập lớn lên trên cái “ốc đảo” này nên ông hiểu khá rõ về “quê hương” của mình. Ông kể rằng, trước kia làng được chia làm hai vùng rõ rệt, một bên làm ngư nghiệp với tên gọi Yên Ngọc, một bên làm nông nghiệp với tên Phong Thái, đều thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 1954, thấy việc đi lại khó khăn, giao thương trong làng cách trở nên làng được cắt về xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với tên gọi Hồng Lam như bây giờ.
Theo ông Nguyễn Văn Phong – Trưởng thôn Hồng Lam cho biết, diện tích của “ốc đảo” này trước đây khá rộng. Nhưng sau những trận lũ gây sạt lở nghiêm trọng, làng bị hẹp dần. Diện tích hiện chỉ còn 4 km2. Cũng theo ông, trong vòng 3 năm nay, làng đã bị nước lấn vào hàng trăm mét. Người dân đi lại rất khó khăn, đặc biệt là việc phát triển sự nghiệp giáo dục tại thôn này.
Để vào “ốc đảo”, con đường duy nhất là đi đò 
 Ngôi trường có 31  học sinh
Thôn Hồng Lam có một ngôi trường duy nhất là Trường tiểu học Xuân Giang 2. Trước đây là ngôi trường tiểu học độc lập, nhưng học sinh ngày càng thưa dần nên đến tháng 11-2010 được nhập với trường tiểu học Xuân Giang, trở thành một phân hiệu. Trường vốn xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước, vốn chỉ là ngôi nhà tranh vách đất cấp 4 tạm bợ với 3 gian phòng. Năm 2002, Bộ Công an và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phát động quyên góp, xây dựng lại kiên cố thành 1 tòa nhà hai tầng với 8 phòng học khang trang. Hiện trường có 5 giáo viên nữ, với tổng số 31 học sinh, chia làm 5 khối học.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh, giáo viên chủ nhiệm khối 3, là người gắn bó với ngôi trường nhiều năm nhất – 29 năm, cho hay: “Để đến được thôn Hồng Lam gieo chữ, các giáo viên ở đây rất khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, chị em vẫn kiên quyết bám trường để cho các cháu được đi học. Mỗi ngày, tôi phải vượt sông 4 lần, tất cả đều phải đi đò. Dù học sinh ít ỏi, nhưng tình cảm giữa giáo viên và học sinh luôn gắn bó. Những hôm mưa bão chúng tôi cũng phải mang áo mưa qua đò đến trường để các cháu khỏi mong. Tuy nhiên, cũng có những hôm mưa to gió lớn, đò không đi được thì hôm đó các em coi như nghỉ học. Việc nghỉ học những ngày đó coi như bình thường với học sinh ở đây. Hôm sau, cô trò lại phải học bù. Giá như không yêu nghề, yêu trẻ chúng tôi đã bỏ nghề từ lâu”.
Vì sống khó khăn, nhiều người đã phải bỏ làng ra đi. Kéo theo đó là tình trạng học sinh ngày càng thưa dần. Theo một số giáo viên cho biết, cách đây khoảng chục năm về trước ngôi trường ở Hồng Lam này đào tạo 2 khối cấp 1 và cấp 2. Nhưng những năm gần đây, số lượng học sinh ở trường giảm xuống, khối cấp 2 được sát nhập với trường cấp 2 ở Xuân Giang 1 và mỗi lần đến trường học sinh phải lên đò qua sông. Hiện trường tiểu học Xuân Giang 2 ở Hồng Lam được chia làm 5 khối nhưng chỉ vỏn vẹn 31 học sinh theo học. Khối lớp học đông nhất được 8 em, khối lớp học ít nhất chỉ có 3 em.
Tất cả giáo viên đều ở “đất liền”, việc giáo dục càng trở nên khó khăn. Đã hàng chục năm nay, ngày nắng hay mưa, họ đều phải lênh đênh trên 4 chuyến đò, để có thể mang chữ đến cho các em ở thôn “ốc đảo” này. “Vất vả, hiểm nguy chúng tôi không sợ, nhưng lớp học cứ vắng dần, và có nguy cơ nhà trường phải đóng cửa, chúng tôi cũng xót xa lắm”, cô Minh cho hay.
Anh Tường, người thường xuyên lái đò cho hay, những học sinh cấp 1 thì đi lại còn đỡ vì trường ngay sẵn trong làng. Nhưng đối với học sinh cấp 2, 3 muốn được tiếp tục đi học mỗi ngày ít nhất cũng phải hai lần qua đò. Không tính những người dân và khách qua lại, mỗi ngày anh có nhiệm vụ chở 8 chuyến học sinh cấp 2, 3 vào đất liền. Mỗi chuyến như thế khoảng 40 em. “Biết là phương tiện không cho phép chở quá tải nhưng làm sao được. Vì nếu cứ đằng thẳng như thế chắc các em sẽ chậm giờ học hoặc là phải nghỉ học”, anh Tường cho hay.
Anh Hồ Văn Tường, người đưa đò qua sông nhiều năm nay. 
Rời làng
Theo ông Phong thôn trưởng, đầu những năm 80, dân số trong làng còn đông đúc. Việc sống bằng nghề sông nước với nghề chài lưới còn mang lại hiệu quả kinh tế. Nhưng bây giờ nhiều thanh niên trai tráng không con tha thiết với “quê hương” của mình nữa. Họ bắt đầu lấy vợ, theo chồng ở những nơi xa xứ để không còn phải quay về cái “ốc đảo” của mình. Ông Phong nhớ lại, hồi ấy chỉ là một thôn, nhưng người ta gọi là Xuân Giang II, như một nửa của xã Xuân Giang với khoảng hơn 2000 người. Với diện tích hiện nay (4 km2), dân số chỉ có 224 hộ với 667 nhân khẩu. Trong vòng những năm, từ 1988 đến 1991-1992, dân số thôn Hồng Lam giảm nhanh một cách kỷ lục.
Sau cơn lũ lịch sử xảy ra vào năm 1988, và đặc biệt là thời điểm cầu Bến Thủy được hoàn thành và đưa vào hoạt động, việc đi lại bằng tàu thuyền không còn được sôi động như xưa, dân bắt đầu ồ ạt kéo nhau di cư lên bờ, chủ yếu vào các tỉnh phía Nam làm ăn. Người thôn Hồng Lam cứ lần lượt ra đi. Ông Phong cũng cho biết, con số trên là theo đăng ký hộ khẩu, còn con số thực sự cư trú trên “ốc đảo” này thì ít hơn nhiều, bởi nhiều người đang có hộ khẩu ở đây, nhưng quanh năm đi làm ăn xa. Những người ở lại gắn bó với làng chủ yếu là người già, trung niên đang còn sâu nặng với làng vì mồ mả của tổ tiên. Công việc chính của họ hiện là trồng đay cói, lạc vừng và chài lưới.
Đã nhiều năm nay, ngôi làng không có nổi một đám cưới. Chị Nguyễn Thị Huế, có tổ tiên nhiều đời ở làng này cho biết: “Tính ra đã hơn chục năm nay chưa có đám cưới nào. Lần đám cưới trước, khoảng năm 2000, là đám cưới cháu Tư con của bà Nguyệt, đến nay không thấy thêm đám cưới nào nữa”. Theo lý giải của những người dân ở đây, việc người dân kéo nhau bỏ làng vào Nam lập nghiệp vẫn là do điều kiện giao thông cách trở, đi lại khó khăn. Đó là chưa nói đến những năm lũ tràn về, cả “ốc đảo” ngập chìm trong biển nước. Muốn thoát lũ phải vượt sông, nhưng lũ về nước lớn, đò nhỏ không thể qua sông tránh “nạn” được, dân lại phải sống chung với những cơn lũ lớn, nên ai cũng sợ.
“Trước kia làng nhộn nhip, đông vui lắm. Bây giờ cả những người già cũng theo con cái, bỏ làng đi. Trong làng đã có khoảng hơn 30 nóc nhà bị bỏ hoang không người trông coi. Tệ hơn, làng có trạm Y tế, nhưng không có y bác sỹ. Chỉ có một người duy nhất là hộ sinh chăm lo sức khỏe cho người dân, nhưng nhiều năm nay chị đang rơi vào cảnh “thất nghiệp” do chẳng có ai chịu sinh đẻ. Nếu có ốm đau giữa đêm thì cố mà chịu cho đến sáng mai mới có đò. Mà nếu có lên đến bệnh viện thành phố, có khi người bệnh đã gặp chuyện chẳng lành rồi”, ông Phong buồn bã nói.
Theo Anh Quân
(PL&XH)

Bình luận (0)