Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành (1961 – 2011), Trường Đại học Lao động – Xã hội đã lập được nhiều thành tích quan trọng trong sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ lao động – xã hội cho ngành và đất nước, được bộ chủ quản và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Tiệp, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết về lịch sử thành lập của nhà trường: Tháng 8-1951, tại chiến khu Việt Bắc, Lớp Kiểm soát viên lao động được tổ chức, đây được coi là lớp đào tạo đầu tiên tại Việt Nam về lĩnh vực lao động. Tiếp đó, ngày 30/5/1961, Bộ trưởng Bộ lao động Nguyễn Văn Tạo ký Quyết định thành lập Trường Lao động tiền lương, sau đó mang tên là Trường Trung học Lao động tiền lương, đóng tại Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. Ngày 27/2/1988, với việc được giao thêm đào tạo ngành bảo trợ xã hội, trường được đổi tên là Trường Trung học Lao động tiền lương và Bảo trợ xã hội.
|
Được sự ủy quyền của Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn thị Doan
trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Ban Giám hiệu nhà trường |
Trường Cán bộ quản lý Lao động – Thương binh và Xã hội tách ra từ Trường Hành chính Trung ương năm 1975, nhằm đào tạo cán bộ thương binh xã hội đáp ứng tình hình mới của đất nước sau chiến tranh. Sau nhiều lần chuyển địa điểm, ngày 27/5/1991, trường chuyển về Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, sau đó hợp nhất với Trường Trung học Lao động tiền lương và Bảo trợ xã hội để trở thành Trường Cán bộ Lao động – xã hội. Tháng 1/1997, được Nhà nước cho phép nâng cấp thành Trường Cao đẳng Lao động – xã hội và tháng 1/2005, tiếp tục được nâng cấp, trở thành Trường Đại học Lao động – Xã hội.
Tiếp đó, tháng 12/2006, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định sáp nhập Trường Trung học Lao động – Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh và Cơ sở lao động – xã hội tại Sơn Tây thành các đơn vị trực thuộc của Trường Đại học Lao động – Xã hội. Theo đó, quy mô hoạt động của trường ngày càng mở rộng và Trường Đại học Lao động – Xã hội đã trở thành một trường đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực, với số lượng học sinh, sinh viên lên đến trên 1800 người.
Được hình thành, xây dựng và phát triển trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc qua các thời kỳ, đặc biệt là bước vào công cuộc đổi mới hiện nay, ở giai đoạn lịch sử nào, các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên của trường cũng đem hết trình độ và khả năng của mình, đóng góp vào sự nghiệp đào tạo của nhà trường, phục vụ và đáp ứng kịp thời yêu cầu của ngành và của đất nước.
Trong 50 năm qua, nhà trường đã đào tạo được gần 600.000 cán bộ lao động – xã hội. Từ chỗ chỉ đào tạo, cấp bằng trung cấp, đến nay trường đã đào tạo, cấp bằng thạc sỹ và đang tiến tới đào tạo, cấp bằng tiến sỹ trong năm 2015.
Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện học sinh, sinh viên một cách toàn diện; chú trọng trang bị kiến thức và kỹ năng, để học sinh, sinh viên vừa có hiểu biết lý luận về lao động – xã hội, vừa có khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả học tập và lao động của mình. Bên cạnh đó, nhà trường cũng làm tốt công tác bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ ,công chức trong ngành; hàng năm tiếp nhận trên 3000 lượt cán bộ, công chức về học tập tại trường, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành.
Để đáp ứng sự nghiệp đào tạo trong trong thời kỳ mới, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm chỉ đạo công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên; bố trí, sắp xếp cán bộ; kết hợp hài hòa giữa giảng dạy, công tác và học tập. Qua đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường ngày càng trưởng thành nhanh về số lượng và chất lượng. Hiện tại, trường có gần 800 cán bộ, công nhân viên, trong đó giảng viên chiếm 72%; số có học vị thạc sỹ, tiến sỹ, học hàm phó giáo sư là 480 người; chiếm 60%; 120 người đang theo học cao học và nghiên cứu sinh trong và ngoài nước…
Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, Nhà trường đang ngày càng mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học trên thế giới; tham gia nhiều hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế, nâng cao uy tín của nhà trường đối với bạn bè trong nước và quốc tế.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ, chức năng được giao, nhà trường luôn chăm lo xây dựng cơ sở vật chất và trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại. Được sự quan tâm của ngành, nhà trường đã khẩn trương triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng trường. Thời gian qua. nhà trường đã xây dựng ký túc xá, nhà hiệu bộ, giảng đường hiện đại và đầy đủ các trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong công tác giảng dạy, học tập và sinh hoạt. Trường đang tiếp tục xây dựng nhà học đa năng 17 tầng, dự kiến cuối năm 2011 sẽ đưa vào hoạt động. Nhà trường luôn chú trọng quan tâm chăm lo đến đời sống của cán bộ, giảng viên, nhân viên và học sinh, sinh viên, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách và quy chế dân chủ trong trường học; tạo không khí phấn khởi, tin tưởng và đoàn kết phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị.
Trường Đại học Lao động – Xã hội đang được mở rộng |
Trong lĩnh vực công tác xã hội, nhà trường luôn bám sát nhiệm vụ của ngành, phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan, làm tốt các phong trào chính trị – xã hội, nhân văn, nhân đạo, các hoạt động văn hóa – thể thao, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này.
Ghi nhận những đóng góp và thành tích chung của thầy trò, cán bộ, giảng viên, công nhân viên của Trường Đại học Lao động – Xã hội qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng ba (1981), Huân chương Lao động hạng Nhì (1991), Huân chương Độc lập hàng Nhì (2006) và Huân chương Độc lập hạng Nhất (2011) cùng nhiều phần thưởng khác…
Thời gian tới, trước bối cảnh hội nhập quốc tế và yêu cầu đổi mới nền giáo dục đại học Việt Nam, Ban Giám hiệu Nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí, tập trung trí tuệ của toàn trường nhằm nâng cao chất lượng dạy và học; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của của cá nhân, đơn vị; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và hoạt động khoa học; bổ nhiệm, đề bạt kịp thời để phát huy năng lực, sở trường của cán bộ, giảng viên; phấn đấu đến năm 2015, 25% giảng viên cơ hữu của trường có học vị tiến sỹ, qua đó, ngày càng nâng cao công tác đào tạo của trường, góp phần đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ cho ngành và cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.
Theo Đào Nguyên Lan
(ĐCSVN)
Bình luận (0)