Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Kinh nghiệm “trị” học sinh chưa ngoan

Tạp Chí Giáo Dục

Trong số những học trò làm sao đỏ này, có một số em là HS chưa ngoan nhưng vẫn được thầy Nguyễn Ngọc Phú tin tưởng giao nhiệm vụ

Làm giám thị tại Trường THCS Lê Lợi, quận 3 hơn 20 năm nay, thầy Nguyễn Ngọc Phú đã trải qua nhiều đắng cay khi tiếp xúc với những học trò được coi là… quậy. Theo thầy Phú, để cảm hóa các thành phần “cá biệt” trở thành con ngoan, trò giỏi là điều không dễ. Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với thầy về những kinh nghiệm “trị” thành phần học sinh này.
PV: Qua 21 năm làm giám thị, gắn bó với nhiều lớp học trò, thầy có thể chia sẻ gì về cách quản lý, giáo dục học sinh (HS) chưa ngoan?
Thầy Nguyễn Ngọc Phú: Tôi cho rằng, muốn giáo dục một HS chưa ngoan thì phải biết hoàn cảnh sống của em đó như thế nào mới có sự thông cảm, chia sẻ giữa thầy và trò để đưa ra các phương pháp giáo dục thích hợp. Nếu giám thị không hiểu tâm lý, hoàn cảnh của HS mà cứ căn cứ theo các quy định để xử lý thì sẽ không giúp HS sửa đổi hoàn toàn. Bị kỷ luật lần này thì cũng có thể tiếp tục sai phạm bởi các em chịu xử phạt nhưng không có sự cảm động, day dứt trước các hành vi của mình.
Một vấn đề mà giám thị cần quan tâm nữa là tính cách của từng HS, không bao giờ áp dụng cách giáo dục của HS này với tất cả HS khác. Có em vì thiếu sự quan tâm của bố mẹ nên lên trường muốn mọi người phải nhìn mình, công nhận mình nên phản ứng hơi thái quá là quậy phá nhưng bản chất của em lại sống nội tâm…
Một trường học có trên một ngàn HS nhưng chỉ có một giám thị thì sao quản lý hết? Thầy quản lý bằng phương pháp nào?
– Quả thật, quản lý trên một ngàn HS không phải là chuyện dễ nhưng không phải trường học nào cũng chỉ có HS chưa ngoan mà còn rất nhiều đối tượng khác. Tôi chia HS ra thành ba trường hợp: trường hợp thứ nhất là HS ngoan, chấp hành tốt mọi nội quy của nhà trường; trường hợp thứ hai là HS bình thường, có lúc nghiêm chỉnh chấp hành mọi nội quy nhưng cũng có lúc tùy hứng vi phạm; trường hợp còn lại là HS chưa ngoan, không lo học mà chỉ thích quậy phá, trêu chọc bạn bè, liên tục vi phạm nội quy nhà trường và là “thủ lĩnh” các trò quậy phá của HS. Đối tượng này không nhiều nhưng giám thị cần đặc biệt quan tâm. Nếu giám thị gần gũi, chia sẻ và giao nhiệm vụ cho những HS “cá biệt” này thì những vi phạm của nhóm 2 sẽ giảm đáng kể vì nhóm 2 thường chịu sự chi phối, lôi kéo của nhóm 3.
Tôi thường cho HS nhóm 3 làm nhiệm vụ sao đỏ, hỗ trợ lớp phó kỷ luật làm nhiệm vụ nhắc nhở và ghi lỗi các HS vi phạm nội quy của nhà trường về trang phục, tác phong, ngôn phong… Khi được giao nhiệm vụ, các em sẽ thấy vui vì mình được tín nhiệm, vì thế sẽ cố gắng phấn đấu để làm gương cho các bạn khác. Tuy nhiên, tôi cần biết chấp nhận mức độ tái phạm của học trò “cá biệt” bởi không thể một sớm một chiều thay đổi tính cách của một con người mà phải từ từ theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Khi chấp nhận điều này, giám thị cần chú ý so sánh mức độ vi phạm lần trước với lần sau để xem có sự thay đổi ở học trò hay không, từ đó có thêm những biện pháp mới để thay đổi tình hình.
Vấn đề nào gây cho thầy khó khăn nhất? Thầy có thể chia sẻ kỷ niệm nào sâu sắc khi giáo dục học trò chưa ngoan?
– Vấn đề khó khăn nhất vẫn là nắm bắt tình hình và tìm cách giải quyết những trường hợp quá “cá biệt”. Với những trường hợp này, biện pháp chính của tôi vẫn là nắm bắt tính cách, tâm lý của các em để đưa ra những hình thức giáo dục thích hợp nhưng phải mất nhiều thời gian tìm hiểu từ gia đình, bạn bè… tôi mới nắm bắt được bởi những em quá ngang ngược thường ít thể hiện tình cảm của mình cho người khác biết. Hiểu được tính cách xong thì cảm hóa để chúng trở thành những học trò ngoan cũng là chuyện không dễ.
Tiếp xúc với những trường hợp này đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Và có lẽ, kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là về một học trò mới vào lớp 6 nhưng đã đánh HS lớp 8. Em vi phạm nội quy liên tục nhưng nhà trường vẫn chưa có biện pháp nào ngăn chặn được. Qua một thời gian tìm cách tiếp cận, chia sẻ với em, tôi mới biết hành vi bạo lực của em bị lây nhiễm khi sống trong gia đình có bố là dân giang hồ, thường xuyên đánh đập mẹ… Chính vì thế, dù nhà trường có đưa ra hình thức kỷ luật này hay kỷ luật nọ cũng vô tác dụng đối với em. Hiểu được điều này, tôi không xử phạt em mà thay vào đó là động viên tinh thần để em cố gắng, dần dần em cũng hiểu và tôn trọng giám thị hơn. Rồi cuối cùng, em coi phòng giám thị như là một phòng tư vấn tâm lý để khi có bất kỳ thắc mắc hay khó khăn nào em đều xuống gặp thầy giám thị. Em còn kéo theo những bạn khác đến để sẻ chia những câu chuyện của mình. Từ đó trở đi, phòng giám thị cũng là phòng tư vấn tâm lý của học trò Trường THCS Lê Lợi.
Bài, ảnh: Dương Bình
Với những đóng góp cho ngành GD-ĐT, vừa qua thầy Nguyễn Ngọc Phú đã được Bộ GD-ĐT trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)