“Thi đua là yêu nước, yêu nước là thi đua” đã trở thành một khẩu hiệu chung. Ngành GD-ĐT cũng phải thực hiện thi đua nhưng thi đua của các nhà giáo có nhiều điểm đặc thù. Những con số như tỷ lệ xếp loại học sinh (HS), tỷ lệ tốt nghiệp… là cần thiết nhưng chưa đủ nói lên tất cả sự cống hiến của nhà giáo. Sự cống hiến của các thầy cô giáo còn biểu hiện ở những giá trị tinh thần và văn hóa lớn hơn nhiều. Đó là sự tận tụy vì HS, sự quan tâm chăm sóc, tình thương vô bờ bến đến mức sẵn sàng hy sinh tất cả cho các em. Đó còn là sự kính trọng, biết ơn, cảm phục và quý mến của phụ huynh, của HS. Ngoài việc lên lớp, đóng góp của các nhà giáo còn phải kể đến những hoạt động vì lợi ích chung của tập thể, sự gần gũi yêu thương giúp đỡ đồng nghiệp. Nêu gương sáng bằng chính tư cách của bản thân và những sáng kiến kinh nghiệm tích lũy được. Hơn thế nữa, giá trị không thể lượng hóa được của các nhà giáo chính là nhìn vào những “sản phẩm” của họ được tung vào cuộc sống. Đó là những lứa HS ra đời lập thân lập nghiệp, thành danh thành tài, hữu ích cho xã hội và đất nước. Những giá trị đó không tính được bằng cách cân đong đo đếm nhưng các cấp lãnh đạo và mọi người đều dễ nhận ra.
Từ thực tế của một đơn vị cơ sở bồi dưỡng văn hóa đang góp phần vào việc đào tạo nhân lực nhân tài cho thành phố, chúng tôi có một số suy nghĩ về việc phân chia cấp học cho HS phổ thông hiện nay. Theo đó, cấp học phổ thông chỉ cần đến hết lớp 9 (cấp THCS) bởi vì những kiến thức các em tiếp thu đến lớp 9 là đủ để làm cơ sở tối thiểu cho các em bước vào cuộc sống (theo nghĩa học lên cao hoặc học nghề). Cấp THPT không nên coi là phổ thông nữa mà gọi là trung học chuyên khoa (hoặc trung học chuyên ban) để có sự phân ban triệt để bắt buộc học từ 2-3 môn và một ngoại ngữ, còn các môn khác thì tự nguyện.
Kỳ thi hết lớp 9 và thi hết trung học chuyên khoa không có ý nghĩa như một cái đập chắn nước, để cho một phần nước chảy qua một phần bị chặn lại; cũng không chỉ có ý nghĩa như hiện nay là một tấm bằng được cấp cho gần như toàn bộ người thi (vì tỷ lệ tốt nghiệp rất cao) mà là một chỗ bẻ ghi của đường tàu, làm căn cứ cho các em đi đúng hướng theo khả năng sở trường của mình. Thí dụ, khi hết phổ thông nếu đạt mức khá giỏi các em học lên trung học chuyên khoa, có em học nghề theo sở trường… Khi hết chuyên khoa các em thi tú tài theo khoa (hoặc ban) của mình và được cấp bằng theo các môn ban đó làm cơ sở cho các em học lên ĐH, CĐ theo đúng khoa (hoặc ban) mình đã chọn.
Theo tôi, chúng ta có thể bãi bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ (trừ các trường đòi hỏi chất lượng cao). Tôi tán thành với ý kiến của GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn là các trường ĐH, CĐ tổ chức cho học thử sau một năm mới nhận chính thức, siết chặt chất lượng thi theo tín chỉ để dần theo tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy, những người không có khả năng sẽ tự thôi học hoặc phải kéo dài rất lâu thời gian để hoàn thành chương trình ĐH, CĐ. Nếu Nhà nước quan tâm ưu tiên cho việc học nghề thì phải có chế độ đãi ngộ tốt đối với người học nghề; đồng thời chuẩn hóa đầu ra của ĐH, CĐ thì vấn nạn về thi ĐH hiện nay có thể sẽ được dần dần khắc phục.
Nhà giáo Đàm Lê Đức
(Cơ sở bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng, TP.HCM)
Bình luận (0)