Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phân tích thơ, có khó?

Tạp Chí Giáo Dục

Từ thời nhà Đường – Trung Quốc, nghĩ về thơ, Bạch Cư Dị đã cho rằng: “Gốc là ở tình cảm, mầm lá là ở ngôn ngữ, hoa là ở âm thanh và quả là ở ý nghĩa”.

Một tiết học môn văn của học sinh Trường THPT Tây Thạnh. Ảnh: N.T

Trong chương trình THCS và THPT, các tác phẩm thơ ca chiếm một phần quan trọng. Theo đó, các bài kiểm tra tại lớp, thi tuyển sinh lớp 10, thi THPT quốc gia… cũng thường có đề yêu cầu phân tích thơ. Chỉ riêng kỳ thi THPT quốc gia, theo khảo sát của chúng tôi, số lần đề thi về thơ chiếm gần một nửa các kỳ thi. Tuy phổ biến như thế, và đã làm bài nhiều, nhưng hầu hết học sinh đều lúng túng trong việc phải có những kỹ năng phân tích thơ cụ thể như thế nào?

Thơ là gì?

Muốn có bài phân tích thơ hiệu quả, trước hết cần phải nắm được đặc trưng của thơ là gì. Có rất nhiều cách định nghĩa về thơ xung quanh thể loại văn bản đặc biệt này. Theo lý luận văn học, thơ (trữ tình) là dạng văn bản tái hiện thế giới cuộc sống khách quan bên ngoài bằng sự rung động, bằng cảm xúc của tác giả, thông qua một dạng ngôn ngữ có tính hình tượng, gợi cảm và có sự chọn lọc cao… trong một kiểu cấu tạo văn bản hết sức đặc biệt. Cách hiểu này nhằm so sánh với các dạng văn bản khác là truyện (tự sự), văn bản kịch và nghị luận. Từ thời nhà Đường – Trung Quốc, nghĩ về thơ, Bạch Cư Dị đã cho rằng: “Gốc là ở tình cảm, mầm lá là ở ngôn ngữ, hoa là ở âm thanh và quả là ở ý nghĩa”. Như vậy, các trọng tâm của phân tích thơ là: từ ngôn ngữ, hình ảnh, nhạc điệu của bài thơ; thông qua tình cảm của tác giả mà làm nổi bật được ý nghĩa thế sự, xã hội, nhân bản…

Xác định các yêu cầu của đề bài

Có nhiều yêu cầu phân tích/cảm nhận về thơ, như phân tích đoạn thơ (thường là trong bài thơ dài), phân tích bài thơ (đối với bài thơ ngắn), phân tích một khía cạnh bao trùm bài thơ, hoặc phân tích để làm rõ một nhận xét nào đó về bài thơ… Chẳng hạn, ở chương trình lớp 12 có 5 bài thơ được học chính thức (gồm Tây Tiến – Quang Dũng, Việt Bắc – Tố Hữu, Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm, Sóng – Xuân Quỳnh và Đàn ghi ta của Lor-ca – Thanh Thảo). Các văn bản này đều dài, vì thế tình hình ra đề cũng khá đa dạng. Có các yêu cầu thường gặp sau đây: phân tích/cảm nhận về đoạn thơ (ví dụ một đoạn thơ trong bài Việt Bắc); phân tích một khía cạnh về nội dung hoặc nghệ thuật bao trùm toàn bộ bài thơ (ví dụ hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến, như đề minh họa của Bộ GD-ĐT trước đây); phân tích kết hợp bàn luận về một ý kiến nhận định về bài thơ (ví dụ phân tích hình tượng “sóng” trong bài thơ Sóng để làm rõ một nhận định nào đó)…

Do giới hạn về nội dung của kỳ thi THPT quốc gia năm nay có thêm chương trình lớp 11, nên khả năng đề yêu cầu phân tích kết hợp với so sánh, đối chiếu hai đoạn thơ của hai bài thơ khác nhau gồm chương trình lớp 11 và lớp 12 là rất dễ gặp.

Cần chú ý là với thang điểm 5, lại gánh vác nhiều nhất hai nhiệm vụ của đề thi, nên đề thường có xu hướng phân thành nhiều mức yêu cầu, có sự tích hợp trong câu hỏi. Nếu đề yêu cầu phân tích đoạn, hoặc so sánh hai đoạn thơ thì có trích văn bản ra trên đề. Trong các dạng khác, thí sinh phải nhớ văn bản, nếu không sẽ không có ngữ liệu để làm bài.

Vận dụng các bước

Với đề bài có nhiều mức yêu cầu, có sự tích hợp hai đoạn thơ, thì lần lượt giải quyết từng yêu cầu ấy, sau đó nhận xét đánh giá chung. Ví dụ phân tích thơ trước rồi bàn luận về nhận định sau, hay phân tích lần lựơt hai đoạn thơ rồi nhận xét sự giống, khác nhau giữa chúng và đánh giá.

Quy trình phân tích thơ (bài thơ, đoạn thơ, nói chung), gồm: ở phần mở bài cần giới thiệu những kiến thức chung, cơ bản, cần thiết liên quan đến tác giả, tác phẩm…; phần kết bài cần đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật và khẳng định sức sống, sự bất tử của tác phẩm, tác giả…; riêng phần triển khai, thân bài nên vận dụng các bước sau đây: Bước 1, nhận xét khái quát bài thơ/đoạn thơ. Gồm các mặt như thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu (nói chung). Đặc biệt là bố cục gồm bao nhiêu ý chính và định hướng cách phân tích theo bố cục như thế nào (cắt ngang, bổ dọc, hay kết hợp cả hai?). Bước 2, lần lượt phân tích theo định hướng bố cục nêu trên. Thao tác này gồm các bước: lời dẫn/hay chuyển ý, trích ngữ liệu thơ. Phải trích dẫn đầy đủ, chính xác văn bản đến từng dấu câu. Bước 3, tái hiện lại toàn bộ phần trích dẫn thơ ra văn xuôi của mình. Phải tái diễn thật trôi chảy, đúng ý nghĩa. Dùng từ, đặt câu, viết đoạn phải hay. Hầu hết bài làm của học sinh đều có thao tác này. Đáng nói là nhiều bài làm của thí sinh chỉ dừng lại ở đây nên bài làm chưa có chiều sâu và thường bị giám khảo nhận xét là “chỉ mới diễn xuôi”. Bước này quyết định chính đến độ dài của bài làm văn, nên cần tái hiện cho thật kỹ. Bước 4, bám vào những từ ngữ, chi tiết, các hình ảnh trọng tâm, các biện pháp nghệ thuật… để phân tích sâu, phân tích kỹ. Đây là bước cơ bản nhất, nó thể hiện khả năng cảm thụ về thơ ca của người viết. Muốn bài làm có chiều sâu phải phát huy hiệu quả bước này. Bước 5 là so sánh, đối chiếu để làm nổi bật đoạn thơ. Có nhiều cách liên hệ, so sánh, như về các hình ảnh, chi tiết, nghệ thuật trong bài thơ, ngoài bài thơ; so sánh với cùng một tác giả, khác tác giả; hoặc những tác phẩm cùng viết về đề tài… Sau khi vận dụng xong các bước trên cũng nên có tiểu kết ngắn gọn các ý đã phân tích để đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật. Và cứ như thế, tiếp tục áp dụng các bước này cho các phần thơ tiếp theo.

Các em học sinh hãy thử áp dụng để phân tích đoạn thơ sau đây để thấy hiệu quả như thế nào: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm/Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm/Rải rác biên cương mồ viễn xứ/Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/Áo bào thay chiếu, anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành” (Tây Tiến – Quang Dũng).

Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)