Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

ĐH không phải học đại

Tạp Chí Giáo Dục

Thông tin hàng trăm sinh viên của các trường ĐH bị đuổi học là nỗi xót xa cho các bậc phụ huynh và cả những thầy cô giáo dạy phổ thông. Vì đâu nên nỗi? Tôi biết 3 trường hợp đã không hoàn thành chương trình ĐH với nguyên nhân khác nhau.

Trường hợp 1: Đứa cháu họ của tôi học không giỏi lắm, gia đình ở quê thuộc loại khá giả nên khi cháu đủ điểm vào một trường ĐH tư thục của thành phố, cả gia đình đều mừng rỡ. Vậy là cháu lên thành phố thuê nhà trọ ở và ba mẹ ở quê sẵn sàng chu cấp mọi thứ mà cháu yêu cầu. Hai năm học trôi qua, tình cờ ba cháu gặp một người bạn cùng học ĐH với cháu mới biết con mình đã nghỉ học hơn nửa năm qua vì không học nỗi chương trình ĐH. Ngay học kỳ đầu tiên, thi 5 học phần thì cháu đã rớt hết 4, sau đó là nợ môn triền miên. Ba mẹ cháu đành “muối mặt” với mọi người đón con về quê tiếp tục làm vườn.

Trường hợp 2: H. – một học sinh cũ của tôi, học rất khá, em đậu vào ngành CNTT của một trường ĐH đúng như mong muốn của em. Vừa qua gặp tôi, em cho biết đã nghỉ học ở trường ĐH và đang học nghề điện lạnh tại một trường TC nghề. H. cho biết vì mê chơi game, thích lên mạng xã hội nên em nghĩ đơn giản là học CNTT để được tiếp cận, sáng tạo những trò chơi trên máy tính như sở thích của mình, nhưng em đã nhầm. Chương trình học CNTT không hề dễ, nó quá khó đối với em. Em đã chọn sai ngành để rồi đành dở dang ĐH.

Trường hợp 3: Con trai bạn tôi học rất giỏi, là học sinh một trường chuyên nên đậu vào trường ĐH cháu mong muốn là điều hết sức dễ dàng. Thế nhưng, cháu cũng không tốt nghiệp ĐH được vì nợ môn. Bạn tôi cho biết, những năm học phổ thông cháu học giỏi vì sự kiểm tra gắt gao của vợ chồng bạn; hàng ngày, các thầy cô giáo phổ thông cũng kèm sát ở trường, ở lớp học thêm. Cháu đã quen học với sự kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên. Vào ĐH, hoàn toàn tự do học tập, cháu đã không có ý thức tự học. Thầy cô nào dạy hay thì cháu đi học đầy đủ, thầy cô nào dạy không thu hút thì cháu sẵn sàng nghỉ học, cúp tiết. Mỗi môn học được nghỉ 20% số tiết, vậy là cháu cứ canh thế nghỉ để đừng bị cấm thi mà thôi. Thế nhưng, có những môn học chỉ cần nghỉ một buổi thì những buổi sau học sẽ không hiểu gì hết. Cháu học kém dần và rồi đã thú thật với ba mẹ vì sao đã học 5 năm rồi mà chưa tốt nghiệp ĐH được.

18 tuổi, vào ĐH, ba mẹ và thầy cô cứ ngỡ các cháu đã trưởng thành. Thế nhưng ở Việt Nam, các cháu vẫn còn đang tập tễnh bước vào cuộc sống mới. Phụ huynh vẫn phải lo cho con cơm ăn, áo mặc, học phí học tập. Các cháu chưa có ý thức tự lập, tự học. Chính vì lẽ đó, tôi nghĩ các bậc phụ huynh khoan vội buông tay con ở năm học đầu tiên của ĐH. Các trường ĐH cũng cần báo điểm số các môn thi ở năm đầu tiên về cho phụ huynh để phụ huynh kịp thời nhắc nhở con học hành hoặc kịp thời chuyển hướng cho con qua ngành nghề phù hợp. Có như thế, các cháu không phải mất thời gian, công sức và các bậc phụ huynh không phải tốn biết bao tiền của mà con  chỉ học đại ở ĐH thì thật là đáng tiếc.

Lê Phương Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)