Sự kiện giáo dụcTin tức

Chương trình tiếng Anh thí điểm cho bậc học THPT: “Đào” đâu ra giáo viên?

Tạp Chí Giáo Dục

Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (KHGDVN) đã xây dựng Dự thảo chương trình tiếng Anh cho bậc học THPT tiếp nối chương trình tiếng Anh cho tiểu học và THCS đang được thực hiện. Dự kiến, sau khi được Hội đồng thẩm định của Bộ GD-ĐT phê duyệt, chương trình thí điểm tiếng Anh cho bậc THPT sẽ được triển khai sớm nhất vào năm học 2013-2014.
Đổi mới toàn diện cách dạy và học tiếng Anh THPT
Theo đề án này, chương trình  tiếng Anh cho bậc học THPT sẽ được xây dựng nối tiếp từ chương trình tiếng Anh THCS hiện hành. Căn cứ trên nhu cầu đòi hỏi của xu thế hội nhập quốc tế, Ban soạn thảo chương trình tiếng Anh thí điểm THPT cho biết, việc phát triển năng lực giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ tiếng Anh bậc THPT sẽ được dựa trên nền tảng chương trình tiếng Anh bậc tiểu học, THCS nhằm trang bị cho học sinh kỹ năng học tập suốt đời để tham gia giáo dục, việc làm, giao tiếp. Chương trình được xây dựng theo mô hình mới, dựa trên khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ (CEFR) với 315 tiết cho toàn bộ bậc THPT. Học sinh sẽ được trang bị kỹ năng thể hiện ý tưởng cá nhân một cách độc lập, tự tin, sáng tạo. Ngoài ra còn nâng cao kỹ năng toàn cầu hóa về Anh ngữ, kỹ năng giao tiếp, văn hóa vùng miền. Hết lớp 12, học sinh sẽ đạt trình độ A2 (đạt yêu cầu CEFR), mục đích sẽ làm nền tảng để học sinh tiến tới trình độ C1 hoặc cao hơn khi tốt nghiệp ĐH, đạt kỹ năng giao tiếp chuẩn khung tham chiếu châu Âu.
Theo GS. Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện KHGDVN, quá trình xây dựng chương trình theo một lộ trình mang tính hệ thống. Ban soạn thảo đề án đã lấy ý kiến đóng góp từ nhiều tổ chức nghiên cứu lĩnh vực giáo dục, lãnh đạo các trường ĐH chuyên ngành về ngoại ngữ, Bộ GD-ĐT phục vụ dự thảo thí điểm chương trình tiếng Anh bậc THPT.
Đặc biệt, chương trình sẽ chú trọng đến tính tương tác giữa giáo viên và học sinh. GS. Lộc khẳng định, khảo sát trên thực tế hiện nay, giáo viên đôi khi dạy chỉ hỏi như truy vấn, học sinh trả lời luôn trong tâm thế bị động. Học ngoại ngữ là phải có tính tương tác mới đạt hiệu quả. Cách dạy hiện nay chỉ là ghi nhớ, chưa phát huy sáng tạo và khích lệ sự tự tin. Đánh giá về nội dung dự thảo chương trình, ThS. Lê Kim Dung, Phó trưởng khoa Tiếng Anh ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích, điều thiếu nhất hiện nay trong cách dạy là không có sự tương tác qua lại giữa thầy và trò. Người thầy dường như làm chủ quá trình dạy học, học sinh chỉ thụ động ghi nhớ. Theo bà Dung, lộ trình đề án nếu phát triển tốt sẽ là nền tảng cung cấp đầu vào chuyên ngành tiếng Anh các trường ĐH những sản phẩm tối ưu. Nhu cầu hội nhập sẽ rất cần những kỹ năng ngoại ngữ chuẩn cho giới trẻ, mà đặc biệt là đạt trình độ C1 hoặc C2 theo khung tham chiếu chung châu Âu đối với những cử nhân ngoại ngữ khi ra trường. Phương pháp dạy phải “lấy việc học làm trọng tâm, trong đó học sinh là chủ thể tích cực”.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục phổ thông nhận định, trong 9 điểm mới mà chương trình đã đưa ra, điều đáng lưu tâm là chương trình đạt được xây dựng cách dạy, truyền tải kiến thức dựa trên ngân hàng ngôn ngữ. Qua đó, vai trò người học, người dạy cũng được đề cao, định hướng truyền tải mang tính tương tác cũng rõ ràng hơn.
“Đào” đâu ra giáo viên
Khi triển khai Đề án phổ cập tiếng Anh lớp 3 tiểu học, Bộ GD-ĐT đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng đội ngũ giáo viên. Một thực tế chứng minh do thiếu giáo viên chuẩn ngoại ngữ, từ năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT quyết định hạ chuẩn giáo viên tiếng Anh tiểu học từ trình độ B2 (tương đương 550 điểm TOEFL) xuống còn B1 (tương đương 400 điểm TOEFL) với điều kiện giáo viên cam kết tự bồi dưỡng nâng cao trình độ vào cuối năm học. Nhưng dù hạ chuẩn, lượng giáo viên chất lượng thiếu hụt vẫn còn khá cao. Đề án dạy tiếng Anh bao gồm bậc tiểu học đến THPT sẽ có lộ trình hơn 10 năm (2008-2020), liên quan đến gần 80.000 giáo viên và chất lượng của hơn 20 triệu học sinh, sinh viên. Chất lượng sẽ không đạt như mong muốn nếu thiếu đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản.
ThS. Nguyễn Kim Hiền, Chuyên viên phụ trách tiếng Anh Sở GD-ĐT Hà Nội trăn trở, lộ trình dạy tiếng Anh thí điểm mà dự thảo đã đưa ra rất khả thi. Nhưng điều khó khăn nhất và cấp bách là phải đào tạo được đội ngũ giáo viên chuẩn ngoại ngữ. Với đòi hỏi phát triển tiếng Anh trong các trường phổ thông hiện nay, đội ngũ giáo viên chuẩn (về bằng cấp, chuẩn về kiến thức thật sự) còn thiếu rất nhiều. Nếu thực hiện dạy tiếng Anh THPT, sức ép thiếu giáo viên giỏi ngoại ngữ còn cao gấp bội. Nếu không có lộ trình đào tạo trên diện rộng, sẽ ảnh hưởng lớn tới kết quả và chất lượng.
Đánh giá về dự thảo chương trình, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, thực hiện chương trình sẽ theo từng bước. Nơi nào có điều kiện thì thực hiện trước, địa phương nào chưa làm được thì phải chuẩn bị kỹ lưỡng; còn lại sẽ dạy theo chương trình ngoại ngữ cũ. Ghi nhận ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, lãnh đạo các viện, trường ĐH chuyên ngành ngoại ngữ, Thứ trưởng Hiển chỉ đạo, Ban soạn thảo phải sớm chỉnh sửa, bổ sung đề án cho phù hợp thực tiễn, dự kiến cuối tháng 5-2012, Viện KHGDVN sẽ trình Hội đồng thẩm định Bộ GD-ĐT dự thảo chương trình này.
Nghiêm Huê
Tiếng Anh cho bậc THPT cần được chú trọng và cần được đào tạo có bài  bản, tiếp cận được với tiếng Anh quốc tế. Bởi đây là bậc học quan trọng để học sinh bước tiếp vào ĐH. 
 

Bình luận (0)