Chuyện giáo dục con cái luôn làm không ít bậc phụ huynh “đau đầu” khi khoảng cách thế hệ càng đẩy cha mẹ và con cái xa nhau… Vậy làm thế nào để cha mẹ giáo dục con cái đúng cách hơn?
Được “úm” rất kỹ
Chị Bình trú tại Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội tự hào khoe cậu con trai độc đinh của chị. Bé trai mập mạp, khuôn mặt đầy đặn, rất đáng yêu. Chỉ nhìn sơ qua cũng đã biết bé được “dát vàng” như thế nào và có cuộc sống ra sao. Ngoài bộ vòng bạc kị gió từ cổ đến chân để “không chỗ nào gió vào được”, tủ quần áo rực rỡ sắc màu, bé được trang bị không thua kém bất cứ một người trưởng thành nào.
Ngày ngày, thực đơn bữa ăn của bé được lên lịch đầy đủ, hết sữa ngoại do cậu cháu ở Mỹ gửi về “đảm bảo hàng xịn” rồi hoa quả, tôm, thịt, bánh trái… Thấy bên ngoài bày bán xe đẩy, đồ chơi hay cái gì hay hay là vợ chồng chị mua về. Cả một phòng đầy ắp đồ chơi, có những cái thậm chí còn nguyên tem chưa kịp bóc đã bị xếp xó trong góc…
Lý giải điều này chị Bình cho rằng: “Nhà người ta không có điều kiện thì phải chịu, nhà mình có thì tội gì không lo cho cháu được đủ đầy. Chị chuẩn bị nhiều trò chơi IQ lắm. Cô bán hàng nói phải trang bị từ bây giờ thì sau này học mới giỏi được. Chứ đợi đến khi cháu lớn chút nữa thì sợ muộn mất”…
Còn Hùng, học sinh lớp 8 Trường THCS Trần Phú, Hải Phòng với đôi kính khá dày kể với tôi về lịch học của em: ngày nào em cũng học cả sáng và chiều. Học ở nhà cô, rồi mẹ sợ em đi lại không an toàn nên mời luôn cô giáo về tận nhà kèm.
Dù học lớp 8 nhưng Hùng chưa bao giờ được đi một mình ra ngoài chơi với bạn bè. Phần vì em không biết đi xe đạp phần vì lịch học quá dày không còn chỗ trống. Muốn đi đâu kể cả đi học thêm em cũng phải chờ bố hoặc mẹ đưa đi đón về. Hiện nay có không ít gia đình đang bảo vệ con cái mình bằng cách này: nhốt trong lồng kính.
Theo cô Thủy, mẹ em Hùng: “Ra ngoài bây giờ cô sợ lắm. Xe cộ thì đông. Mà bên ngoài có nhiều cái xấu, nhiều tệ nạn làm sao phòng hết được. Tốt nhất là để em ở nhà, quản lý trực tiếp khiến cô thấy yên tâm hơn”. Không rõ rồi sự bảo bọc này có làm Hùng trưởng thành hay lại làm cậu bé mất đi “phản xạ” với cuộc sống...
Là bạn của con
Anh Khánh, một phóng viên thì lại chia sẻ tiền không phải yếu tố quyết định tất cả. Anh có thể mua laptop cho con gái, đảm bảo cho các con có cuộc sống đủ đầy và êm ấm nhất nhưng điều đó không có nghĩa anh bỏ mặc chúng. Công việc của đài bận liên tục nhưng ngày nào về nhà anh cũng dành thời gian quan tâm và chăm sóc các con. Anh kiên nhẫn giảng giải cho các con từng chút một; từ những câu hỏi ngây ngô nhất như: “Vì sao trời lại mưa? Vì sao đất màu đen hay vì sao con được sinh ra? Con sinh ra từ đâu?”.
Còn cô Vũ Thúy Bình, giảng viên của Học viện của Báo chí & tuyên truyền, đồng thời cũng là mẹ của hai người con ngoan hiền, thành đạt, thì chia sẻ cô đã hướng dẫn và dẫn dắt các con ngay từ những bước đi chập chững đầu tiên. Cùng con chia sẻ khó khăn vào những mốc quan trọng như thi vào đại học…
Giờ các con cô đều đã khôn lớn. Cô Bình cũng trao đổi thêm: “Thường thì khi gặp khó khăn các anh chị thường chia sẻ và hỏi ý kiến cô. Những lúc ấy cô thường lắng nghe, đưa ra nhiều cách giải quyết khác nhau đồng thời phân tích các mặt hạn chế, ưu điểm. Còn tất nhiên việc quyết định làm gì và làm như thế nào là việc của các con. Cô không can thiệp. Lúc này cô nghĩ cha mẹ chỉ nên đóng vai trò là người định hướng không nên là người quyết định”.
Mỗi người có cách giáo dục con cháu khác nhau. Sẽ chẳng có gia đình nào giống gia đình nào. Nhưng thiết nghĩ, phụ huynh cần hiểu và biết cách giáo dục con cái hợp lý hơn để đạt được kết quả như mong muốn, chớ để đến khi “mất bò mới lo làm chuồng” như không ít gia đình hiện nay.
BÍCH NGỌC, Hà Nội (TTO)
Bình luận (0)