Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cuối năm, “Bà hỏa” rình rập

Tạp Chí Giáo Dục

Càng về cuối năm, người dân và doanh nghiệp ở TPHCM càng tăng cường các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tích trữ, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và các hoạt động vui chơi, giải trí mà nguy cơ cháy nổ cũng tăng cao.

Hiện trường vụ cháy ở quán karaoke New và nhiều nhà xung quanh trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, TPHCM vào cuối tháng 12-2014.

Thách thức “bà hỏa”

7 người chết trong vụ cháy cửa hàng bán phụ liệu tóc Lan Anh (quận 5); 3 người chết, 5 người bị thương trong vụ nổ ở Công ty TNHH SX-DV-TM Đặng Huỳnh (quận 12); 1 người chết, hàng tỷ đồng thành tro sau 1 đêm qua vụ cháy cùng lúc nhiều căn nhà trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3)… Những con số hãi hùng trên về cháy nổ trong năm qua vẫn chưa làm nhiều người dân TPHCM sợ “bà hỏa”. Bất chấp những băng rôn “người người, nhà nhà nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ” giăng mắc ở các hẻm nhỏ, những biển cấm gọi điện thoại ở trạm xăng dầu, cấm hút thuốc trên phà…, các vi phạm về an toàn cháy nổ trong sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra tràn lan khi thời điểm Tết Nguyên đán cận kề.

Theo các bảo vệ chợ vải Soái Kình Lâm, thời điểm này, mỗi ngày chợ đón cả ngàn lượt khách đến giao dịch. Hơn cả trộm và cướp, cháy nổ là nỗi khiếp sợ nhất với bảo vệ chợ lúc này. Nếu cháy nổ xảy ra, tiểu thương, khách hàng khó thoát thân nhanh được vì các lối ra vào chợ lúc nào cũng chật cứng hàng hóa. “Ngoài yêu cầu tiểu thương viết cam kết kinh doanh an toàn, không gây cháy nổ, hàng ngày, chúng tôi liên tục tới lui nhắc nhở tiểu thương sắp xếp hàng hóa gọn gàng, không lấn chiếm lối đi, nhưng vi phạm vẫn cứ diễn ra”, một bảo vệ chợ Soái Kình Lâm cho biết. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều ngôi chợ khác ở TP…

Với các nhà hàng, quán ăn, cơ sở sản xuất kinh doanh ở TP, nguy cơ cháy nổ cũng không kém. Họ thi nhau câu mắc điện thiếu an toàn để buôn bán, bất chấp các sự cố chập điện, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Lỗi vi phạm về PCCC cũng xuất hiện ngày càng nhiều ở các bãi xe khu vực trung tâm TP, nhất là những bãi xe dưới gầm cầu trên đại lộ Võ Văn Kiệt: không có tường ngăn lửa, thiếu thiết bị chữa cháy, nhân viên sử dụng nguồn lửa ngay trong bãi…

Cảnh sát PCCC TP đã rà soát, kiểm tra 10 doanh nghiệp, cơ sở hóa chất có quy mô lớn và có khả năng xảy ra cháy cao ở TP. Qua kiểm tra, đã xử phạt hành chính 6 trường hợp vi phạm với số tiền 60 triệu đồng. Quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với Doanh nghiệp tư nhân hơi kỹ nghệ Tân Tân (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) – đây là cơ sở vi phạm nhiều lần, vi phạm các lỗi đặc biệt nguy hiểm: sang chiết trái phép các chất ôxy, cacbonic, nitơ…

Tập trung xử lý những điểm nhạy cảm

Trước tình hình trên, lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC TP lưu ý các phòng cảnh sát PCCC trực thuộc và công an các quận, huyện theo dõi bám sát địa bàn, nơi có biểu hiện sản xuất, tàng trữ thuốc nổ, hóa chất, pháo trái phép vào dịp cận tết. Nơi nào để sự cố cháy nổ xảy ra, lãnh đạo, cán bộ phụ trách PCCC ở đó phải chịu trách nhiệm.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang yêu cầu UBND 24 quận, huyện thắt chặt việc cấp phép xây – sửa chữa nhà, rà soát lại các lối thông hành địa dịch trong khu dân cư, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng lấn chiếm, đảm bảo 100% lối thoát hiểm của nhà dân, khu dân cư hoạt động tốt khi có cháy nổ xảy ra. Bằng mọi cách không để cháy nổ lớn tiếp tục xảy ra. Tăng cường lực lượng PCCC tại chỗ, nhất là dân phòng, phải được tập huấn kỹ về kiến thức phòng cháy, nghiệp vụ chữa cháy để xử lý tốt các sự cố khi mới phát sinh. Đặc biệt, phải “bứng gốc” triệt để các cơ sở sản xuất, sang chiết, tàng trữ trái phép hóa chất. Đối với chợ hóa chất Kim Biên và các cơ sở kinh doanh hóa chất xung quanh, UBND quận 5 phải giải tỏa trong năm 2015.

Để giúp người dân thoát khỏi nguy hiểm khi ở trong đám cháy, nhất là đám cháy trên tầng cao, Cảnh sát PCCC TPHCM có khuyến cáo sau:

1. Khi đang ở trong nhà bị cháy: Bình tĩnh, di chuyển trong tư thế cúi thấp người vì khói luôn bay lên cao, thậm chí có thể trườn, bò dưới sàn lúc nhiều khói để nhanh chóng thoát ra ngoài. Để chống nhiễm khói, phải lấy khăn thấm nước che kín miệng, mũi nhằm lọc không khí hoặc dùng mặt nạ chống khói nếu được trang bị. Để bảo vệ toàn thân có thể dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên và nhanh chóng tìm cách thoát ra ngoài. Người dân cũng cần trang bị búa tạ hoặc vật cứng trong nhà, đề phòng khi có sự cố cháy nổ xảy ra thì phá tường, trần nhà để thoát ra ngoài. Lưu ý, khi bị bắt lửa vào quần áo cần nằm áp xuống sàn nhà, hoặc áp mình vào tường, hai tay ôm đầu lăn tròn trên mặt sàn cho đến khi lửa tắt.

2. Khi đang ở trong căn hộ bị cháy trên tầng cao: Bình tĩnh, tìm lối thoát theo cách như đang ở trong nhà bị cháy (đã nói trên). Sau đó, tìm lối thoát nạn có sẵn theo đèn chỉ dẫn “lối ra” hoặc “Exit”, hoặc nghe theo thông báo, hướng dẫn thoát nạn. Di chuyển đến khu vực gần cửa sổ, bình tĩnh hướng dẫn người khác làm theo. Khi mở cửa phòng cần kiểm tra nhiệt độ có cao không, lúc mở nên tránh sang một bên đề phòng lửa tạt vào người. Nhanh chóng thoát ra cửa hoặc cầu thang thoát nạn, làm hiệu bằng cách kêu cứu hay dùng các tín hiệu như vẫy tay; dùng các tấm vải, quần áo hoặc các vật có màu sắc để báo hiệu cho mọi người đến cứu giúp. Nếu chọn được vị trí an toàn, hãy dùng các loại dây, rèm cửa, ra trải giường buộc chắc chắn và tuột xuống đất. Tuyệt đối không nhảy khi không có nệm, lưới cứu người ở bên dưới.

3. Khi đang ở trên xe khách bị cháy: Bình tĩnh, không xô đẩy, giẫm đạp lên nhau, vì như vậy dễ làm xe lật. Tìm búa cứu hộ hoặc vật cứng trên xe để phá kính.

4. Khi bị bỏng sau khi thoát ra khỏi đám cháy: nhanh chóng làm nguội vùng bỏng bằng nước mát, sạch càng sớm càng tốt. Tháo bỏ những vật dụng, như: nhẫn, vòng, đồng hồ… trước khi vết bỏng phồng rộp. Không làm vỡ, làm trượt các nốt phỏng rộp. Không bôi bất cứ thứ gì lên vết bỏng nếu không có sự hướng dẫn chuyên môn. Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

PHẠM MINH (ghi)

TUẤN VŨ (SGGP)

Bình luận (0)