Hội nhậpGiáo dục phát triển

Không để sinh viên vì nghèo mà phải nghỉ học

Tạp Chí Giáo Dục

SV ĐH Xây dựng HN chờ làm thủ tục vay vốn tại chi nhánh Kho bạc Nhà nước 31 Ngô Thì Nhậm (HN). Ảnh: X.N

Được hình thành từ năm 1995 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm giúp sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, đến nay chương trình tín dụng sinh viên đã thực sự mang lại ý nghĩa xã hội to lớn, trở thành chỗ dựa cho một số lượng không nhỏ sinh viên nghèo có thêm chi phí ăn học, sinh viên đã không chỉ vì nghèo mà phải nghỉ học.

Nếu năm 1999 chương trình mới chỉ giải ngân được 3,5 tỷ đồng thì sang đến năm 2000 là 30 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm học 2007 – 2008, thực hiện chủ trương của Nhà nước về đổi mới chính sách cho vay đối với học sinh – sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục học tập, tính đến 30/6/2008, số tiền cho vay đối với học sinh – sinh viên đã đạt 5.356 tỷ đồng, số thu nợ là 132 tỷ đồng, tổng dư nợ của chương trình đạt 5.300 tỷ đồng (tăng so với năm 2007 là 2.493 tỷ đồng) với 170 nghìn hộ gia đình vay vốn học tập cho 750 nghìn học sinh – sinh viên. Như vậy là từ việc triển khai mạnh mẽ chương trình tín dụng đào tạo, năm học 2007 – 2008 đã không còn tình trạng sinh viên trúng tuyển đại học mà không nhập học được do khó khăn về kinh tế.

Nói như Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Không để sinh viên vì không có tiền mà không được đi học”. Từ khi chương trình tín dụng cho học sinh – sinh viên được thành lập, đúng là chưa bao giờ việc ăn học, đời sống, sinh hoạt của học sinh – sinh viên lại được quan tâm như vậy. Nếu như trước đây chương trình chỉ dành cho sinh viên các trường đại học thì nay sinh viên các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường dạy nghề kể cả dưới 1 năm cũng được vay vốn. Số tiền vay cũng hướng tới để không chỉ cho học sinh, sinh viên đủ để đóng học phí mà còn có thể chi trả cho học tập và cuộc sống. Và để thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, cũng là chia sẻ với những sinh viên nghèo, các Bộ ngành liên quan đều quyết tâm vào cuộc. Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chuyển ngay cho Ngân hàng Chính sách 500 tỷ đồng để có nguồn cho sinh viên vay. Để có thêm nguồn vốn cho Quỹ, 2.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cũng được phát hành. Chỉ sau 3 tháng triển khai, nguồn vốn được cấp cho chương trình đã lên đến 2.500 tỷ. Với nguồn vốn đó, tính đến cuối năm 2007 đã có 630.159 học sinh, sinh viên được vay vốn với số dư nợ là 2.803 tỷ đồng. Trong đó, doanh số cho vay từ 1/10/2007 theo Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ đạt 2.504,6 tỷ đồng với 596.354 học sinh – sinh viên đang vay vốn. Trong đó dư nợ của số sinh viên đại học và cao đẳng 1.930 tỷ đồng với 425.313 học sinh viên; Trung cấp chuyên nghiệp 680 tỷ đồng với 157.447 học sinh, sinh viên; học nghề (thời hạn học trên một năm) 1.690 tỷ đồng với 37.773 học sinh, sinh viên; học nghề dưới 1 năm là 43 tỷ với 9.626 học sinh – sinh viên. Và đến 30/6/2008, thì số tiền cho vay đối với học sinh – sinh viên đã đạt 5.356 tỷ đồng/170 nghìn hộ gia đình/750.000 học sinh – sinh viên đã được vay vốn. Với con số trên có thể nói, chương trình tín dụng sinh viên đã thực sự đi vào cuộc sống, hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên đã được vay vốn, số tiền này đã giúp hàng trăm ngàn hộ gia đình tưởng như cầm chắc việc con em mình không bao giờ có cơ hội đến giảng đường thì nay có điều kiện đi học.

Tuy rằng ý nghĩa xã hội mà Chương trình tín dụng sinh viên đem lại thì rất lớn, nhưng để duy là chương trình được dài lâu vấn đề đặt ra hiện nay là việc kiểm tra và giám sát vốn vay làm thế nào để kiểm soát được chặt chẽ đối tượng vay và việc thực hiện thu hồi nợ. Theo quy định hiện hành của Ngân hàng chính sách xã hội về thủ tục cho vay đối tượng được cho vay là sinh viên con em các gia đình nghèo theo tiêu chuẩn của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội ban hành và những hộ khó khăn có mức thu nhập chưa vượt quá 150% tiêu chuẩn hộ nghèo, sinh viên là đối tượng được vay nhưng người đại diện đứng ra vay sẽ là chủ các hộ nghèo đó. Những sinh viên này nếu có nhu cầu vay vốn, gia đình họ sẽ phải làm đơn xin vay vốn, được các đoàn thể và chính quyền địa phương xác nhận. Sau khi đã được chứng nhận, thì chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương sẽ làm thủ tục cho vay vốn. Những thủ tục vay vốn này chỉ phải làm một lần, sau đó, mỗi năm hai kỳ, ngân hàng sẽ chuyển tiền về hộ gia đình, ngân hàng sẽ theo dõi và thu hồi nợ, kết hợp với gia đình cùng kiểm soát số vốn vay đó chứ không trao trực tiếp cho học sinh, sinh viên ở trường như trước đây. Học sinh – sinh viên vay vốn sau 4,5 năm mới bắt đầu phải trả nợ.

Tuy rằng các quy định vay vốn đã khá chặt chẽ nhưng thực tế cho thấy vẫn còn kẽ hở. Nhiều nhà trường đã có ý kiến về việc gặp những khó khăn trong việc theo dõi việc sử dụng vốn vay của sinh viên có đúng phục vụ cho việc ăn học không. Do nhà trường chỉ là nơi xác nhận nhu cầu, còn vốn vay được khi nào lại ở địa phương, thế nên việc giám sát sinh viên sử dụng nguồn vốn vay thể nào là rất khó khăn. Sẻ chia trách nhiệm với Ngân hàng, ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm Nghiệp, cho biết: Với đặc thù đào tạo của trường, phần lớn là sinh viên miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Những năm trước nhiều sinh viên phải bỏ học vì khó khăn về tài chính. Đến nay, được vay vốn đã có điều kiện trang trải các chi phí cho học tập, đã yên tâm học tập, giảm đáng kể số sinh viên phải nợ học phí. Điều này cũng giúp nhà trường ổn định, nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên ông cân nhắc về việc ngân hàng làm việc trực tiếp với gia đình, địa phương nên nhà trường cũng không biết được sinh viên có vay hay không để cùng giám sát, ông cho rằng nhà trường cần phải nắm được sinh viên vay vốn, để trực tiếp giám sát sinh viên trong việc đóng học phí, có trách nhiệm trong học tập, kiểm soát để tránh trường hợp sinh viên nghỉ học rồi mà vẫn được vay vốn.

Để hướng tới sự công bằng xã hội, công bằng trong giáo dục, công bằng đối với người học, phải xác định đúng người đáng được hưởng chính sách hỗ trợ, sẽ cần phải hoàn thiện hơn quy chế của việc cho vay vốn. Nhưng đến thời điểm này, cái được lớn mà chúng ta nhìn thấy là chương trình tín dụng cho học sinh – sinh viên đã thực sự đi vào lòng người, đem lại ý nghĩa chính trị – xã hội to lớn. Trong hội nghị về Tín dụng cho học sinh – sinh viên mới được tổ chức vào trung tuần tháng 8/2008 vừa qua, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp tục có ý kiến chỉ đạo: Tới đây đối tượng cho vay vốn học tập sẽ được xem xét thêm đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, mất hết nhà cửa. Và cũng theo quy định mới, thời hạn cho vay, thu hồi nợ và lãi đã được kéo dài hơn trước đây, cụ thể là sau khi ra trường 12 tháng (trước đây là 6 tháng), học sinh – sinh viên mới phải bắt đầu trả nợ. Một lần nữa Chính phủ đã tiếp tục khẳng định những quan tâm tới đời sống học sinh, sinh viên và có những chỉ đạo để tín dụng cho học sinh – sinh viên giúp họ giảm bớt gánh nặng cuộc sống, chú tâm nhiều hơn vào việc học.

Theo GDTĐ

Bình luận (0)