Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đề tham khảo thi Tốt nghiệp THPT: Đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa công bố Đề thi tham khảo phục vụ kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020. Đây là lần thứ hai Bộ công bố đề thi minh họa cho học sinh khối 12. Về cơ bản, đề thi minh họa lần hai vẫn giữ nguyên cấu trúc, song nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, mức độ kiến thức theo hướng tăng dễ giảm khó để phù hợp với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp.

HS lớp 12 Trường THCS – THPT Hoa Sen trong ngày đâu tiên trở lại trường

Năm 2020, sau khi được đổi tên thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi được rút ngắn chỉ diễn ra trong 2 ngày với 4 buổi thi. Thí sinh dự thi vẫn phải tham gia 3 bài thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sinh, Sử, Địa). Mặc dù phục vụ múc đích chính là xét công nhận tốt nghiệp nhưng đề minh họa lần 2 vẫn có tính phân hóa nhất định để phục vụ mục tiêu xét tuyển vào một số trường ĐH có sử dụng điểm kỳ thi này.

Môn Ngữ Văn: Phân hóa nằm ở sự sáng tạo, trải nghiệm của học sinh

Cô Trần Thị Thu Hương (Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn, Trường THCS – THPT Trí Đức) nhận định, mức độ đề vừa phải, phù hợp với mục đích chính là xét TN. Đề nằm hoàn toàn vào chương trình lớp 12, không có phần giảm tải và không mở rộng, so sánh các phần kiến thức lớp 10, 11 như các năm trước.

Về cầu trúc, đề thi tương tự như năm trước, gồm 2 phần: đọc hiểu (3 điểm), làm văn (7 điểm). Trong đó, phần Đọc hiểu văn bản đưa ra ngắn, dễ hiểu và gần gũi với học sinh, có tính giáo dục cao. Số lượng câu hỏi trong phần Đọc hiểu cũng giảm từ 5 xuống 4, mức độ kiến thức cũng nhẹ hơn trong đó 1 câu là nhận biết, 2 câu phát hiện… mức vận dụng thấp hơn, câu trả lời nằm ngay trong văn bản học sinh dễ dang trả lời. Ở Phần làm văn, câu NLXH (2 điểm) có cấu trúc quen thuộc nhưng đưa ra một vấn đề cụ thể, rõ hơn đề minh họa lần 1, đồng thời yêu cầu nêu ra cũng phù hợp với đoạn văn hơn, học sinh không lúng túng giữa việc viết một đoạn văn. Câu NLVH (5 điểm) là dạng đề tuyền thống quen thuộc, cảm nhận về một đoạn thơ cho sẵn, đưa luôn luận đề cho học sinh. “Mặc dù đề nhẹ nhàng, với những phần kiến thức cơ bản song mức độ phân hóa vẫn trải đều trong 3 phần. Phân hóa nằm ở sự trải nghiệm, sự sâu sắc trong nhận thức và sự cảm nhận về văn học và nhất là thơ. Đề dù đơn giản nhưng mở, thỏa sức sáng tạo của học sinh. Đoạn thơ quen thuộc làm nhưng làm hay thì không dễ, nếu học sinh có cảm nhận và trải nghiệm tốt thì sẽ làm bài được điểm cao”, cô Hương nhấn mạnh.

Với phân tích này, cô Hương cho rằng khi ôn tập HS nên đi vào trọng tâm. Đừng đi vào những vấn đề lớn lao quá. Với các vẫn đề gần gũi trình bày cũng nên giản dị, dễ hiểu. Trọng tâm ôn tập các tác phẩm trong chương trình lớp 12, có nét riêng thì sẽ có điểm cao hơn.

Môn Toán: 80% kiến thức cơ bản

Đánh giá đề minh họa môn Toán, thầy Nguyễn Minh Tú (GV Toán, Trường THPT Tân Bình) cho hay, so với đề minh họa lần 1 thì đề lần 2 không có quá nhiều thay đổi, nhưng mức độ kiến thức nhẹ hơn một chút. Học sinh trung bình khá chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là đạt từ 7-8 điểm. Khoảng 80% kiến thức là nhận biết, thông hiểu, vận dụng, chỉ 20% kiến thức vận dụng cao.

HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du trong ngày học đầu tiên khi trở lại trường

Đặc biệt, các câu hình không gian đã vẽ sẵn hình, học sinh đỡ tốn thời gian vẽ hình. “Với mức độ đề này đã giải quyết được vấn đề tốt nghiệp, không mang tính phân hóa cao. HS khá, giỏi không phân biệt được với hs trung bình khá. Học bình thường, cơ bản nhất là có thể giải được”.

Lời khuyên được thầy Tú đưa ra khi ôn tập cho học sinh theo ma trận đề thi này là học sinh cần nắm chắc các kiến thức cơ bản, giải những bài tập đơn giản, không quá ham giải câu phức tạp trong các bộ đề tràn lan.

Môn Tiếng Anh: Kiến thức rất cơ bản

Thầy Phạm Hùng (Tổ Phó tổ Tiếng Anh, Trường THPT Marie Curie) nhận định, cấu trúc đề minh họa lần 2 vẫn giữ nguyên nhưng mức độ giảm tải rõ rệt hơn. Kiến thức đề cập đến rất cơ bản về cách sử dụng từ, cấu trúc. Các chủ đề của bài đọc hiểu cũng rất thực tế, mang tính hội nhập nhưng lại dễ hiểu, không quá khó với học sinh. “Học sinh chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản nhất, chú ý đến kỹ năng là làm bài đạt kết quả cao”.

Bài thi Khoa học tự nhiên: Nhẹ nhàng, không phân loại được học sinh

Ở môn Hóa, thầy Phạm Hồng Quân (GV Hóa, Trường THPT Trần Khai Nguyên) đánh giá, đề minh họa lần 2 dễ quá, phục vụ tốt mục đích xét TN song không có tính phân loại để phục vụ xét ĐH khi đề không đánh gía đúng được thực chất học sinh, còn mang tính cào bằng. Cấu trúc đề vẫn giữ nguyên song độ khó chỉ còn nằm ở 2 câu cuối, mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng rơi vào đến 99%, khá đơn giản. “Với mức độ đề này, học sinh chỉ cần nắm rõ những kiến thức cơ bản là làm tốt bài”.

Tương tự, ở bộ môn Vật lý, thầy Nguyễn Đắc Cường (Giáo viên Lý, Trường THPT Bùi Thị Xuân) cũng cho rằng đề khá nhẹ nhàng hơn so với đề lần 1, mức độ chủ yếu là nhận biết, thông hiểu. Vận dụng cao chỉ chiếm khoảng 10%. Kiến thức lớp 11 chiếm 10%. Kiến thức lớp 12 tập trung chủ yếu HKI, kiến thức HKII cũng khá nhẹ. Với mức độ đề này, học sinh dễ dàng đạt từ 7-9 điểm. “Đề phù hợp với những đòi hỏi của năm nay. Tuy nhiên, dễ dàng quá thì khó để phân loại được học sinh. Học sinh chỉ cần cố gắng rèn kỹ năng, kiến thức ở mức cơ bản, không nên quá đào sâu vào những bài tập nâng cao”.

Riêng môn Sinh học, cô Nguyễn Thị Lâm Khoa (Tổ trưởng tổ Sinh, Trường THPT Nguyễn Thái Bình) cho hay, đề có mức độ phân hóa nhất định khi có tới 30% kiến thức là vận dụng cao, 70% kiến thức cơ bản, thí sinh dễ dàng lấy được 7 điểm. Riêng 10 câu cuối vẫn bị mức độ ảnh hưởng của xét ĐH nên hơi khó. Kiến thức lớp 11 có 4 câu ở mức độ nhận biết, rất đơn giản học sinh dễ dàng lấy được điểm. Những câu nâng cao tập trung vào HKI lớp 12, chủ yếu vào phần di truyền. “Với đề này, lý thuyết chiếm 6 điểm, học sinh cần nắm chắc lý thuyết. Với phần bài tập, các em cần luyện bài tập nhiều, nắm chắc các kỹ năng các dạng đề”.

Bài thi Khoa học xã hội: Đòi hỏi vừa phải

Ở môn Địa lý, thầy Lê Thanh Long (Tổ trưởng Tổ Địa, Trường THPT Phạm Văn Sáng) nhận định, đề khá nhẹ nhàng, kiến thức nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, tập trung vào chương trình HKI. Trong đó trên 50% là câu hỏ lý thuyết, thực hành nhắm vào các kỹ năng cơ bản: đọc Atlat, nhận xét biểu đồ, phân tích bảng số liệu, thống kê. “Có đến 90% kiến thức trong đề là nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp. Chỉ 10% còn lại là vận dụng cao rơi vào 4 câu cuối. “Học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản trong SGK lớp 12. Để đạt được điểm cao cần rèn thêm các kỹ năng làm bài”.

Ở môn Sử, cô Lê Thị Ngọc Kim (Tổ trưởng Tổ Sử, Trường THPT Lương Thế Vinh) phân tích, cấu trúc đề vẫn giữ nguyên, đảm bảo 4 mức độ từ nhận biết, thông hiểu vận dụng thấp và vận dụng cao. Tuy nhiên, so với đề lần 1, đề minh họa lần này dễ thở hơn, phù hợp với phục vụ cho mục đích xét tốt nghiệp. Trong đó 80% kiến thức cơ bản ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp; 20% vận dụng cao. Kiến thức tập trung chủ yếu vào lớp 12 trong đó phần nhiều là HKI, 20% kiến thức nâng cao. Kiến thức lớp 11 chỉ có 1 câu lịch sử Việt Nam, 1 câu giao thoa giữa lịch sử 11 và 12 ở phần Sử thế giới, cũng rất đơn giản. “Với đề này, học sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản theo mức đọ hiểu, không nên ghi nhớ các sự kiện ngày tháng năm là có thể làm được”.

Trong môn GDCD, thầy Phạm Thanh Tuấn (Giáo viên GDCD, Trường THCS – THPT Diên Hồng) đánh giá, đề nhẹ nhàng so với các năm trước, trọng tâm vào chương trình GDCD lớp 12 tập trung chủ yều vào kiến thức pháp luật, kiến thức lớp 11 chỉ chiếm một phần rất nhỏ với 4 câu liên quan đến kinh tế. “Đề được lồng ghép đến cả câu hỏi thực tiễn liên quan đến dịch bệnh Covid-19 (xử lý vi phạm, thông tin sai lệch) là nội dung bám sát thực tiễn, học sinh có thể phân tích và làm được. Các tình huống liên quan đến vi phạm pháp luật cũng dễ. Với mức độ đề này, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong SGK là có thể đạt từ 8 điểm trở lên”.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Bình luận (0)