Bao đời nay, những bản làng heo hút nằm nép mình dưới chân dãy Trường Sơn của huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn bị trói buộc bởi vấn nạn tảo hôn. Lề thói lạc hậu này đã và đang gây ra những hậu quả đau lòng.
Ngôi nhà của vợ chồng em Lê Văn Chùn nằm xiêu xó bên vách núi dựng đứng ở thôn 3, xã Hồng Thủy. Sau những tiếng tru yếu ớt của con chó còi cọc, một cậu bé gầy rạc lon ton ra ngõ đón khách.
“Chùn có nhà không cháu?” – tôi hỏi. “Dạ, cháu là Chùn đây” – cậu bé trả lời. Mặc dù ông Hồ Văn Liên – Bí thư Đảng ủy xã lúc chỉ đường cho tôi đến nhà Chùn đã nói “nó còn bé lắm”, nhưng tôi vẫn bất ngờ vì cậu bé này quá nhỏ so với những gì tôi tưởng tượng.
Không chỉ trường hợp của Chùn và Lài, mà tình trạng tảo hôn ở xã Hồng Thủy nói riêng và huyện A Lưới nói chung từ lâu đã trở thành một lối mòn trong nếp nghĩ của người dân.
|
Chùn đon đả mời tôi vào nhà rồi trải tấm chiếu cũ lỗ chỗ những vết rách cho tôi ngồi. Dưới căn bếp nhỏ được thưng bằng những tấm phên rách bươm, một cô bé khẳng khiu, áo quần lem luốc, tay xách ấm nước xăm xăm bước lên nhà. Không chờ tôi hỏi, Chùn đã tự giới thiệu về cô bé với giọng nói còn đậm chất trẻ con: “Vợ cháu đấy, cưới gần 4 tháng rồi chú ạ”.
Cặp vợ chồng “nhí” Lê Văn Chùn (13 tuổi) và Hồ Thị Lài (12 tuổi) ở thôn 3, xã Hồng Thủy.
Cô bé mà Chùn giới thiệu với tôi là Hồ Thị Lài, người ở thôn 6. Bốn tháng trước, khi Chùn tròn 13 tuổi, học lớp 6 và Lài 12 tuổi, học lớp 5, hai gia đình quyết định tổ chức đám cưới cho hai đứa. Đám cưới được tổ chức khá rình rang, cũng dựng rạp và ca hát tưng bừng. Phải bắt mấy con heo, con bò vốn là gia sản trong nhà để đãi làng nên kinh tế của gia đình Chùn vốn đã khó khăn lại càng điêu đứng sau đám cưới của con trai.
Làm mẹ tuổi ô mai
Tôi đến xã Hồng Kim, xã nằm sát cạnh thị trấn A Lưới nhưng nạn tảo hôn lại thuộc diện “điển hình” nhất huyện.
Sau một hồi bấm ngón tay nhẩm tính, ông Lê Quang Bảy – Chủ tịch UBND xã nói trong tiếng thở dài: “Từ đầu năm đến nay đã có hơn 10 trẻ em nữ sinh con sau khi tảo hôn. Đó là những trường hợp xã nắm được vì sau khi sinh đã đến đăng ký khai sinh cho con, còn những trường hợp không nắm được thì vô số”.
Theo chỉ dẫn của ông Bảy, tôi đến nhà vợ chồng em Hồ Thị Hoàn ở thôn 4. Hoàn lấy chồng năm ngoái, khi vừa tròn 13 tuổi. Năm nay mới ở tuổi 14 nhưng Hoàn đã sinh con được 5 tháng. Hoàn bế đứa con bé tẹo, rồi chợt lúi húi không biết làm thế nào khi đứa bé bật khóc.
Tôi hỏi vì sao con khóc nhiều thế, Hoàn ngơ ngác, nhưng rồi Ku Thả – chồng Hoàn đỡ lời: “Nó đói sữa nhưng mẹ nó không có sữa cho nó bú”. Nghe chồng nói, Hoàn nhoẻn miệng cười để lộ mấy chiếc răng cửa bị sún chưa mọc kịp. Tôi chợt nghĩ lẽ ra ở cái tuổi “như búp trên cành” của Hoàn, cô bé phải được đến trường để học cái chữ như bao đứa trẻ khác.
Làm mẹ ở tuổi 14 như Hoàn chưa phải là kỷ lục ở xã Hồng Kim cũng như ở huyện A Lưới. Đơn cử như trường hợp vợ chồng “nhí” Trần Văn Hẹp (14 tuổi) và Hồ Thị Thịt (12 tuổi) ở thôn 4. Ông Quỳnh Hung, bố Hẹp vừa bế đứa cháu nội đỏ hỏn đang khóc thé trên tay vừa nói:
“Vợ chồng chúng không biết chăm con nên đứa bé ngày càng teo lại. Con Thịt lại thiếu sữa, cơ sự ni chắc đứa bé không lớn nổi”. Khi tôi hỏi tại sao lại chấp nhận để con trai và con dâu tảo hôn thì ông Kẹp giãi bày: “Nhà thiếu người làm rẫy, chúng lại kết nhau nên cưới sớm cho ổn”.
Tại thôn Ta Roi, xã A Ngo, em Hồ Thị Hè mới ở tuổi 14 nhưng đã có đứa con gần 1 tuổi. Bố Hè mất sớm, nên học đến lớp 6 cô bé đã phải bỏ học để lấy chồng. Từ ngày sinh con, vì là lao động chính trong nhà nên Hè phải cáng đáng áo cơm cho gia đình. Những vất vả của cuộc sống đè nặng lên đôi vai non nớt khiến cô bé ngày càng gầy héo.
Chồng Hè là A Đời, người Lào, qua làm thuê ở thị trấn A Lưới, gặp Hè rồi cưới nhau. Sau ngày cưới, vì phải lao động quá sức nên A Đời cũng rơi vào cảnh đau ốm triền miên… Khi được hỏi về ước muốn của đời mình, Hè nói trong ngậm ngùi: “Em vẫn muốn được đến lớp như bạn bè để học cái chữ, nhưng hoàn cảnh gia đình quá ngặt nghèo nên phải lấy chồng sớm”. Hè đang kể chuyện với tôi thì ngoài ngõ mấy đứa trẻ nhem nhuốc đi học về. Hè dõi mắt nhìn theo, tôi đọc được trong đôi mắt của em một niềm tiếc nuối.
Giải thích về vấn nạn tảo hôn gia tăng trên địa bàn, ông Hồ Văn Liên – Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thủy cho biết, nhiều trường hợp trẻ em gia đình bắt cưới nên phải cưới, bên cạnh đó có những trường hợp hai đứa trẻ yêu nhau, gia đình không đồng ý nhưng chúng vẫn về ở với nhau. Hoàn cảnh gia đình thiếu người làm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấy chồng, cưới vợ sớm.
Theo ông Liên, chỉ tính riêng trong quý I – 2009, xã Hồng Thủy đã có 20 trường hợp tảo hôn, tăng hơn 5 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng tảo hôn gia tăng nhanh khiến chính quyền địa phương hết sức đau đầu. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện A Lưới.
|
Theo Nông Thôn
Bình luận (0)