Má và ba quen nhau trong phong trào sinh viên đấu tranh chống Mỹ ngụy. Vì nhiệm vụ của cách mạng mà ba má
ít có thời gian gặp gỡ nhau. Mãi đến cuối năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, cuộc chiến thưa dần tiếng súng, tổ chức mới làm đám cưới cho ba má được. Giờ đây má vẫn nhớ như in đám cưới của mình vào một ngày nắng đẹp trời ở chiến khu Thanh Tuyền, Bến Cát, Bình Dương. Đám cưới đơn sơ không cao lương mỹ vị, chỉ có vài chén nước trà và một đĩa đậu phộng rang cho khách dự mà ấm cúng tình người. Vui duyên mới chưa trọn một tuần, ba má lại lao vào công việc. Sức khỏe của má vẫn chưa hồi phục vì những trận đòn khi bị địch bắt giam. Có nhiều hôm má đau nhức khắp người, đi lại không được đành phải ngồi một chỗ. Những lúc đó lại càng thương ba phải chăm sóc người vợ trẻ từng ly từng tý. Các anh các chú khuyên má ra miền Bắc điều trị nhưng má đắn đo mãi vì nếu phải xa ba thì lấy ai phục vụ má hàng ngày khi đôi chân vẫn còn yếu. Cuối cùng ba nhất trí để má điều trị tại Bệnh viện Đông y dân tộc ở Bình Dương. Ở đây, bác sĩ khuyên má nên sớm có thai để tốt cho sức khỏe. Thực sự ba má nửa tin nửa ngờ lời của bác sĩ vì má cứ đau yếu hoài nên không mấy hy vọng sẽ có bầu. Vì vậy, khi bắt đầu nhận ra “sự xuất hiện” của con trong cơ thể má, ba má mừng vui khôn xiết. Và đúng như lời bác sĩ, từ đó, sức khỏe của má khá dần lên, từ chỗ phải ngồi một nơi nay đã đi lại được. Niềm hạnh phúc của ba má lại cứ nhân lên cho đến ngày con cất tiếng khóc chào đời. Ba má rất biết ơn những người đã giúp mình vượt qua những tháng ngày gian khó, và cũng rất cảm ơn đứa con đầu lòng yêu dấu của ba má. Con đã đem lại không chỉ hạnh phúc mà còn cả “sự hồi sinh” cho ba má.
Kim Dung
Bình luận (0)