Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khóc cười chuyện đặt tên con

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đối với một số cha mẹ, đặt tên cho con cũng là một vấn đề (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Có không ít ông bố, bà mẹ trẻ thường “sính ngoại” khi đặt tên cho con. Và cũng có những cái tên rất “nội”, không kém phần hài hước, dở khóc dở cười.
Đặt tên con theo hoàn cảnh
Chẳng ý nghĩa gì khi ông Thuấn đặt tên cho cháu ngoại là Rãnh. Bà Thuấn một mực can ngăn vì cái tên nghe kỳ kỳ nhưng cũng không thay đổi được cái tính gia trưởng của ông. Tuy nhiên, khi ông Thuấn phân tích nghe cũng có lý. “Cha của con Rãnh lười lao động lắm, công việc có nhưng tối ngày la cà nhậu nhẹt. Mẹ nó cũng vậy, ăn rồi ngồi lê đôi mách, việc nhà không bao giờ biết lo, không rãnh là gì. Tôi đặt tên cháu là Rãnh để vợ chồng nó ý thức hơn”. Tất nhiên, dù đó là sự thật nhưng cha mẹ Rãnh khó chịu lắm. Anh Thuần, cha bé Rãnh nói: “Bây giờ chỉ còn cách chờ khi ông ngoại bé mất thì xin đổi tên lại cho cháu”.
Những năm tháng sau chiến tranh, anh Hoàng (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) trở về quê hương với công việc làm nương rẫy. Lúc bấy giờ, anh gặp và phải lòng một cô gái con nhà khá giả, nho giáo. Gia đình cô gái cấm hai người quen nhau nhưng với tình yêu thương vô bờ bến, cô gái ấy đã bỏ biển lên rừng chung sống với anh. Sau một năm chung sống, đứa con trai đầu lòng ra đời, anh chị đặt tên nó là Nguyễn Văn Rẫy. “Hồi đó đói khát lắm mà đâu có dám xuống núi tìm đến ngoại tụi nhỏ. Cuộc sống của gia đình tôi đều trông chờ vào nương rẫy. Kể cả chuyện sinh nở cũng nhờ bà mụ ở trên núi. Sau khi sinh con tôi quyết định đặt tên con là Rẫy. Vợ chồng tôi làm ăn ngày một đỡ hơn vì vậy tôi rất hãnh diện vì đặt cho con cái tên này”. Anh Hoàng phân trần.
Nếu ngày xưa thi sĩ Xuân Quỳnh sử dụng hình ảnh thuyền và biển để ca ngợi sự thủy chung, son sắt trong tình yêu đôi lứa thì nay đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Khánh và Lê Thị Kiều (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) dùng hình ảnh thuyền và biển để “ghi” lại những chuỗi ngày gian khó của hai vợ chồng họ. Ngày hai bạn cưới nhau, gia đình vợ gom góp sắm cho chiếc thuyền nan, gia đình chồng tặng đôi lưới để đánh bắt cá gần bờ. Sinh đứa con đầu lòng, Khánh đặt tên con là Thuyền. Đứa thứ hai đặt tên Lưới. Đứa thứ ba đặt tên Ghe. Tên Thuyền, nghe cũng dễ lọt tai. Còn Lưới, Ghe, nghe lạ lắm. Kiều giải thích: “Lúc tụi em có đứa thứ ba là làm ăn cũng khấm khá, đóng được chiếc ghe đi giã cào nên đặt tên con là Ghe luôn cho… tiện”. Còn ông Thành, ngoại của gia đình “đánh bắt cá” thì rất tâm đắc với những cái tên ấy. “Tên xấu vậy chứ đứa nào đứa nấy giỏi lắm, từ việc học đến việc nhà. Bao đời nay, cả dòng họ có đứa nào học hành đàng hoàng đâu, bây giờ cứ ra đường là nghe người ta trầm trồ khen ngợi gia đình “đánh bắt cá” của tui chứ có nghe ai chê bai chuyện đặt tên tụi nó đâu”.
Đến tên Tây
Benny, Nobita, Donal… những nhân vật nổi tiếng trong các bộ phim hoạt hình cũng đã được không ít bậc phụ huynh trẻ sử dụng để đặt tên cho con. Các ông bố, bà mẹ mê chính trị cũng không ngần ngại lấy tên của các nguyên thủ quốc gia, chính trị gia nổi tiếng của các nước như Bush, Vladimir Putin, Mevedep… Gần đây nhất khi tân tổng thống Mỹ Barack Obama nhậm chức thì chị Nguyễn Thị Hồng, nhân viên bảo hiểm của một công ty nước ngoài đặt cho con trai mình là tiểu Barack Obama.
Không ít các bà mẹ thuộc tầng lớp trí thức ghiền phim Hàn đặt tên cho con bằng tên của các nhân vật nổi tiếng trong phim cũng như tên thật ngoài đời. Qua những câu chuyện trên mới thấy rằng chuyện đặt tên cho con cũng không đơn giản chút nào.
Phương Nguyên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)