Trường THCS Lê Quý Đôn ứng dụng tối đa CNTT trong giáo dục và giảng dạy, trong quản lý giáo dục, quản trị nhà trường, tiến tới xây dựng lớp học thông minh, trường học thông minh, cùng Q.3 xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến về giáo dục và đào tạo, cụ thể như sau: Lãnh đạo nhà trường thường xuyên chỉ đạo cán bộ giáo viên thúc đẩy phong trào ứng dụng CNTT trong giảng dạy, tăng cường các giờ dạy sử dụng máy chiếu và bảng tương tác. Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào quản lý cũng như giảng dạy và các hoạt động khác như: Soạn giáo án điện tử, khai thác, sử dụng hiệu quả mạng internet. Nhiều giáo viên sử dụng các bài giảng được thiết kế trên máy tính đạt hiệu quả cao. Đặc biệt số giáo viên sử dụng và thiết kế giáo án điện tử tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Nhà trường quan tâm ứng dụng CNTT vào việc ghi điểm, xếp loại, thống kê… giúp công việc nhanh hơn và chính xác hơn. Giáo viên thường sử dụng phần mềm Kahoot và một số phần mềm khác để tạo trò chơi, kiểm tra trắc nghiệm HS ngay tại lớp học… Từ năm học 2016-2017, nhà trường đẩy mạnh trao đổi thông tin liên lạc nhanh chóng, kịp thời với các tổ nhóm chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn trên mạng. Mỗi tổ, nhóm đều có nhóm sinh hoạt trên mạng, Ban lãnh đạo đều là thành viên của tất cả các nhóm này nên kịp thời hỗ trợ, đôn đốc thầy cô. Là đơn vị đầu tiên xây dựng Phòng thực hành STEM (năm học 2017-2018), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nói chung, CNTT nói riêng vào giải quyết các bài toán thực tiễn, truyền cảm hứng đổi mới, sáng tạo cho đội ngũ giáo viên và HS. Nhà trường vinh dự nhận được giải thưởng I-STAR 2019 ở hạng mục giải pháp đổi mới sáng tạo của thành phố do Sở KH&CN TP.HCM trao tặng trong năm học 2019-2020.
Cạnh đó, trường tiếp tục thực hiện sổ điểm điện tử theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM từ năm học 2017-2018. Trong năm học này trường cũng là đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình điểm danh HS bằng vân tay, hiện nay đang dần chuyển qua điểm danh bằng camera nhận diện khuôn mặt. Các cửa ra vào trường (vòng bên trong) đều phải sử dụng vân tay của giáo viên, nhân viên mới mở được (có camera đi kèm). Nhà trường có hệ thống camera an ninh, kiểm tra thường xuyên an ninh trong và ngoài nhà trường trên máy vi tính, điện thoại di động.
Giáo viên sử dụng kính thực tế ảo trong giảng dạy
Ngoài ra, trường đã áp dụng giải pháp quản lý mượn, trả sách tại thư viện bằng mã vạch từ năm học 2018-2019. Nhà trường chủ động đặt hàng viết một số trang web: web hỗ trợ CMHS đăng ký bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn và khai lý lịch HS đầu năm học. CMHS cũng dần dần phải biết sử dụng email trong quá trình giao tiếp với nhà trường; web hỗ trợ công tác tuyển sinh đầu cấp của riêng nhà trường; web hỗ trợ công tác khen thưởng, kỷ luật lớp và từng HS, xuất ra điểm thi đua của từng lớp mỗi tuần.
Từ năm học 2018-2019, đưa vào sử dụng 5 ti vi tương tác ở 2 lớp khối 7, 3 lớp khối 6 và 1 ti vi tương tác tại phòng hội đồng của nhà trường, ứng dụng phần mềm học liệu số 3D Mozabook, Mozaweb trong giảng dạy và học tập rất trực quan sinh động, tạo nhiều hứng thú, động cơ học tập và giảng dạy cho thầy và trò. Từ năm học 2018-2019, nhà trường đưa vào sử dụng hệ thống 27 kính thực tế ảo VR (Virtual Reality) trong các tiết học khoa học, học STEM, đẩy mạnh động cơ học tập của HS, động cơ dạy học của thầy cô. Hiện 100% phòng học của nhà trường có gắn máy chiếu hoặc ti vi tương tác, 100% HS được học các bộ môn khoa học với phần mềm học liệu số 3D Mozabook, Mozaweb. Trang Fanpage của nhà trường https://www.facebook.com/LeQuyDonQ3/ hiện là kênh thông tin nhanh chóng, cập nhật thường xuyên đến CMHS và cộng đồng xây dựng về những hoạt động giáo dục của thầy và trò Trường THCS Lê Quý Đôn Q.3. Từ năm học 2018-2019, nhà trường đã xây dựng nhà kính trồng rau sạch, quản lý bằng phần mềm trên điện thoại. Nhà kính sử dụng hệ thống đèn LED chuyên dụng được cấp điện từ các panel năng lượng mặt trời, tạo nên một vòng khép kín bảo vệ môi trường: năng lượng sạch, phương pháp trồng rau sạch, cho ra sản phẩm sạch, thân thiện môi trường. CLB Robotics + lập trình của trường hoạt động khá mạnh, thường xuyên tham gia các hội thi robotics, lập trình của thành phố. Trong lễ khai giảng năm học 2019-2020, CLB đã giới thiệu Robot Moza biết nhận diện vân tay, biết trả lời các câu hỏi của người sử dụng, biết di chuyển theo sự điều khiển của người sử dụng, tạo được nhiều cảm hứng học tập cho HS.
Trường cũng thúc đẩy việc đóng học phí không dùng tiền mặt, tạo nhiều thuận lợi cho CMHS, góp phần cùng thành phố thực hiện chủ trương khuyến khích không dùng tiền mặt trong các giao dịch tài chính. Đặc biệt, trường hiện đang thực hiện các giao dịch với Kho bạc Q.3 qua phần mềm quản lý riêng, sử dụng chữ ký số. Việc thực hiện rất nhanh chóng, dễ dàng và minh bạch. Hiện nay, trường có 1 máy đo chất lượng không khí do Sở KH&CN trao tặng, quản lý bằng phần mềm PAM Air giúp nhà trường biết được chất lượng không khí, từ đó, có hướng đảm bảo môi trường học đường luôn trong lành, thoáng mát.
Học sinh nhà trường thỏa sức sáng tạo trong phòng STEM
Lãnh đạo nhà trường đã tạo được bầu không khí yêu thích ứng dụng CNTT trong dạy và học, sử dụng có chọn lọc nguồn học liệu số làm cho mỗi tiết học đều rất trực quan, sinh động, hấp dẫn, dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo. Ban lãnh đạo không ngừng thổi ngọn lửa đam mê ứng dụng công nghệ, CNTT vào đội ngũ giáo viên, CMHS và HS, từ đó, huy động được mọi nguồn lực trong và ngoài nhà trường phục vụ công tác dạy, học, góp phần nâng cao chất lượng dạy, học và đào tạo nên những công dân toàn cầu, có đầy đủ kiến thức, thái độ, kỹ năng mà thế kỷ 21 yêu cầu.
Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lớp học thông minh, trường học thông minh, đẩy mạnh các hoạt động e-Learning, m-Learning…; Ứng dụng tối đa CNTT trong quản trị nhà trường (quản trị dạy, học; quản trị các hoạt động hành chính; quản trị tài chính, cơ sở vật chất; quản trị thi đua giáo viên, HS, nhà trường;…). Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho CMHS và cộng đồng như: tra cứu tài liệu từ thư viện online, viết app “Lê Quý Đôn Q3” nhằm hỗ trợ CMHS liên lạc trực tiếp với nhà trường; kiểm tra quá trình học tập, thi đua của HS, của lớp; xin phép nghỉ học; đóng học phí; theo dõi các hoạt động của nhà trường; đặt lịch hẹn làm việc với Ban lãnh đạo, GVCN; đăng ký các dịch vụ của nhà trường; rút hồ sơ, chuyển hồ sơ học tập của HS; tuyển sinh trực tuyến; trích lục điểm số… Về hoạt động quản trị nhà trường, sẽ đầu tư viết thêm các module hỗ trợ quản lý thi đua của giáo viên, của trường; quản lý ngày giờ công của giáo viên; quản lý phân phối chương trình trực tuyến và nội dung giảng dạy của giáo viên; quản lý trực tuyến giáo án của giáo viên; quản lý sổ đầu bài trực tuyến… thông qua hệ thống LMS (learning management system).
TS. Phạm Đăng Khoa
(Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn)
Bình luận (0)