Học trò lớp 47 của tôi đã nhiều lần tặng tôi những bất ngờ thú vị trong tiết sinh hoạt lớp. Hôm thì những tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn, hôm thì những vở kịch được biên đạo vụng về mà đạo cụ là những món quà giả được gói gọn gàng tạo hứng thú cho người xem cũng như cả diễn viên thể hiện.
Ngay từ đầu năm học, cô trò cùng bàn bạc cách đánh giá thi đua các mặt học tập, kỉ luật, tham gia phong trào trong tuần cho mỗi cá nhân bằng những ngôi sao: Màu đỏ cho những em xuất sắc, vàng cho những em phạm từ 1 đến 2 lỗi và xanh là còn lại. Tổ trưởng là người quan sát và đánh giá thi đua trong buổi sinh hoạt cuối tuần. Các thành viên trong tổ, trong lớp có ý kiến phản biện.
Trình tự tiết sinh hoạt như sau: Sau phần nhận xét, đánh giá, các tổ sẽ trình diễn tiết mục văn nghệ của mình. Ngay cả những bài khoa học cũng được các em thể hiện trong tiết sinh hoạt cuối tuần. Đặc biệt tuần trước, đưa ra kế hoạch cho tuần này là ôn tập học kì II, tôi đặt hàng tổ 1 và tổ 4 soạn câu hỏi môn khoa học; tổ 2 môn lịch sử và tổ 3 môn địa lí. Không biết các em thống nhất với nhau lúc nào mà hình thức lại muôn màu muôn vẻ. Tổ 4 và 1 phối hợp gọi bạn lên đọc ghi nhớ rồi đặt câu hỏi cho lớp ôn lại kiến thức trong giới hạn cô giáo cho. Các em còn tổ chức thi đua bốc thăm trả lời giữa bốn tổ. Cũng cho điểm như trò chơi trên truyền hình. Đến lượt tổ 2, sau phần báo cáo thi đua, hai đại diện của tổ lên kiểm tra kiến thức các bạn. Phần thưởng cho câu trả lời đúng sẽ là một món quà thật to, thật ý nghĩa. Cả lớp hồi hộp chờ đợi. Có em trả lời đúng, được khen “giỏi quá”, có em trả lời chưa chính xác, được nhắc nhở “về học lại cho tốt”. Sau những câu hỏi về nguyên nhân, thời gian, kết quả và ý nghĩa của chiến thắng Hai Bà Trưng, Kiều Quyên, cô bé quản trò của tổ, giới thiệu phần trình bày hoạt cảnh “tái hiện” diễn biến cuộc khởi nghĩa ấy. Cũng gươm, đao, chưa đầy một phút nhưng màn diễn đã làm cho cô, trò cười ra nước mắt. Rồi ôn tập bài “Chiến thắng Bạch Đằng do Ngô Quyền lãnh đạo – năm 938” cũng những nội dung như trên nhưng các em thể hiện qua hình thức trắc nghiệm.
Kết thúc phần sinh hoạt của tổ 2, Kiều Quyên bảo các bạn giơ tay thật cao, vỗ 10 cái thật to. Cả lớp làm theo. “Đó chính là phần thưởng cho các bạn!” – Quyên nói. Cả lớp la “Trời” một tiếng thật to nhưng rất hả hê với “hội thi” và phần thưởng của mình.
Để có những tiết sinh hoạt như thế, các em HS đã được học tập trong một môi trường vừa học vừa chơi. Trên thực tế, có lúc chúng tôi phải lấy tiết sinh hoạt tập thể để rèn thêm toán và tiếng Việt cho HS nhưng hoạt động ngoài giờ lên lớp cũng góp phần không nhỏ cho việc củng cố kiến thức hay kĩ năng sống cho các em. Qua sinh hoạt, các em bày tỏ, chia sẻ tâm tư, tình cảm và tự đánh giá nhận xét nhau thẳng thắn, tích cực. Và cũng từ đấy chúng ta, những thầy cô giáo, sẽ có phương pháp giáo dục và dạy dỗ đúng, phù hợp với từng đối tượng HS. Các em phải được vừa học vừa chơi. Từ chơi những trò chơi học tập, các em sẽ lĩnh hội được rất nhiều.
Trần Thị Tuyết Mai
(GV Trường TH Kim Đồng, Gò Vấp, TP.HCM)
Bình luận (0)