Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hãy tạo cơ hội cho trẻ tâm sự

Tạp Chí Giáo Dục

Nói đến em L. HS lớp 4 (trường tôi), không ai không thốt lên: Chuyên gia trốn học và nói dóc. Em có thể suy nghĩ ra hàng loạt nguyên nhân rất hợp lí mà chúng ta có thể thông cảm như vô học trễ thấy cổng đóng nên về, đứng đón xe buýt nhưng xe buýt bỏ chạy trễ quá cũng về, đau bụng quá không đi học nổi cũng ở nhà… Mẹ L. vẫn không phát hiện ra con mình là “chuyên gia” trốn học vì mọi thông tin trao đổi với trường đều là ba em. Đến khi một biến cố xảy ra trong gia đình: ba em bỏ nhà đi, mẹ không đủ tiền đóng học phí. Lúc đó, mẹ L. mới “xuất hiện” ở trường để xin miễn giảm… và mọi chuyện khi đó mới vỡ lẽ ra khi giáo viên chủ nhiệm trao đổi với phụ huynh này. Từ câu chuyện, cho ta thấy nhiều khi đặt niềm tin nơi HS và lắng nghe các em nói để có hướng giải quyết là một trong những biện pháp giáo dục HS, nhưng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình.
Nói đến em Th. (HS lớp 2 của trường tôi) mọi người đều có chung nhận định: Quậy lắm! Và vì quậy lắm nên cái tin tưởng nơi bạn bè đối với Th. không còn nữa, mọi cái nghi ngờ như mất đồ, hay gãy ghế hoặc làm rơi màn… đều hướng về Th. Và khi đi tìm “thủ phạm”, 80% là lỗi do Th. gây ra. Hiện giờ, lớp ít ai chơi với Th. vì Th. chưa thay đổi tính tình. Tôi tìm hiểu thì được biết Th. có khiếu vẽ, thích làm thủ công. Thấy tôi hay hỏi chuyện, Th. rất mừng. Và sau đó, Th. thường hay vẽ, khi thì con mèo, khi thì tô hình công chúa, khi thì làm thiệp, làm dây xúc xích… tặng tôi. Trước mắt, những công việc ấy làm mất nhiều thời gian nên Th. không còn thời gian để “quậy” nữa.
Một HS nữ lớp 2 mách tôi: “Các bạn chơi trò yêu nhau”. Khi tôi hỏi thì em A. đổ thừa em B. rủ, em B. đổ thừa em C. rủ… và cứ như thế đến em thứ 8 thì em Ngh. lớn tiếng “ra lệnh” cho những bạn đang “chưa kịp nhận lỗi” rằng: “Lên đi cô hiệu trưởng không làm gì đâu, đừng sợ!”. Và vì không sợ nên các em vô tư nói: “Các bạn bắt chước trong truyền hình, chơi trốn tìm, nếu tìm được thì hun nhau”. Tôi giải thích: “Bắt chước chơi trốn tìm cũng được nhưng tìm được thì bắt tay nhau chứ đừng hun nha!” (Tôi đã cố tình lái sang chuyện khác vì thật tình trong trò chơi các em không chọn bạn ngẫu nhiên, các em chọn bạn vừa khác giới vừa có cảm tình chứng tỏ có chút gì đó cố ý).
Ở lứa tuổi tiểu học, HS còn hiếu động, ham chơi và hay bắt chước, cái “chưa ngoan” cũng chưa có gì trầm trọng, còn dễ uốn nắn nếu chúng ta biết gần gũi và lắng nghe các em nói để giải quyết cho hợp tình hợp lý. Đối với tôi, giáo dục bằng lời khuyên là biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất việc vi phạm nhân cách HS.
Trần Mỹ Lệ
(Hiệu trưởng Trường TH Linh Đông, Thủ Đức, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)