Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Diễn đàn “Biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?”: Vì sao có những HS chưa ngoan?

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn đào tạo nên những lớp người có đức lẫn tài, các lực lượng trong xã hội cùng chung tay góp sức với ngành GD-ĐT giáo dục đạo đức cho HS. Ảnh: N.A
Đó là một câu hỏi mà các nhà giáo dục, các thầy cô giáo và cả những phụ huynh có tâm huyết, có trách nhiệm với con cái mình day dứt, trăn trở.
Theo tôi, trong việc giáo dục đạo đức học sinh (HS), yếu tố gia đình là quan trọng bậc nhất. Không lí gì các nhà giáo dục học lại đặt vai trò của gia đình lên trước vai trò của nhà trường và xã hội. Ông bà ta thường nói: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Nhiều người cho rằng câu trên chỉ đúng một nửa, là “vơ đũa cả nắm”. Đành rằng có những em sinh ra trong một gia đình lục đục, cha mẹ đánh chửi nhau như cơm bữa nhưng con cái vẫn vượt lên để học tập và thành đạt. Ở quê tôi có một gia đình cha mẹ bất hòa, quanh năm cãi vã, họ định kéo nhau ra tòa nhưng nhờ ba cô con gái quá ngoan và học giỏi (có giải HS giỏi quốc gia) nên đã từ bỏ ý định li dị. Trường hợp tôi nêu ra không phải là nhiều.
1. Ngày nay tình trạng đạo đức HS xuống cấp đã đến mức báo động. Có nhiều HS đang học phổ thông cũng kéo nhau đi từng đoàn, uống cà phê, hát karaoke suốt đêm. HS nam thì không nói làm gì, ngay cả HS nữ cũng tổ chức thành từng nhóm để đánh lộn, rồi tung lên mạng những tấm hình ăn mặc hở hang thì chúng ta cần xem lại cách quản lí của gia đình và cộng đồng. Hiện tượng HS nữ say rượu nhảy nhót, đánh nhau không còn hiếm nữa. Ở huyện tôi, có một trường THCS nọ (xin giấu tên) có 3 HS lớp 9 đem điện thoại di động đến lớp chụp ảnh ghép mặt bạn vào những thân hình khỏa thân khác rồi tung lên mạng internet. Tai hại hơn có em còn tải cả phim “đen” xuống điện thoại di động rồi đem đến lớp mở cho các bạn xem. Tìm hiểu, tôi mới biết bố em là một “đại gia” và cũng là một “chuyên gia” đánh bạc. Rõ ràng người lớn đã nêu một tấm gương xấu cho con mình soi vào đó. Chính sự chiều chuộng con cái thái quá đã dẫn đến những hậu quả mà gia đình không thể lường trước được. Trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về các bậc làm cha làm mẹ.
Tôi xin kể câu chuyện có thật. Vào năm học được một tháng thì Ban giám hiệu chuyển tôi sang dạy toán ở một lớp khác. Buổi đầu tiên đến lớp, tôi nghe tiếng nhạc. Ban đầu tôi tưởng là tiếng loa công cộng của xóm bên vọng lại, nào ngờ bước xuống bàn cuối tôi mới phát hiện ra một cậu HS đặt điện thoại di động dưới gầm bàn. Tôi nhẹ nhàng “xin” cậu chiếc điện thoại. Cậu ta ôm chặt khư khư lấy chiếc điện thoại trước bụng. Tôi bảo: “Nếu em thích nghe nhạc quá, xin mời em mang ra ngoài sân mà nghe”. Ai ngờ cậu ta gật đầu mấy cái rồi nhìn các bạn, nói to ra vẻ ta đây “anh hùng” lắm. “Càng tốt! Em sẽ đến quán chơi bi-da. Rồi thầy phải hối hận, thầy phải đến nhà em vận động đi học cho mà coi”. Cậu ta dương dương tự đắc bước ra khỏi lớp. Tôi hỏi lớp: “Tại sao tiết sinh hoạt các em không có ý kiến gì”. Cậu lớp trưởng trả lời: “Giờ nào bạn ấy cũng quậy thế đó thầy ạ. Bố bạn ấy ngày nào cũng say rượu. Ông ấy vác dao đòi chém cả làng”. Trong hai tháng, cả lớp bị bẻ gãy mất sáu cái thước. Lớp trưởng báo cho tôi biết do một em khác phá. Trao đổi với giáo viên chủ nhiệm thì cô lắc đầu ngán ngẩm: “Em hết cách rồi thầy ạ. Bố em ấy còn mát nặng hơn em ấy nữa”. Tôi đem vấn đề này ra thảo luận với các đồng nghiệp. Một cô giáo ở xã khác về dạy ở làng tôi cười chua chát: “Vì sao HS chưa ngoan ư. Bởi vì bố mẹ chúng có ngoan bao giờ mà đòi hỏi chúng ngoan”.
2. Nói gì thì trách nhiệm cuối cùng cũng đổ lên đầu nhà trường – cơ quan trực tiếp làm công tác giáo dục. Người chịu trách nhiệm trực tiếp giáo dục đạo đức lại là giáo viên chủ nhiệm. Thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Hai không” thì HS bỏ học nhiều. Mà muốn đảm bảo tiêu chí phổ cập, muốn HS “thân thiện” thì biết lấy gì “cấy” vào sổ điểm để cuối năm đạt 95% HS lên lớp. Theo dõi phong trào hoạt động Đội nhiều năm tôi thấy những giáo viên chủ nhiệm vất vả và đáng thương hơn cả. Họ có vai trò rất lớn trong việc giáo dục con trẻ nên người. Lớp nào giáo viên chủ nhiệm xây dựng được nền nếp tự quản, thực hiện tốt tiết sinh hoạt cuối tuần thì tình hình đạo đức ở lớp đó hơn hẳn các lớp khác. Thế hệ chúng tôi ngày xưa học trong nhà hầm, trên bom dưới đạn mà vẫn duy trì đều đặn việc học tổ, học nhóm. Các tổ bình bầu đạo đức vào ngày thứ sáu, để thứ bảy đưa ra bình xét trước lớp. Cảm động biết bao khi có những bạn bị phê bình hôm trước thì hôm sau cùng dân quân đi cứu bà con sập hầm mà bị hi sinh.
Ngày nay các em có đời sống vật chất đầy đủ, lại được sống thanh bình, được thừa hưởng một nền giáo dục tiến bộ với những công nghệ thông tin hiện đại. Nhưng một bộ phận người lớn của chúng ta đã tập “hư” cho các em. Có khi các em “hư” ngay từ trong nhà trường. Nếu không có những hội đồng thi tốt nghiệp “bao” các giám thị để lấy bài ngoài vào, nếu không có giáo viên chấm bài khảo sát học kì bằng bút nhiều màu thì làm sao các em có điều kiện để mà “hư” được. Còn đối với xã hội, ngày nay nếu người lớn quản lí tốt các quán internet, cấm được những bộ phim đồi trụy, những cảnh chém giết của xã hội đen thì làm sao len lỏi vào được những tâm hồn trong trắng của các em. Nếu ta xây dựng phong trào “Trường học thân thiện HS tích cực” mà trước cổng trường có một quán điện tử chứa chấp các em bỏ học suốt ngày đêm thì làm sao mà HS ngoan được.
Muốn xây dựng được một trường học thân thiện, muốn xây dựng được một xã hội học tập, đào tạo nên những lớp người có cả đức lẫn tài, các lực lượng trong xã hội cần góp sức chung tay trong việc giáo dục đạo đức cho HS.
Tham gia diễn đàn “Biện pháp nào giáo dục HS chưa ngoan?”, tôi xin mượn lời của Bác Hồ để kết luận: Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”.
Hoàng Minh Đức (Quảng Bình)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)