Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đối với chữ viết thì sự ổn định là cần thiết

Tạp Chí Giáo Dục

“Giáo dục” thành “záo zụk”, “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt” là những đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và phương pháp dạy học phổ thông. Những đề xuất cải tiến trên ngay sau khi “ra mắt” đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhiều người…

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Điện Biên (Q.10, TP.HCM) tập đánh vần tiếng Việt. Ảnh: N.Trinh

Giáo dục TP.HCM xin giới thiệu bài viết của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm – Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học – về vấn đề này.

Đề xuất từ những bất hợp lý

Theo tôi, nhìn ngược lại lịch sử, vào cuối thế kỷ XIX, một số học giả người Pháp đã đặt vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ. Sau đó vào đầu thế kỷ XX, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã nêu lại vấn đề này trên tờ Trung Bắc Tân Văn. Sang đến những năm 50-60 của thế kỷ XX, ở cả miền Bắc và miền Nam đã có nhiều đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ. Vào những năm 70 tiếp tục có nhiều hội thảo bàn về chuẩn mực hóa chính tả và thuật ngữ khoa học. Đến những năm 90 thỉnh thoảng vẫn có những ý kiến đề xuất về vấn đề này. Tuy nhiên, cho đến nay không có một cuộc cải tiến chữ Quốc ngữ nào được thực hiện dù đã có rất nhiều đề xuất được đưa ra.

Tôi cho rằng những vấn đề mà PGS.TS Bùi Hiền đề xuất không có gì mới, còn những giải pháp mà ông đưa ra thì rối rắm hơn các đề xuất trước đó rất nhiều. Vì vậy việc những ngày qua có nhiều người, trong đó có các vị phụ huynh và học sinh, lo lắng sắp có một cuộc cải tiến chữ viết, lại sắp có sự xáo trộn trong giáo dục nhưng với kinh nghiệm của mình, tôi tin tưởng rằng sẽ không có một thay đổi nào về chữ viết cả. Ý kiến của PGS.TS Bùi Hiền nêu ra chỉ là một quan điểm cá nhân để giới khoa học xem xét. Tôi tin rằng phần đông các nhà ngôn ngữ học cũng như các nhà quản lý giáo dục sẽ không đồng tình và chắc chắn nó sẽ chưa đi đến đâu cả. Tuy nhiên, tôi thật sự cảm thấy bất bình về những ý kiến miệt thị, xúc phạm, công kích công trình khoa học cũng như cá nhân PGS.TS Bùi Hiền.

PGS.TS Bùi Hiền vốn là một nhà Nga ngữ học. Dù rằng giảng dạy và nghiên cứu tiếng Nga là thuộc về ngôn ngữ học ứng dụng thì cũng không thể nói rằng PGS.TS Bùi Hiền là người không biết gì, rằng đề xuất của ông là không có cơ sở khoa học.

Những đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền căn cứ trên một số điều được gọi là bất hợp lý của chữ Việt, ví dụ việc một âm vị được biểu đạt bằng hai hoặc ba chữ cái ghép lại, cùng là một âm nhưng được thể hiện bằng nhiều chữ cái hoặc tổ hợp chữ cái khác nhau (như i/y, tr/ch, d/gi, k/c/q, ng/ngh, g/gh…). Những điều này các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đã đề cập từ rất lâu. Trong chương trình Ngữ âm của bộ môn ngôn ngữ, sinh viên cũng đã được cung cấp những kiến thức và bất cập này. Thế cho nên, cơ sở để đưa ra đề xuất như vậy không phải là không có. Nhưng việc thay đổi chữ Quốc ngữ liên quan đến rất nhiều vấn đề chứ không chỉ đơn thuần là tính lôgic thuần túy. Chữ viết tiếng Anh so với cách phát âm của tiếng Anh còn bất hợp lý hơn gấp nhiều lần so với chữ Quốc ngữ của chúng ta. Chữ và tiếng Pháp cũng vậy. Thế kỷ XIX, nhiều người cũng từng đặt vấn đề cải tiến chữ Anh, chữ Pháp, ấy thế mà rồi tất cả vẫn phải giữ nguyên. Điều này không phải là không có lý do của nó.

Về mặt khoa học, đề xuất này liên quan đến mâu thuẫn giữa một bên là tính biến động của ngôn ngữ với bên kia là tính ổn định của chữ viết. Ngôn ngữ vốn luôn luôn biến động, luôn luôn thay đổi, trong khi chữ viết thì đứng yên. Do vậy ngôn ngữ nào cũng có tình trạng bất hợp lý về chữ viết so với cách phát âm, không riêng gì tiếng Việt. Nếu bây giờ chúng ta thay đổi để tối ưu hóa chữ Quốc ngữ, thì rồi vài chục năm sau đề xuất hôm nay cũng sẽ lại trở nên không hợp lý, lỗi thời. Vậy liệu lúc đó chúng ta có tiếp tục cải tiến nữa, có tiếp tục thay đổi nữa hay không?

Tôn trọng vùng miền và văn hóa

Chữ viết không chỉ thay đổi hàng ngày, hàng giờ theo trục thời gian mà còn có sự khác biệt giữa các vùng miền theo trục không gian. Nếu người miền Bắc không phân biệt được “tr/ch/gi” thì người miền Trung và một số tỉnh phía Nam lại phân biệt rất rõ. Do đó, nếu đề xuất này phù hợp với miền Bắc thì sẽ không phù hợp cho miền Nam. Đặt vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ “dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn” là thiếu tôn trọng các vùng miền khác. Đã qua từ lâu rồi cái thời tư duy theo kiểu áp đặt lấy giọng Thủ đô làm chuẩn mực cho cả nước. Đối với Việt Nam điều đó càng không đúng bởi vì nước ta trải dài với 3 miền văn hóa khác nhau. Không phải ngẫu nhiên mà cả trong những năm tháng chiến tranh lẫn hiện nay, Đài tiếng nói Việt Nam và Đài truyền hình ở cả Hà Nội lẫn TP.HCM đều luôn có giọng đọc của cả hai miền Nam – Bắc.

Sự phân biệt chính tả và phát âm “tr/ch/gi” tưởng như rắc rối vô nghĩa nhưng sẽ giúp giáo viên dạy học sinh cách phân biệt được nghĩa của các từ ngữ, nguồn gốc của từ ngữ được dễ dàng hơn. Ngay cả trong tiếng Bắc thì âm [za] trong “da thịt” có ý nghĩa và nguồn gốc khác hẳn với [za] trong “gia đình”, và việc phân biệt bằng chữ viết sẽ giúp hiểu và nhớ điều này dễ hơn rất nhiều.

Việc viết chữ như thế nào suy cho cùng chỉ là quy ước. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nó đã trở thành tài sản văn hóa của dân tộc. Người Việt Nam bao thế hệ đã quen với cách viết như vậy rồi, hình hài của chữ viết đã đi sâu vào tiềm thức con người. Bởi vậy, về mặt văn hóa, bất kỳ một cách viết nào khác nếu được áp dụng sẽ gây khó chịu, gây phản cảm. GS. Cao Xuân Hạo từng nói đại ý rằng khi người ta đã có nhiều thế kỷ để quen với diện mạo văn tự của các từ ngữ, thì diện mạo ấy sẽ trở thành cái hồn của chữ nghĩa, và “mọi mưu đồ cải cách đều là một sự xúc phạm đến truyền thống văn hóa”.

Đảm bảo tính ổn định của chữ viết

Về mặt kinh tế, đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền nếu áp dụng cho các em bé vào lớp 1 thì không khó khăn gì, nhưng sẽ là vấn đề rất lớn đối với gần 100 triệu người Việt Nam còn lại. Ví như một đoạn trong văn bản Luật Giáo dục mà ông đưa ra nếu không có bản dịch phía dưới chắc chắn sẽ có rất nhiều người không đọc được. Có nghĩa rằng đây sẽ là một thứ chữ viết mới, và chúng ta lại phải đi học thêm thứ chữ viết mới này. Toàn bộ sách vở, văn chương, khoa học phải dịch và in lại toàn bộ. Số tiền tiết kiệm được từ việc rút 38 chữ cái xuống còn 31 chữ của PGS.TS Bùi Hiền liệu có bù đắp được không? Hay là ngược lại, sự thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều lần?

“Tôi không hề bất ngờ với những đề xuất như thế này nếu không muốn nói là đã quá quen vì việc cải tiến chữ Quốc ngữ người ta đã đưa ra rất nhiều ý kiến từ hơn một thế kỷ nay”.

Về sự tiện lợi, kết quả cũng là ngược lại. Các quốc gia trên thế giới từng tiến hành cải cách chữ viết đều có vấn đề được/mất tương tự. Chúng ta biết chữ viết truyền thống của Trung Quốc là chữ phồn thể, rất nhiều nét và khó nhớ. Vì vậy vào những năm 50, nước này đã chấp nhận chữ Hoa giản thể, giảm bớt các nét đi cho gọn lại. Và rồi những người đã biết chữ đều đã phải học lại từ đầu; đến nay người ta vẫn luôn phải dùng từ điển để chuyển đổi từ phồn thể sang giản thể và ngược lại. Cộng với chữ Hoa phiên âm La-tinh nữa thì một người học tiếng Trung Quốc gần như phải học đến ba thứ chữ viết khác nhau. Cho nên, việc thay đổi chữ viết, không phải cứ muốn là được, vì mọi sự thay đổi ở đây sẽ dẫn đến việc đảo lộn trong rất nhiều lĩnh vực và kéo theo vô số hậu quả phức tạp.

Không cần những cải tiến lớn, mang tính đảo lộn

Nếu là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ am hiểu sâu sắc vấn đề thì sẽ không bao giờ đưa ra một đề xuất cải tiến chữ viết mang tính đảo lộn; nếu là một nhà quản lý dày dạn kinh nghiệm thì cũng sẽ không bao giờ chấp nhận một đề xuất cải tiến chữ viết mang tính đảo lộn.

Trong một số lĩnh vực thì sự đổi mới là cần thiết nhưng đối với một số lĩnh vực như chữ viết, tiền tệ, giáo dục… thì sự ổn định là cần thiết hơn, bởi việc thay đổi một cách thiếu thận trọng thường dẫn đến những hậu quả rất tồi tệ. Trong lĩnh vực tiền tệ, khi kinh tế lạm phát, việc đổi tiền (bỏ bớt đi các số không phía sau) là dễ dàng và giúp giao dịch gọn gàng, nhưng sẽ gây nên tổn thất và rối loạn về nhiều mặt. Trong lĩnh vực giáo dục, việc cải cách liên miên cũng gây rối loạn cả về tinh thần, tổ chức, và tổn thất về kinh tế. Trong lĩnh vực chữ viết cũng vậy. Chữ viết đã trở thành một phần của văn hóa, đây chính là lý do vì sao trong suốt hơn một thế kỷ không có một đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ nào được thực hiện. Đó cũng là lý do vì sao chữ Anh bất hợp lý hơn chữ Việt rất nhiều lần mà đến nay vẫn được tất cả các nước nói tiếng Anh tiếp tục duy trì.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)