Một số nhà quản lý giáo dục cho rằng, hệ thống trường đại học (ĐH) ở Việt Nam đang chồng chéo, sinh ra cảnh “một cổ hai tròng”, trong trường lại có trường và dưới sự quản lý của Bộ GD& ĐT.
Mô hình trong trường lại có trường đang gây lúng túng trong quản lý. |
Góp ý dự thảo lần thứ tư Luật Giáo dục đại học (GDĐH), GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nói: “Chúng ta còn lúng túng về cái danh của các trường ĐH. Nào là hệ thống ĐH có nhiều thành viên, nào là hệ thống trường cao đẳng (CĐ). Không thống nhất tên gọi. Có trường gọi là CĐ nghề… Những cái đó cần phải thống nhất trong luật”.
Rắc rối
Theo ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, dự thảo luật phải có riêng một phần để nói về ĐH 2 cấp thì mới khẳng định được vị thế pháp lý của các ĐH vùng và ĐH quốc gia (QG). Luật cũng phải phân định chức năng nhiệm vụ rõ hơn giữa cơ quan ĐH cấp trên đến các trường thành viên để việc quản lý được dễ dàng hơn.
Về hệ thống ĐH, theo ông Vui, ngày nay không gọi là ĐH vùng nữa mà gọi là ĐH và không có chữ “trường”. Từ năm 1994 nước ta đã thành lập các ĐH vùng trên cơ sở hợp nhất các trường ĐH thành một ĐH đa ngành, đa lĩnh vực. “Sau khi hợp nhất, nếu biến các ĐH con thành khoa thì đỡ phức tạp hơn. Nhưng nay, trong các ĐH vẫn duy trì trường ĐH thành viên, độc lập như các trường bên ngoài”.
Hệ thống trường ĐH, CĐ của VN hiện có 2 ĐHQG là ĐHQG TPHCM, ĐHQG HN; các ĐH vùng: ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế; các trường ĐH khác và hệ thống các trường CĐ.
|
Theo ông Vui, Đại học Quốc gia (ĐHQG) và ĐH vùng là cơ quan quản lý nhà nước, điều hành và điều phối các trường thành viên nên phải có vị thế riêng, cao hơn trường ĐH bình thường. Còn ĐH vùng hiện nay “không hơn gì ĐH thường!”. Tuy nhiên, thay đổi đột ngột sẽ tốn kém và ảnh hưởng tâm lý chung.
“Tốt nhất là dự thảo luật viết thêm một chương riêng cho những trường ĐH lớn có trường thành viên và phải nói rõ cơ sở pháp lý quy định các trường ĐH lớn và trường ĐH thành viên phải làm gì. Phải thể hiện được quyền lực và sự lãnh đạo của trường ĐH cấp trên chứ không phải theo kiểu ghép chung các trường thành một hợp tác xã rồi mỗi người ngoảnh đi một nẻo”, ông Vui đề xuất.
“Kiểu quản lý như hiện nay khiến các trường thành viên chịu cảnh một cổ hai tròng, nằm dưới sự quản lý của cả Bộ GD& ĐT lẫn trường cấp trên”.
Cần cơ quan kiểm định độc lập
Tuy nhiên, theo GS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQG HN, hệ thống trường ĐH, CĐ của VN là hoàn toàn bình thường. Bởi các nước có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ, Pháp đều có trường ĐH trong ĐH; viện trong viện hoặc học viện trong trường ĐH…
Ông Nhuận dẫn chứng trường ĐH California (University of California, ở Mỹ ) có 10 trường ĐH (University) thành viên; trong mỗi trường thành viên đó lại có các trường cao đẳng (colleges), trường (school) hoặc khoa.
Theo GS Nhuận, sự phân tầng đó là bình thường và không nên lệ thuộc vào câu chữ mà quan trọng hơn là nội hàm của nó. Ở các nước quản lý trường ĐH thông qua hệ thống các cơ quan kiểm định chất lượng, độc lập với bộ quản lý giáo dục. Bộ thừa nhận và cấp giấy phép hoạt động, còn trường phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật, xã hội và cơ quan kiểm định chất lượng.
GS Nhuận cho rằng, việc cần làm là hoàn thiện hệ thống, trao quyền tự chủ cho các trường, hình thành cơ quan kiểm định chất lượng có năng lực, khách quan và độc lập.
Hồ Thu / TPO
Bình luận (0)