Tiến sĩ Đinh Phương Duy tại một buổi hội thảo. |
Gần đây liên tục xảy ra tình trạng bạo hành học đường, có khá nhiều video clip nữ sinh đánh bạn học đượ đăng tải trên mạng. Tình trạng này gây sốc trong giới phụ huynh và sự lo lắng đối với các nhà quản lý giáo dục.
– Tình trạng bạo hành học đường không phải chỉ xảy ra mấy tuần vừa qua mà đó là một vấn đề khá nghiêm trọng xuất hiện từ nhiều năm nay nhưng với những mức độ khác nhau và phải đến khi có clip nữ sinh đánh bạn được tung lên mạng thì mọi người mới quan tâm. Thực ra nếu có những cảnh báo sớm hơn, quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này thì có lẽ tình hình có thể chưa đến nỗi trầm trọng đến như vậy.
Có thể nếu không có clip nữ sinh đánh bạn thì có khi vấn nạn bạo lực học đường cũng chỉ là vấn đề “khá nghiêm trọng” trong nhận thức của nhiều người mà thôi và dĩ nhiên nó cũng chỉ được khơi dậy nếu có sự cố nào đó quá đáng như sự cố trên clip vừa qua. Việc các bậc phụ huynh sốc và các nhà quản lý giáo dục lo lắng cũng dể hiểu bởi lẽ họ không thể tưởng tượng được điều xảy ra như thế và họ đang cảm thấy “bất lực” trước tình trạng này, họ cảm thấy chính mình hình như cũng đang bị… bạo lực tấn công.
Tôi nghĩ rằng đã đến lúc mọi người, đặc biệt là các lực lượng giáo dục cần có sự thống nhất cần thiết để chung tay hợp tác, góp phần ngăn chặn và hạn chế tình trạng bạo lực học đường.
Các bậc cha mẹ cho rằng do nhà trường không quản lý tốt, còn nhà trường lại quy trách nhiệm do gia đình không giáo dục con cái dẫn đến con cái hư hỏng. Nhưng do đâu thì vẫn là do lỗi của người lớn
– Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng nguyên nhân làm tình trạng bạo lực học đường có khuynh hướng gia tăng không chỉ từ nhà trường hay gia đình mà còn vì nhiều vấn đề khác, trong đó người lớn cũng đã có phần không nhỏ. Người lớn ở đây là nói về người lớn cả trong gia đình, trong xã hội và trong cả nhà trường. Có thể phân tích một số nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này như sau.
Về phía xã hội: Hiện nay các giá trị xã hội đang thay đổi, các bạn trẻ lại chưa được giáo dục giá trị một cách bài bản và do đó, một bộ phận không nhỏ đang có khuynh hướng khủng hoảng giá trị, tiếp thu các giá trị ảo, không phù hợp với chuẩn mực của xã hội. Trong trường hợp này, người lớn có vai trò gì trong việc định hướng và giáo dục giá trị?
Mặt khác, môi trường xã hội có những tác động nhiều chiều vào nhận thức và tình cảm của các bạn trẻ, trong đó có một số tác động tiêu cực hình thành nên cách sống “an toàn là trên hết” vì họ cảm thấy thiếu an toàn và do đó họ có những phản ứng tự vệ hơi thái quá vì thiếu kỹ năng và điều đó trở thành một thói quen ứng xử họ cho là bình thường. Ở một góc độ khác, các bạn trẻ ngày nay được đánh giá quá cao, thậm chí một vài trường hợp quá đề cao làm cho họ ngộ nhận về bản thân mình và xem thường người khác, xem thường các giá trị truyền thống và có những hành vi vượt ngưỡng cho phép.
Trong một số trường hợp, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, các bạn trẻ quan sát, chứng kiến điều trái tai gai mắt không được xử lý nghiêm túc, một bộ phận cho rằng, người có tiền có thể mua được nhiều thứ, thậm chí mua được sự an toàn, do vậy họ cậy thế, ỷ lại vào sự “bảo kê” của một ai đó và họ cứ hành động theo sở thích và theo cảm xúc của mình. Chính điều này đã làm cho một số bạn trẻ mất niềm tin về cuộc sống, mất niềm tin về điều thiện và thử đi tìm một cách thức ứng xử “khác thường”.
Hơn nữa, chúng ta đang cổ suý tự do nhưng môi trường tự do có khi thái quá, nhất là trong các lĩnh vực “nhạy cảm” với bạn trẻ như tiếp cận với các ấn phẩm văn hoá, tự do tìm kiếm thông tin sex, tự do uống rượu bia… đã làm các bạn cảm thấy mình được tự do sống “sành điệu”, thể hiện cảm xúc một cách không kiểm soát và đánh nhau như một liệu pháp giải toả căng thẳng.
Về phía nhà trường: Do nhiều lý do, cho đến nay, áp lực về việc cố gắng hoàn thành chương trình vẫn còn gây khó khăn cho quý thầy cô trong việc đa dạng hoá các hình thức dạy học nhằm mục tiêu “giáo dục con người”, việc dạy chữ vẫn còn phổ biến hơn là dạy người. Và cũng vì nhiều lý do, môi trường sư phạm một số nơi chưa được bảo đảm có khi gây phản cảm với học sinh như việc buôn bán lẫn lộn.
Đinh Phương Duy, sinh năm 1959. |
Đặc biệt một số giáo viên chưa gương mẫu, tác phong thiếu nghiêm túc, có những hành vi xúc phạm học sinh, thậm chí xâm hại học sinh, hiện tượng đối xử không công bằng đối với các em đã làm nhiều em bức xúc và quậy phá là một hình thức “xả xupáp”. Lâu rồi thành thói quen, phá phách và đánh nhau là một hình thức “cân bằng” căng thẳng.
Về phía bản thân các bạn trẻ: Vì định vị bản thân không rõ ràng, đôi khi quá cường điệu hoặc quá mặc cảm về mình mà trở nên mất phương hướng và hành động một cách thiếu cân nhắc. Một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ chưa quan tâm nhiều đến các vấn đề xã hội sâu sắc, ít hiểu biết về luật và thiếu kỹ năng sống, kỹ năng thích ứng với tình huống dẫn đến hành động nông nổi.
Gia đình đóng vai trò quan trọng trong giáo dục con cái, nhưng một bộ phận rất lớn cha mẹ chạy theo công việc, tiền bạc, chức tước nên không dành thời gian dạy dỗ con cái. Nhiều gia đình thiếu hẳn bữa cơm đầy đủ các thành viên, cha mẹ không có sự chia sẻ, giáo dục con cái thông qua bữa cơm gia đình hay các sinh hoạt đầm ấm khác. Theo tiến sĩ thì con người hiện đại có nguy cơ thiếu sự giáo dục gia đình hơn không?
– Gia đình có vai trò quan trọng trong việc giáo dục và hoàn thiện nhân cách vì gia đình có những điều kiện mà các môi trường giáo dục khác không có. Hiện nay, một số gia đình “khoán trắng” việc giáo dục con em mình cho nhà trường vì họ cho rằng mình không đủ thời gian cho công việc thì làm sao có thì giờ dạy con.
Thật ra, nếu thực sự quan tâm đầy đủ đến việc giáo dục con cái thì ai cũng có thể sắp xếp được thời gian. Nhiều người ngụy biện rằng vì con nên họ phải làm việc cật lực để có tiền.
Do đó cha mẹ, con cái mỗi người một nơi, các con không hưởng được “phúc lợi gia đình” từ lòng yêu thương của cha mẹ, các con không nhận được những cú hích tình cảm thần tiên từ cha mẹ, do vậy mối liện hệ gia đình trở nên lỏng lẻo và các giá trị đáng lý ra được vun đắp, củng cố từ gia đình trở nên xa vời với các bạn trẻ và sự hụt hẫng ấy có thể là nguồn gốc sâu xa của việc đánh nhau để biết mình đang… tồn tại, đánh nhau để mọi người phải quan tâm đến mình. Tất nhiên, điều đó có thể đã được chìm lắng trong vô thức của các bạn và có dịp là bùng nô.
Nhiều người đã không gương mẫu trong gia đình, không thể hiện đầy đủ vai trò của cha của mẹ, có những hành xử không phù hợp chuẩn mực trong quan hệ với nhau, với hàng xóm và với các quy tắc ứng xử xã hội, điều đó làm các bạn trẻ tri giác lệch lạch và có thể bắt chước làm theo một cách vô tình, dần dần trở thành thói quen ứng xử…
Vấn đề quan trọng nữa là các bậc cha mẹ thương con nhưng lại thiếu kỹ năng giáo dục nên đôi khi phản tác dụng. Con cái trở nên ngỗ nghịch, ích kỷ. Một điều quan trọng cần chú ý là bên cạnh các tác động từ gia đình nhà trường và xã hội, có nhiều mối nguy hiểm khác có thể đe doạ sự phát triển nhân cách của giới trẻ, đó là tâm lý sống thực dụng, sống hưởng thụ không giới hạn, tâm lý cá nhân trên hết, tâm lý sòng phẳng đến lạnh lùng của nhiều người đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhận thức xã hội của các bạn trẻ và biểu hiện vô cảm là một dấu hiệu của điều đó.
Chúng ta có lối giáo dục tuyên truyền, đưa nhiều tấm gương để bắt học sinh noi theo nhưng liệu những bài học đó có tác động và hiệu quả gì đối với lứa tuổi các em, hay chúng ta cần các biện pháp giáo dục khác như xây dựng lại các môn về giáo dục công dân, tâm lý lứa tuổi?
– Giáo dục là một quá trình cần có sự phối hợp nhịp nhàng từ nhiều phía, đã có nhiều biện pháp giáo dục xuất phát từ lòng yêu thương trẻ, xuất phát từ ý thức trách nhiệm của người lớn nhưng về phương pháp, đôi khi chúng ta đã chủ quan và áp đặt, có lúc mang tính hình thức. Việc nêu gương người tốt việc tốt là điều rất cần thiết và nên làm thường xuyên nhưng cần có chọn lọc và các tấm gương phải thể hiện ở nhiều mặt của cuộc sống, chú ý đến những giá trị sống gần gũi với tâm lý bạn trẻ.
Hơn nữa người lớn cần hiểu các bạn trẻ nhiều hơn để biết họ nghĩ gì, muốn gì, thích làm điều gì và làm như thế nào nhằm có những tác động giáo dục phù hợp, không gây căng thẳng, không làm mất cân bằng đời sống tinh thần và quan trọng nữa là đối xử với các bạn trẻ như những thực thể giá trị trong những chừng mực nhất định để phát huy tinh thần trẻ trung trong họ.
Cải tiến nội dung chương trình giảng dạy đạo đức trong trường phổ thông là điều có thể cân nhắc theo hướng quan tâm nhiều hơn đến những nét đẹp trong ứng xử giữa người với người trong gia đình, trường học và trong cuộc sống, giáo dục lòng tự hào dân tộc với các truyền thống hiếu học, nhân ái, bao dung.
Việc giáo dục đạo đức cần quan tâm nhiều hơn về phương pháp giảng dạy, làm sao cho các em có đời sống tâm hồn, biết yêu biết ghét, biết đúng biết sai, biết xấu hổ và tự trọng, biết khiêm nhường và tự tin, biết say mê nhưng có giới hạn.
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Theo Lao Động
Bình luận (0)