Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2009: Điểm thi thấp, tuyển sao cho vừa?

Tạp Chí Giáo Dục

15 điểm có thể trúng tuyển vào nhiều ngành của ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM); 13, 14 điểm trúng tuyển vào ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Dù đã được dự báo trước nhưng không thể ngờ điểm thi tuyển sinh lại thấp đến ngỡ ngàng.

Thí sinh xem điểm thi tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) sáng 30-7. – Ảnh: NHƯ HÙNG
Đến thời điểm này phần lớn trường ĐH, học viện đã công bố điểm thi. Vẫn có một số ít trường lượng thí sinh đạt điểm cao tăng lên, vẫn có những thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Nhưng diện mạo điểm thi ở đa số các trường nhìn chung không mấy sáng sủa. Với những trường được coi là “tốp dưới” hoặc trường địa phương, tình hình còn nghiêm trọng hơn.
Trông ngóng NV2

Thí sinh đạt 15 điểm trở lên giảm 1/2

Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), số thí sinh đạt trung bình 4 điểm/môn trở lên giảm rõ rệt. Nếu như năm 2008, số thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên gần 6.000 thí sinh, năm 2009 con số này chỉ còn hơn 2.200. Và số thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên cũng chỉ bằng phân nửa so với năm 2008.
 Một trường khác được rất nhiều thí sinh quan tâm là Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, lượng thí sinh đạt điểm cao cũng ít hơn rất nhiều so với năm 2008. Số thí sinh đạt 13, 14 điểm đều giảm phân nửa so với số thí sinh đạt cùng mức điểm như trên trong năm 2008.

 ĐH Tiền Giang là một trong những trường ĐH công bố kết quả thi khá sớm. Trái với sự háo hức của nhiều người, trong hơn 4.000 thí sinh dự thi của trường chỉ có 700 thí sinh đạt từ 11 điểm trở lên. Số thí sinh đạt từ 12, 13 điểm trở lên càng ít hơn. Trong khi cách đây một năm, cũng với tổng số thí sinh tương tự, ở mức điểm 11 trường có 1.000 thí sinh đạt được.

Không còn cách nào khác, ông Huỳnh Tấn Lợi, giám đốc trung tâm khảo thí và bảo đảm chất lượng, đưa ra dự báo: “Điểm chuẩn trúng tuyển các ngành của trường sẽ bằng hoặc thấp hơn năm 2008 và hầu hết sẽ bằng điểm sàn chung”. Và cho dù xác định điểm chuẩn ở mức thấp nhất có thể trường cũng không thể tuyển được số lượng thí sinh như mong muốn. Ông Lợi tính toán: “Trường sẽ tiếp tục xét tuyển NV2 và xin vận dụng quy định nới rộng khoảng cách điểm ưu tiên để hi vọng tuyển đủ chỉ tiêu”.
Một trường ĐH khác “bi đát” không kém là Trường ĐH Phú Yên. Trong tổng số thí sinh dự thi chỉ có tám thí sinh đạt tổng điểm thực từ 15 trở lên. Ông Đinh Lăng, trưởng phòng đào tạo nhà trường, thận trọng: “Nếu điểm sàn không thay đổi so với năm 2008, trường chỉ có thể tuyển được tối đa chừng 20-25% chỉ tiêu đối với NV1”. Phần còn lại của chỉ tiêu, ông trông chờ vào việc xét tuyển NV2.
Không chỉ những trường có số lượng thí sinh dự thi ít, ngay cả Trường ĐH Tây nguyên với hơn 20.000 thí sinh dự thi, lượng thí sinh khả dĩ có thể tham gia xét tuyển cũng thấp đến bất ngờ. Tổng số thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên chỉ ở khoảng 2.500, nhiều hơn chút ít so với tổng chỉ tiêu tuyển 2.250 sinh viên của trường. Số đạt từ 15 điểm trở lên còn ít ỏi hơn, chỉ bằng phân nửa so với số thí sinh đạt từ 13 điểm. Nếu tính theo từng ngành, số thí sinh đạt điểm cao càng thêm thưa vắng. Còn nhớ năm 2008, ngành bác sĩ đa khoa của trường có điểm chuẩn đến 24 điểm. Năm nay ở mức điểm này, trường chỉ có chừng mười thí sinh đạt được. Nhiều ngành khác cũng chỉ có trên dưới mười thí sinh đạt mức điểm chuẩn như năm 2008.
Nhiều trường đóng tại TP.HCM cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong danh sách điểm thi Trường ĐH Văn hóa TP.HCM chỉ có duy nhất một thí sinh đạt đến 20 điểm, trở thành thủ khoa của trường. Số thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên chỉ dừng ở con số 164. Ngược lại, số thí sinh có tổng điểm từ 10 trở xuống lên gần 1.200 thí sinh, chiếm tỉ lệ hơn 70% trong số gần 1.700 thí sinh dự thi vào trường. Ở Trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2, thí sinh có điểm môn toán, môn hóa dưới 5 chiếm đến hơn 95% tổng số bài thi. Ông Trần Quang Hải Bằng, phó trưởng ban đào tạo nhà trường, lo lắng: “Nếu lấy điểm chuẩn NV1 bằng năm 2008 thì trường chỉ tuyển được khoảng 20% chỉ tiêu”.
Thí sinh rộng cửa
Những trường phải đối diện với thực tế điểm thi thấp dồn hi vọng vào lượng thí sinh đăng ký xét tuyển NV2. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho những thí sinh đủ điều kiện xét tuyển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngay cả những trường được cho là tốp trên và trường có lượng thí sinh dự thi lớn cũng không có nhiều thí sinh điểm cao. Đáng lưu ý là Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM).
Từ nhiều năm trở lại đây chưa có năm nào trường đưa ra điểm chuẩn một ngành bậc ĐH ở mức dưới 16 điểm. Riêng năm 2007 điểm chuẩn ngành thấp nhất đến 18 điểm. Thế nhưng bảng điểm chuẩn năm 2009 trường vừa công bố có đến sáu ngành phải tuyển ở mức 15 điểm. Điểm chuẩn dự kiến ở nhiều ngành của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cũng chỉ lấy ở mức 14, 15 điểm, thậm chí có ngành xuống đến 13 điểm. Ngành công nghệ sinh học khối B luôn “hot” trong nhiều năm qua cũng chỉ dừng lại ở 18 điểm, giảm bảy điểm so với năm 2008.
Sự trông đợi đang tập trung vào các trường có lượng thí sinh dự thi lớn. Tuy nhiên, một vài trường thuộc nhóm này đã công bố điểm cũng cho thấy tình hình không mấy lạc quan. Tuyển sinh 2009, Trường ĐH Sài Gòn đón hơn 29.000 thí sinh đến dự thi. Con số này khiến nhiều người nghĩ rằng trường này sẽ là nguồn cung cấp thí sinh cho không ít trường cần xét tuyển. Thế nhưng trong hơn 29.000 thí sinh đó, chỉ có hơn 2.300 thí sinh đạt tổng cộng từ 15 điểm trở lên, chiếm chưa đến 10% tổng số thí sinh. Số lượng này tương ứng với tổng chỉ tiêu bậc ĐH của trường. Thống kê chi tiết cho thấy thêm ở nhiều ngành số thí sinh đạt từ 13, 14 điểm trở lên chỉ bằng hoặc nhiều hơn không đáng kể so với chỉ tiêu.
Tương tự, ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM số thí sinh đạt tổng cộng từ 15 điểm trở lên trong hơn 13.000 thí sinh cũng chỉ dừng lại ở hơn 2.100 thí sinh, trong khi tổng chỉ tiêu của trường năm nay lên đến 3.380 sinh viên. Và nếu thống kê dựa theo tổng số chỉ tiêu đó, mức điểm mà những thí sinh đáp ứng được xuống đến 13 điểm. Dĩ nhiên, điểm chuẩn trúng tuyển từng ngành của trường sẽ được xác định dựa trên thực tế điểm thi của từng ngành cũng như các yếu tố ưu tiên khác. Tuy nhiên, có thế thấy rằng nguồn thí sinh đạt trung bình từ 4 điểm/môn trở lên sẽ không còn nhiều.
Ngay cả những trường thực tế có điểm thi tăng lên, số lượng thí sinh đạt điểm cao cũng tăng không quá lớn. Điển hình là Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Nếu so sánh tổng số, lượng thí sinh dự thi vào trường này đông hơn cả chục nghìn so với năm 2008. Thế nhưng số thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên chỉ nhiều hơn gần 4.000 thí sinh. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ở mỗi mức điểm chỉ nhích hơn so với năm 2008 vài chục đến vài trăm thí sinh.
Vì thế, không chỉ những trường có điểm thi quá thấp mà cả những trường có điểm thi tương đối cũng đang bối rối tìm phương án tuyển phù hợp. Phó trưởng phòng đào tạo một trường có gần 18.000 thí sinh dự thi cho biết: “Bộ phận tuyển sinh sẽ đưa mức điểm chuẩn xuống thấp một chút để an toàn hoàn tất việc tuyển sinh. Thế nhưng lãnh đạo nhà trường lại muốn nâng điểm chuẩn để dành chỉ tiêu cho NV2”. Ông lo lắng với tình hình điểm thi như thế này, việc tuyển NV2 sẽ rất khó khăn vì nguồn tuyển không nhiều.
HÙNG THUẬT (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)