Sự kiện giáo dụcTin tức

Vodka của Safoco có chất cực độc

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Thanh tra Sở Y tế TP HCM lấy mẫu các sản phẩm có methanol tại Safoco. Ảnh: Thiên Chương.9 mẫu gồm rượu của Công ty TNHH chế biến thực phẩm Sài Gòn (Safoco), quận Thủ Đức và cồn của Công ty Khả Doanh, quận Tân Bình, đều cho kết quả xét nghiệm dương tính với chất độc methanol ở hàm lượng cao. Thông tin được Sở Y tế TP HCM công bố trưa 10/10.

Theo bảng kết quả xét nghiệm từ Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 gửi cho Sở Y tế TP HCM, rượu Vodka của Safoco có hàm lượng methanol lên đến 17,2% (tức, cứ một lít rượu thì có 172 ml methanol). Các mẫu cồn nguyên liệu và rượu còn lại cũng có hàm lượng methanol từ 7% đến 8,2%. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết, lượng methanol theo quy định không được quá 0,1%.

Đêm 10/10, sau khi nhận kết quả dương tính với methanol từ trung tâm kiểm nghiệm, Sở Y tế TP HCM đã tiến hành niêm phong toàn bộ số rượu tại cơ sở Safoco, buộc công ty thu hồi tất cả sản phẩm đã đưa ra thị trường.

Trước đó, ngày 4/10, do nghi ngờ rượu của công ty Safoco có chứa độc chất methanol, sau sự cố 4 người ngụ tại quận 7 và quận 2 tử vong vì ngộ độc rượu, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã đến xưởng sản xuất của công ty này lấy mẫu rượu mang xét nghiệm. Cơn quan chức năng cũng đồng thời lấy mẫu cồn của Công ty Khả Doanh, quận Tân Phú – nhà cung cấp cồn thực phẩm cho Safoco.

Bồn chứa cồn dùng để pha chế rượu tại Safoco. Ảnh: Thiên Chương.Tại buổi làm việc, Giám đốc Safoco cho biết đã pha chế và bán ra thị trường các loại rượu gồm: Rượu nếp Hà Nội, rượu trắng Gò Đen, rượu Chanh Rhum, Rhum dâu, Napoleon, Rhum cam, Vodka, rượu chuối hột, rượu Rhum, Champagne… Quy trình sản xuất rượu, theo giám đốc Safoco là pha chế cồn thực phẩm – hương liệu và nước. Một lít cồn 98 độ có giá khoảng 10.000 đồng, pha được khoảng 3 lít rượu thành phẩm loại 29 độ.

Nguồn cồn thực phẩm dùng để pha rượu, Safoco đã mua 1.000 lít tại Công ty TNHH SX-TM Thiên Thiên Ân, quận Tân Phú và 2.000 lít của Công ty TNHH Khả Doanh, Tân Bình vào tháng 12/2007. Một phần số cồn này được dùng chế biến các lô rượu đưa ra ra thị trường vào tháng 9 năm nay.

Giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm Sài Gòn, khẳng định, không tự cho methanol vào rượu trong lúc sản xuất. Ông này cho rằng nếu có methanol thì có thể do nguồn cồn nguyên liệu mà ông mua từ nhà phân phối.

Trưởng phòng Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP HCM, Huỳnh Lê Thái Hòa, cho biết, thời gian tới, song song với việc kiểm tra các công ty sản xuất rượu, Sở Y tế còn kiểm tra, lấy mẫu sản phẩm tại các nhà phân phối cồn và methanol.

“Những cơ sở mua methanol cũng sẽ phải trình bày rõ ràng với cơ quan chức mục đích sử dụng loại độc chất này”, ông Hòa nói.

Theo các nhà khoa học, methanol là một loại rượu có độc tính cao thường gặp trong chất dung môi dùng lau kính xe, chất chống đóng băng cho ống dẫn xăng dầu, dung dịch mực in cho máy photocopy… Methanol còn có nhiều trong cồn công nghiệp, loại cồn chưa vốn không được tinh lọc kỹ tạp chất như cồn thực phẩm.

Methanol có trong rượu cũng có thể do nội sinh nhưng khả năng này rất thấp và hiếm xảy ra. Khả năng còn lại thường do người kinh doanh vì hám lợi chủ động pha chế rượu bằng cồn công nghiệp để kiếm lãi do loại cồn này giá rất rẻ.

Thiên Chương (vnexpress.net)

Bình luận (0)