Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM có nhiều cải cách trong giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Ban Tuyên giáo TW làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM sáng 24-5. Ảnh: Q.H

Từ khi có Thông báo 242 về cải cách giáo dục, tạo ra sự công bằng cho người học, nhiều tỉnh, thành chưa làm được thì TP.HCM đã làm tốt nội dung này.
Sáng ngày 24-5, đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo TW do ông Vũ Ngọc Hoàng (Phó trưởng ban Tuyên giáo TW) làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM về công tác phổ cập giáo dục bậc trung học; việc thực hiện Thông báo 242 (của Trung ương về kết luận của Bộ Chính trị phấn đấu đến năm 2020, nước ta có một nền giáo dục tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc phục vụ công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa thời hội nhập).
Nhiều cải cách giáo dục đạt hiệu quả
TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết ba nội dung chính mà sở triển khai thực hiện khá tốt, đó là: Xây dựng nhà trường tiên tiến; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và Đổi mới quản lý. Do có những cơ chế phù hợp với từng quận huyện, để khuyến khích phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo thực hiện cũng như phát huy những khả năng sáng tạo, ứng dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến trong giáo dục học sinh. Tuy nhiên, có nhiều quận, nhiều thời điểm chỉ tiêu vạch ra không thể thực hiện được như: Muốn xây dựng một ngôi trường tiên tiến, đạt chuẩn quốc gia thì nhà trường đó phải đạt được mức cơ bản là sĩ số lớp không quá 35 em. Trong khi đó nhiều quận huyện dân nhập cư năm sau luôn cao hơn năm trước, quỹ đất dành cho giáo dục ngày một ít đi và trường mới được xây dựng không đáp ứng đủ nhu cầu học tập cho con em trên địa bàn. Trước những khó khăn đó, sở cũng tham mưu cho các cấp lãnh đạo có những chính sách, cơ chế phù hợp trong đầu tư cơ bản xây dựng trường lớp trên từng địa bàn quận huyện. Ngành cũng xác định và quyết tâm đeo bám mục tiêu này đến cùng, dù hiện nay một số chỉ tiêu đã đạt được: 100% bậc học mầm non học 2 buổi/ ngày; tiểu học đạt trên 70% học hai buổi/ ngày; THCS đạt từ 20% đến 30%… Tuy vậy, một số thành viên trong đoàn cũng còn những băn khoăn khi lo tới hiệu quả và chất lượng mà một số nội dung ngành GD-ĐT TP đã đạt được. Các ý kiến đều lưu ý ngành sau những chỉ tiêu đạt được thì ưu điểm và những việc sắp tới sẽ là gì, cần đánh giá được thực trạng để đưa ra hướng giải quyết cụ thể. Ông Hưng (thành viên đoàn), đặt vấn đề: “Nội dung báo cáo của Thành ủy TP.HCM cho biết đã hoàn thành về phổ cập giáo dục bậc trung học, vậy trong 5 đến 6 năm nữa mô hình của TP có thể áp dụng cho cả nước hay không? Giải pháp mang tính cốt lõi để giải quyết bạo lực học đường, cần bắt đầu từ đâu và làm như thế nào?”. Một thành viên khác nhấn mạnh, từ khi có Thông báo 242 có nhiều tỉnh, thành chưa làm được thì TP đã làm tốt, mà tinh thần của 242 là cải cách giáo dục, tạo ra sự công bằng cho người học. Ở đây ngành đã xây dựng được nhiều mô hình trường học tiên tiến, có cơ chế tự chủ tài chính trong khuôn khổ quy định của pháp luật như Trường THPT Lê Quý Đôn, đây là sự thay đổi tích cực nhưng để làm được việc này cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Nhiều người dùng cái cũ để phê phán cái mới, dùng cái sai để phán xét cái đúng… cái đáng mừng là TP đã và đang gặt hái được nhiều thành tích rất đáng khích lệ. Đoàn muốn tìm hiểu tư duy dài hạn và quyết sách của sở về phổ cập bậc trung học, những giải pháp hóa giải được tâm lý của một bộ phận không nhỏ nhân dân, còn nặng nề về bằng cấp, tạo áp lực cho học sinh dù thực học của các em chỉ đạt thành tích trung bình…
TS. Huỳnh Công Minh chia sẻ: “Những vấn đề mà các thành viên trong đoàn nêu ra đều rất sâu. Chuyện phổ cập giáo dục, khả năng của mình tới đâu thì mình làm tới đó không gượng ép nhưng cũng không buông lỏng trách nhiệm. Bởi xét cho cùng mọi việc làm được đều phải có sự đồng lòng ủng hộ của các cấp lãnh đạo, phụ huynh và học sinh. Đặc biệt, vai trò của người thầy trong nhà trường, ngoài xã hội là gương mẫu, chuẩn mực sẽ tạo ra môi trường học lành mạnh, thân thiện dẫn đến tích cực trong học sinh”.
Trường điển hình theo tinh thần của Thông báo 242
Chiều cùng ngày, thăm và làm việc với Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), Phó trưởng ban Tuyên giáo TW Vũ Ngọc Hoàng nhận xét: “Cảm giác chung của đoàn khi đến thăm Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm là rất phấn khởi, nếu cả nước trường nào cũng được như thế này thì tuyệt quá. Trường đã tốt rồi thì cần tốt nữa vì giáo dục là luôn luôn sáng tạo…”.
Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những điển hình về đổi mới, nâng cao giáo dục toàn diện cho học sinh theo tinh thần của Thông báo 242.
Với đội ngũ giáo viên 100% đạt và vượt chuẩn đào tạo cùng điều kiện cơ sở vật chất tốt, Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm đã rất thành công trong việc phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.
“Các hoạt động giáo dục tại trường đều tập trung vào mục tiêu giáo dục toàn diện. Học sinh chăm ngoan, lễ phép, được phát triển tư duy, bồi dưỡng năng khiếu, rèn luyện kỹ năng sống và được hướng dẫn phương pháp tự học có hiệu quả. Từng học sinh được thầy, cô giáo quan tâm, tạo điều kiện để các em thể hiện năng lực, rèn luyện sức khỏe để học tập tốt, tham gia những công việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Và với những gì được tiếp nhận từ thầy cô, bạn bè trong những năm học tại trường, học sinh của chúng tôi có thể tự tin khi nói rằng: “Hôm nay em tự hào về nhà trường, ngày mai nhà trường tự hào về em”…”, cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho biết: “Tất cả các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đều có những điển hình như Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chúng tôi “không chơi trường điểm”, tất cả các trường đều được tạo điều kiện và cơ chế như nhau. Trường nào, ban giám hiệu năng động thì phát triển nhanh. So với các trường quốc tế, những trường như Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ “thua” là không được quyền muốn thu học phí bao nhiêu thì thu…”.
Quang huy – Kim Anh

Bình luận (0)