Cha mẹ cần giúp trẻ biết lắng nghe ý kiến của người khác. Trong ảnh: HS tham gia hoạt động ngoài giờ lên lớp – vẽ ly, chén. Ảnh: N.Trinh
|
Trẻ có tính tự mãn là luôn tự thấy hài lòng về những gì mình đã đạt được, vì thế các em không muốn cố gắng hơn nữa trong học tập và rèn luyện bản thân.
Bản chất của tính tự mãn chính là sự tự tin thái quá, trẻ có tính này thường kiêu căng, ngạo mạn, luôn cho rằng mình là nhất, từ đó chểnh mảng học hành cũng như các hoạt động khác. Theo các chuyên gia tâm lý, nếu không “phanh” đúng cách, cha mẹ dễ làm mất hẳn sự tự tin, quyết đoán của trẻ.
Con giỏi nhất lớp, mẹ đừng có lo!
Chị Minh Ngọc ở quận Tân Bình (TP.HCM) tâm sự: “Con trai tôi 4 tuổi, luôn được mọi người khen là thông minh, lanh lợi. Đang học mẫu giáo mà nhiều bài toán khó của lớp 1 cháu đều tính nhẩm “tay bo” để đưa ra đáp số. Vì cho rằng mình giỏi hơn các bạn nên cháu thường kiêu căng, vênh váo không chịu chơi với những bạn cùng tuổi vì nghĩ các bạn ấy “kém thua mình”. Mới bắt đầu làm quen với bảng chữ cái mà cháu đã “ngông nghênh” cho rằng mình đã học hết chữ và số rồi, không còn gì để học nữa, nên cha mẹ rất khó khăn trong giáo dục và dạy dỗ. Gia đình tôi lo lắng chưa biết làm thế nào để con phát triển nhân cách bình thường và có thể hòa nhập cùng các bạn”.
Cùng cảnh ngộ có con tự mãn vì “giỏi hơn người”, chị Thu Mai ở thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) than thở: “Con gái mới học lớp 2 mà đã ý kiến là mẹ đưa ra cách giải bài chưa hợp lý. Tôi đã bảo với cháu rằng mỗi bài toán có nhiều cách giải khác nhau, quan trọng nhất là chúng ta phải tìm ra đáp số một cách nhanh nhất. Thế mà con bé không chấp nhận, lại còn bảo với ba là mẹ không chịu nhận là thua nó. Khổ hơn nữa là giáo viên chủ nhiệm của cháu phải gọi phụ huynh đến để phối hợp giáo dục vì cháu dám cãi hỗn với cô giáo. Cô giáo trao đổi với tôi: “Bé nhà chị khá thông minh, nhưng có biểu hiện là xem thường người khác. Trong lớp bé tiếp thu bài nhanh nên không quan tâm lắm đến khả năng của các bạn khác. Bé luôn chê bai ý kiến của các bạn bất kể đó là đúng hay sai. Trong môn chính tả và tập viết thì bé luôn hấp tấp, vội vàng…”. Gia đình có nhắc nhở thì cháu lại biện minh: Cả lớp không ai viết qua con đâu, con đã từng đi thi chữ đẹp nhất lớp mà, mẹ đừng có lo!”.
Chế ngự tính tự kiêu, tự mãn
Trẻ tự mãn thường tự tin thái quá, ảo tưởng, đánh giá không đúng về bản thân, đặt mình cao hơn người khác. Vì thế, khi trẻ có những biểu hiện này, cha mẹ nên có sự điều chỉnh, giúp con nhận ra các giá trị cuộc sống ngay từ nhỏ để hình thành nhân cách toàn diện cho con.
Khi trẻ nhận thức được giá trị của bản thân sẽ bớt tự mãn, tự kiêu và hòa đồng hơn với mọi người.
|
Nếu trẻ có chút thành tích đã có biểu hiện coi thường người khác thì không chỉ làm tổn thương đối phương mà đối với trẻ đó là sự bắt đầu của thất bại. Để “phanh” tính tự mãn của trẻ, các bậc cha mẹ nên: Thứ nhất, chỉ cho trẻ biết không ai ưa người kiêu căng, mọi người sẽ xa lánh nếu con còn có biểu hiện đó. Cha mẹ hãy khéo léo nhắc nhở trẻ khi có những tình huống cụ thể. Thứ hai, giúp trẻ tự đánh giá lại ưu, nhược điểm của bản thân. Cụ thể, cha mẹ hãy yêu cầu trẻ ghi lại những việc các em thực hiện đạt kết quả tốt, đồng thời cũng ghi lại cả những sai lầm, thiếu sót và tác hại của những việc sai trái đó. Mỗi khi trẻ có thành tích, phụ huynh vừa tỏ thái độ ghi nhận vừa đưa ra những hạn chế mà trẻ chưa đạt được để điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Tạo điều kiện cho trẻ nói ra ý kiến của mình. Những suy nghĩ đánh giá của chính bản thân trẻ giúp các em tự ý thức, có thái độ sống tích cực và có kỹ năng tự đánh giá đúng bản thân. Khi trẻ nhận thức được giá trị của bản thân sẽ bớt tự mãn, tự kiêu và hòa đồng hơn với mọi người. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần sát cánh bên con vì ở lứa tuổi càng nhỏ, khả năng tự đánh giá của trẻ rất hạn chế…
Ngoài ra, cha mẹ hãy cùng trẻ bàn bạc, chia sẻ cách giải quyết những hạn chế, khuyết điểm của các em. Việc này nghe có vẻ to tát, nhưng phụ huynh có thể bắt đầu câu chuyện từ những việc nhỏ nhặt mà có ý nghĩa thiết thực. Chẳng hạn, cha mẹ có thể nói với trẻ rằng: “Ở lớp con có thể học toán giỏi hơn bạn H., nhưng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ múa hát thì không khéo bạn H. lại hơn con đấy!”. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy khéo léo chỉ cho trẻ thấy không ai hoàn hảo cả, mỗi người có một sở trường nhất định, có thể mình mạnh mặt này nhưng yếu về mặt khác. Vì thế, con đừng vội cho rằng mình là nhất và coi thường người khác. Đồng thời, phụ huynh cần giúp trẻ biết lắng nghe ý kiến cũng như sự chia sẻ của người khác. Nếu làm được như thế, trẻ sẽ được các bạn quý mến, tình bạn sẽ được bền lâu.
Lê Nguyễn (Đồng Nai)
Dễ hụt hẫng, buông xuôi nếu gặp thất bại
Trẻ có tâm lý coi mình là nhất, hơn người, luôn đánh giá quá cao khả năng của mình. Hậu quả là khi gặp phải thất bại, hoặc bế tắc trẻ sẽ dễ hụt hẫng, buông xuôi, nản chí. Cho nên, cha mẹ cần định hướng cho trẻ cơ sở khách quan để tự đánh giá đúng bản thân mình. Qua đó giúp trẻ tự ý thức, có thái độ sống tích cực và có kỹ năng tự đánh giá đúng bản thân.
|
Bình luận (0)