Học viên ngành sửa chữa ô tô của Trường CĐ KT-KT Phú Lâm giới thiệu sản phẩm với khách tham quan
|
Hiện nay ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đang rất “khát” nhân lực, nhất là các kỹ thuật viên lành nghề. Thời gian đào tạo từ 2 đến 3 năm, khi tốt nghiệp, học viên có thể lắp ráp, sửa chữa, bảo dưỡng các loại ô tô.
Nhiều thuận lợi cho việc học
Trên địa bàn TP.HCM hiện có rất nhiều trường dạy sửa chữa ô tô như hệ CĐ nghề của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường CĐ KT-KT Phú Lâm, Trường CĐ Nghề TP.HCM… Học viên chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT là có thể đăng kí theo học chuyên ngành sửa chữa ô tô tại các trường trên, thời gian học từ 2 đến 3 năm cho hệ TC và CĐ. Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp hoặc đang học tại trường đã có các doanh nghiệp, công ty tuyển dụng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Công Thương, Trưởng khoa Công nghệ ô tô Trường CĐ Nghề TP.HCM, cho biết: “Phương châm đào tạo của trường là “chuyên sâu về lý thuyết, nặng về thực hành”; trường luôn tạo mọi điều kiện để học viên được học tập trong môi trường chuyên nghiệp, hiện đại nhất. Giáo án, phương pháp giảng dạy luôn được cập nhật, đổi mới phù hợp thực tế sản xuất của doanh nghiệp giúp các em dễ dàng tiếp cận với công nghệ mới và tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định”. Trong khi đó, TS. Nguyễn Chí Hùng, Trưởng khoa Công nghệ động lực Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Sinh viên theo học nghề sửa chữa ô tô tại trường (hệ CĐ nghề) có thời gian thực hành chiếm hơn 70% tổng thời gian học. Vì vậy, các em có điều kiện thực hành trực tiếp trên các động cơ phun xăng điện tử, động cơ diesel, động cơ CommanRail, mô hình hệ thống phanh ABS, hệ thống hỗ trợ lực kéo TCS, hệ thống lái điện tử, hộp số tự động. Ngoài ra, các em còn được hướng dẫn sử dụng các thiết bị đo kiểm hiện đại như: Thiết bị cân bơm cao áp, thiết bị cân bằng động bánh xe, thiết bị đo khí thải, thiết bị kiểm tra độ chụm và góc đặt bánh xe, thiết bị chẩn đoán động cơ…”.
Tại Trường CĐ KT-KT Phú Lâm cũng có ngành sửa chữa ô tô hệ TCCN với thời gian đào tạo 2 năm và 3,5 năm.
Chỗ đứng cho nhiều người
Ông Ngô Đình Đức – Tổng giám đốc Tập đoàn Le&Associctes (Tập đoàn cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các công ty, doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam và thế giới) lưu ý: “Nhiều người vẫn còn mang nặng cảm giác về nghề cơ khí là quần áo luôn lấm lem dầu mỡ. Nhưng hiện nay, nhờ sự phát triển của nhiều máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, công việc của công nhân cơ khí đã được hỗ trợ rất nhiều. Trên một chiếc ô tô có hàng trăm ngàn chi tiết máy được lắp ráp lại mới đi đến hoàn chỉnh. Và để chế tạo một chiếc ô tô cần phải trải qua nhiều quá trình từ chế tạo đến lắp ráp và cần rất nhiều nhân lực. Bạn có thể là một công nhân trực tiếp lắp ráp hoặc chế tạo các chi tiết cơ khí hay một kỹ sư quản lý một quy trình trong hệ thống sản xuất… Có thể thấy cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp và trực tiếp tiếp xúc với khoa học kỹ thuật mới trong ngành cơ khí là những cái được của người lao động”. Nguyễn Khoa Nam, học viên hệ TCCN ngành sửa chữa ô tô Trường CĐ KT-KT Phú Lâm, chia sẻ: “Xưởng thực hành của trường luôn tấp nập học viên ngay cả trong ngày nghỉ. Phương pháp giảng dạy dễ hiểu, phòng thực hành theo chuẩn quốc tế là điều tôi thích nhất khi học tập ngành này của trường”. Nam cho biết sau 2 năm học tập, tất cả học viên đều nắm vững kiến thức, kỹ thuật về nghề và nhiều kỹ năng khác như: Kinh doanh dịch vụ ô tô và các thiết bị động lực, tham gia thực hiện chuyển giao công nghệ, chẩn đoán, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các hệ thống của ô tô, máy động lực và các lĩnh vực liên quan…
Bài, ảnh: Huy Cận
“Nhiều người vẫn còn mang nặng cảm giác về nghề cơ khí là quần áo luôn lấm lem dầu mỡ. Nhưng hiện nay, nhờ sự phát triển của nhiều máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, công việc của công nhân cơ khí đã được hỗ trợ rất nhiều…”, ông Ngô Đình Đức – Tổng giám đốc Tập đoàn Le&Associctes – chia sẻ. |
Bình luận (0)