Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Yêu thử, sống thử

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều sinh viên khi yêu nhau đã không ngần ngại thuê phòng trọ chung sống như vợ chồng. Luật pháp không cấm việc sống thử, nhưng yêu và sống là vấn đề thực sự nghiêm túc, nếu những người trong cuộc không cân nhắc kỹ trước quyết định, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Quan hệ tình dục không an toàn khiến nhiều đôi lứa sống thử phải đến bệnh viện nạo phá thai. Ảnh: THU HƯỜNG

Xã hội nghĩ gì?

Bạn N.H., nữ sinh viên Trường Đại học (ĐH) Luật TPHCM, tâm sự rằng bạn và người yêu quen nhau từ thời học THPT ở quê miền Trung, cùng đậu ĐH vào Sài Gòn, có cơ hội gần nhau nên bạn trai đề nghị sống chung để chăm sóc, gần gũi nhau. Sau một chút đắn đo, trước những lý do khá thuyết phục từ bạn trai, N.H. đồng ý sống thử. Nhưng rồi sau thời gian hạnh phúc, cả hai vỡ mộng khi nhận ra có quá nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết. Câu chuyện sống thử kết thúc chỉ sau khoảng 6 tháng. Đến nay N.H. vẫn chưa hết hụt hẫng, mất niềm tin vào tình yêu và cuộc sống, kết quả học tập sút giảm trầm trọng.
Những chuyện sống thử với kết thúc như vậy không phải cá biệt. Các đôi lứa sống thử định danh việc này bằng cái tên nghe có vẻ tích cực hơn: “Góp gạo thổi cơm chung”. Lúc quyết định chung sống, họ khẳng định tình yêu dành cho nhau đã chín muồi, nên ngoài việc quan tâm, dành tình cảm cho nhau, họ còn muốn sống như một gia đình đích thực. Trước kia, chỉ có một số sinh viên năm 3, năm 4 mới bắt đầu sống thử, nhưng nay xuất hiện ngày càng nhiều các sinh viên mới chỉ năm 1, năm 2 đã thuê phòng chung sống cùng nhau. Họ giải thích cho việc sống thử là để có được nhiều thời gian bên nhau, hiểu nhau và yêu nhau hơn; đồng thời tiết kiệm chi phí tiền chợ, tiền thuê phòng ở và cả tiền xăng xe đi lại. Như vậy, sống thử xuất phát từ việc bản thân các bạn trẻ nghĩ mình đã trưởng thành, có quyền tự do chọn lựa và quyết định cuộc sống tương lai. Vấn đề này thuộc về nhận thức, hành vi của mỗi người.
Ban đầu cũng có bạn khá ngần ngại, thường là bạn nữ, nhưng rồi khi đã yêu, họ bất chấp dư luận và những ước lệ xã hội để quyết định chung sống với nhau. Tuy vậy, sống thử khi còn đi học là việc khó được cha mẹ chấp nhận, nên hầu hết các đôi lứa sống thử đều giấu gia đình, người thân. Mỗi khi có cha mẹ lên thăm thì người kia phải tạm dọn sang phòng trọ của các bạn sinh viên khác. Về phía gia đình, hầu như không phụ huynh nào cho phép con em mình được tự do chung sống trước hôn nhân khi còn đi học.
Xã hội cũng không ủng hộ các bạn trẻ sống thử, bởi đằng sau đó là bao nhiêu hệ lụy, tổn thương. Thấy bạn mình chung sống cùng người yêu, các bạn học tỏ ra lo ngại, nhưng ít người khuyên can, đa số các bạn mang tâm lý thỏa hiệp, coi việc sống thử là chuyện riêng tư. Trước đây, các chủ nhà trọ thường không cho thuê đối với các sinh viên nam nữ chung sống cùng nhau, nhưng khi chuyện sống thử diễn ra ngày một nhiều, chủ nhà trọ không quan tâm thắc mắc, can thiệp.
Hệ quả sống thử
Quan sát việc sống thử của các sinh viên cùng trang lứa, bạn Đ.Q., sinh viên ĐH KHXH-NV, nhận xét: “Chấp nhận sống thử đồng nghĩa với việc bạn đã đánh mất sự tự do, cũng như đánh mất thời sinh viên vô tư, trong sáng đẹp nhất của đời mình. Nhiều bạn gái sống thử với người yêu rồi đổ vỡ, chia tay, mới thấy tiếc nuối tuổi thanh xuân đã hoài phí. Những lo toan đời thường trong suốt thời gian sống thử không giúp các bạn trưởng thành hơn, mà ngày càng nảy sinh nhiều khập khiễng, va chạm trong cuộc sống, từ chuyện tiền bạc, tình cảm, tính cách, đến cả công việc sau này”.
Trong số những cặp đôi sống thử, rất ít người sau đó có thể tiến tới hôn nhân. Khi được hỏi bạn có sẵn sàng kết hôn với người đã từng sống thử với mình, rất ít bạn nam trả lời đồng ý, trong khi hầu hết bạn nữ đều mong muốn sẽ đi đến hôn nhân. Rõ ràng nam giới thường chủ động đề nghị sống thử nhưng đến cuối cùng họ lại không thiết tha lắm với người phụ nữ đã từng chung sống với mình.
Có nhiều lý do dẫn đến đổ vỡ, chia tay, trong đó có nhiều cuộc chia tay khi mang thai ngoài ý muốn. Do tâm lý “trước sau gì cũng là của nhau”, nhiều bạn trẻ nhập cuộc mà không mảy may quan tâm đến hậu quả. Quan hệ tình dục không an toàn khiến nhiều bạn nữ phải nạo phá thai để không ảnh hưởng tới việc học còn dang dở. Người trong cuộc chịu nhiều thiệt thòi nhất vẫn là các bạn nữ, vì che giấu gia đình nên khi hữu sự họ không biết dựa vào đâu, rồi tự mình đi giải quyết hậu quả, ngoài nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này, họ còn phải đối diện với nhiều thử thách khác. Quan hệ đổ vỡ đã tạo nên những chấn thương và những cú sốc tâm lý khi bị bỏ rơi. Hệ lụy lớn nhất là những chuyển đổi tâm lý theo hướng tiêu cực: mặc cảm, tự ti, né tránh, nghiêm trọng hơn là hận đời, liều mình và mất niềm tin.
Đặt vấn đề “Sống thử – nên hay không?”, thạc sĩ Lê Tuyết Ánh, giảng viên tâm lý Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, chia sẻ: “Các bạn trẻ cần tỉnh táo, cân nhắc trước khi lựa chọn và quyết định sống thử. Hãy tự đặt cho mình câu hỏi: Nếu sống thử là đúng, sao bạn phải che giấu gia đình? Có phải chính bạn cũng nhận thấy đây là việc không nên? Bài học của những người đi trước, của bạn bè xung quanh, và suy nghĩ về những hệ quả khó lường là cách bạn nhìn rõ được thực tế rằng: Sống thử có nên hay không? Đừng nên để cảm xúc lấn át lý trí, vì chỉ có bản thân bạn mới tự nhận thức được và có những lựa chọn sáng suốt nhất cho riêng mình”. Thật vậy, hiểu được việc mình làm, có thái độ đúng đắn, hướng tới một lối sống lành mạnh là bạn đã thực sự có trách nhiệm với bản thân cũng như tình yêu của chính mình.

QUỲNH NHƯ

(SGGP)

Bình luận (0)