Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ông giáo của “trường kinh hoàng”

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Nguyễn Tùng Lâm tại phòng làm việc

Nhắc đến Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (ĐTH) hẳn nhiều phụ huynh đều có cảm giác “ngán”. Vì thông thường, tất cả những học sinh (HS) của Hà Nội, không đỗ vào trường nào nữa thì về ĐTH. Thậm chí, trường còn được đọc chệch đi thành “Đinh Kinh Hoàng”. Đây là ngôi trường đặc biệt của thủ đô, là trường đón đầu những HS “có số má” nhưng lại cho “xuất xưởng” những người có đủ nhân cách và đạo đức để bước vào đời.
23 năm gắn bó với mái trường này, tóc thầy đã bạc nhưng nhiệt huyết của thầy vẫn không thay đổi. Người thầy ấy chính là NGƯT Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng nhà trường.  
Học trò khủng bố giáo viên
Câu chuyện trường lớp của thầy bắt đầu từ năm 1989, không lâu sau khi đất nước đổi mới, giáo dục đạo đức cho HS đã trở thành yêu cầu cấp thiết. Trước mối lo lắng của lãnh đạo UNBD TP.Hà Nội rằng chất lượng kiến thức, văn hóa của HS thủ đô không đáng lo bằng chất lượng đạo đức, thầy Lâm – lúc đó đang là Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TP.Hà Nội – đã đề nghị thành lập một trường dân lập để giải quyết khâu yếu kém ấy với quan điểm của Khổng Tử “hữu giáo vô loại” (không có ai là không thể giáo dục).
Những năm đầu tuyển sinh, học trò của Trường ĐTH đến từ khắp nơi, hầu hết đều thuộc loại “có số má” mà các trường khác đều ngao ngán không dám nhận: Lưu ban, ham chơi, lười học, thích đua xe, thường xuyên đánh nhau, đánh bạc…, thậm chí có em còn dính cả ma túy. Thống kê sau tuyển sinh mỗi đầu năm học cho thấy HS Trường ĐTH thường xuyên có tới 60% yếu kém về văn hóa, 20% yếu kém về đạo đức. Chuyện xô xát, đánh nhau giữa HS cũ và HS mới năm nào cũng xảy ra… Ngoài cảnh sát cơ động bảo vệ vòng ngoài, trường còn thành lập lực lượng giám thị đặc biệt chuyên giám sát HS vòng trong.
Cũng có lẽ Trường ĐTH là nơi đặc biệt nhất nước với việc tổ chức những “tình báo” là các bà bán nước, bán hàng rong xung quanh. Mỗi khi HS chuẩn bị tụ tập đánh nhau trước cổng trường, mạng lưới “tình báo” này liền bí mật cấp báo cho Ban giám hiệu và lực lượng công an kịp thời có mặt ngăn chặn. “Dù Ban giám hiệu đã luôn quán triệt và chính các thầy cô cũng coi việc HS vô lễ với mình là “tai nạn nghề nghiệp” nhưng rất nhiều người vẫn rất sốc trước chuyện HS thường xuyên quậy phá quá đáng” – thầy Lâm cho biết. Giáo viên thường bị HS nhắn tin khủng bố hoặc bị đe dọa ngay sau giờ tan trường. Khi bị rầy la trong tiết học, không ít em còn tỏ thái độ ngông nghênh bất cần: “Thầy đuổi chưa để em ra ngoài!”…
Thuốc trị những HS “giang hồ”
Với kinh nghiệm của một tiến sĩ tâm lý học, thầy Lâm đã mở tại trường một văn phòng tư vấn tâm lý cho học trò, giúp giáo viên và HS gần gũi nhau hơn bằng cách lắng nghe, chia sẻ. Rất nhiều HS từ thái độ “đối đầu”, bất cần với thầy cô, đã chuyển sang “đối thoại” và thay đổi, dần dần chịu học, đến trường đúng giờ… Kết quả khảo sát HS và kinh nghiệm quản lý tại Trường ĐTH hơn 20 năm qua của TS. Nguyễn Tùng Lâm, cho thấy, dù ở đâu, kỷ luật áp đặt cũng chỉ tạo ra ở HS những hành vi nghiêm trọng hơn. Rõ ràng, trừng phạt không phải là biện pháp giáo dục hiệu quả nhất. Cách tốt hơn là để các em tự quyết định hình thức kỷ luật với bản thân. Để “trị” bệnh hút thuốc lá vốn phổ biến với HS của trường, Ban giám hiệu Trường ĐTH cho các em đăng ký tự cai nghiện và kiểm soát việc hút thuốc lá của các em tại một góc trong trường với cam kết hút với số lượng giảm dần. Nếu không thực hiện được cam kết, các em phải tự quyết định hình thức kỷ luật cho bản thân bằng cách lựa chọn làm một số việc có ích cho tập thể (dọn phòng học, làm vệ sinh trường lớp…).
Thầy Lâm kể, trong số hàng chục ngàn HS đã trưởng thành của trường, có một số kỷ niệm mà thầy còn nhớ mãi. Đó là vào đầu những năm 90, một HS lớp 11 của trường đã đánh bạc và thua 7 triệu đồng (hơn 1 cây rưỡi vàng). Cô giáo chủ nhiệm giận quá gọi HS đó lên phòng thầy. Thầy đã gọi phụ huynh tới và nói với cậu học trò đó: Bây giờ thầy cho con cơ hội, nếu như con từ bỏ được cờ bạc, học hành chăm chỉ và đỗ tốt nghiệp thì con sẽ được tiếp tục học, nhưng  bố mẹ phải gửi cho thầy 7 triệu đồng để nếu đỗ tốt nghiệp con sẽ được nhận phần thưởng 7 triệu đồng đó.
Đánh vào tâm lý được mất của cờ bạc, cậu HS đó hứa sẽ sửa đổi và tự tay niêm phong 7 triệu đồng gửi thầy. Quả nhiên, cậu HS đó không tham gia trò đỏ đen nữa và đỗ tốt nghiệp. Tuy nhiên phụ huynh lại lo với số tiền quá lớn lúc đó, liệu cậu ta có hư hỏng tiếp không…
Tới ngày trao phần thưởng, thầy nói: “Con được như thế này tất nhiên là con phải biết ơn thầy cô, cha mẹ. Thế nhưng, cha mẹ con đã rất vất vả, vay mượn để vừa trả nợ cho con, lại vừa phải đưa tiền để con gửi thầy. Bây giờ con định làm gì với số tiền này?”. Sau một hồi suy nghĩ, cậu nói: “Con sẽ xin một ít để khao các bạn, còn lại con gửi bố mẹ”…
Và một trường hợp khác, cũng một học trò lớp 11 sống với người mẹ chỉ trông chờ vào thu nhập của quán nước chè, thế nhưng hồi đó cũng cố vay mượn mua xe máy để cậu đi học cho bằng bạn, bằng bè. Rồi chiếc xe đó cũng bị cậu bán mất. Trước mặt mẹ cậu, thầy nói: “Con xem con là thanh niên to khỏe thế kia, mẹ con thì gầy yếu như vậy, con sống là nhờ ai?”, cậu nói: “Con sống nhờ mẹ”. Thầy nói tiếp: “Con mới nói đúng một nửa, mẹ con sống cũng nhờ vào con nữa. Mẹ chỉ có mình con, hy sinh tất cả cho con chỉ mong con học hành nên người mà con cứ quậy phá như vậy có được không? Con về và suy ngẫm xem con nên sống thế nào rồi mai nói lại với thầy và cô chủ nhiệm”.
Sáng hôm sau, cô chủ nhiệm giật bắn người khi cậu gửi cho cô bản tự kiểm điểm với lời thề sẽ đỗ ĐH cùng một lọ thủy tinh đựng một ngón tay của cậu. Và cậu học bứt lên dần, sau này cậu đỗ 2 trường ĐH. Bây giờ cậu đã là giám đốc của một công ty thép và thỉnh thoảng vẫn gọi điện khoe với thầy: “Mẹ em không còn gầy yếu nữa thầy ạ…”.
Và 40% đỗ ĐH
Trước những học trò cá biệt, công thức mà thầy Nguyễn Tùng Lâm xây dựng cho Trường ĐTH là Pt = d.t.h – x2. Thầy giải thích: “Pt là phát triển; d là đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo dục, học tập; t là thân thiện, tận tâm; h là hợp tác, học hỏi và cuối cùng, x2 là xấu xí. Rèn được học trò cá biệt đã khó nhưng động viên các em chịu học tập còn khó hơn nhiều”.
Biết học trò của mình phần lớn hổng toàn bộ kiến thức của 4 năm THCS, từ đó sinh ra ham chơi và quậy phá, thầy Lâm thường tổ chức cho các em tham gia những hoạt động ngoại khóa để đẩy lùi tâm lý ngại học, sợ sách vở. Cùng với đó, các em tự tổ chức các chương trình ngoại khóa như lao động công ích và cắm trại ở vườn Bách Thảo…
“Tôi luôn để cho giáo viên bộ môn tự chủ kiến thức, dạy vừa đủ theo nhu cầu HS, rèn luyện kỹ năng luyện tập là chính. Mỗi tiết học chỉ cần bảo đảm 60-70% tổng kiến thức, cứ thế mưa dầm thấm lâu vì chỉ mong các em tiếp thu bài trên lớp là hạnh phúc lắm rồi. Đến năm lớp 12, nhà trường mới dạy đủ 100% kiến thức cơ bản để bảo đảm các em thi cử sát chương trình cả nước” – thầy Lâm tiết lộ.
Từ năm 2000 đến nay, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của Trường ĐTH luôn trên 90%. Năm 2000, trường đã có một cuộc khảo sát về HS của mình sau tốt nghiệp. Kết quả, có tới 40% thi đỗ ĐH. Trường đã “lập thành tích” trong việc chứng minh một mô hình giáo dục phù hợp cho những HS mà trường công lập nào cũng muốn “loại bỏ”. Có thời kỳ quy mô trường đã lên đến gần 2.100 HS.
Có thể nói, từ một cậu học trò đam mê toán rồi số phận lại sắp đặt cho thầy theo nghề văn và trở thành thầy giáo ở một ngôi trường hình mẫu của miền Bắc trong mô hình vừa học vừa sản xuất – Trường THPT Cao Bá Quát.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Cô Lê Thị Thanh, một giáo viên của Trường ĐTH, đúc kết: “Đầu năm học, HS lớp nào cũng thường có ba dạng. Một là nhận thức tàm tạm thì nghịch và hư. Dạng thứ hai ý thức tốt hơn thì lại có học lực yếu kém. Dạng còn lại là các em vừa thiếu ý thức vừa kém văn hóa, rất hỗn láo, quậy phá”.
Thầy Lâm luôn đau đáu tìm giải pháp để những em HS tưởng như là “bỏ đi” tìm lại được chính mình. Bởi khi tới trường các em được khích lệ, được tôn trọng khi gặp những thầy cô có trái tim của người mẹ. Và với thầy, dù có làm gì thì đích đến vẫn là khơi dậy những giá trị nhân văn trong mỗi con người, giúp những người trẻ lệch lạc trở thành những “người tử tế” trong cuộc đời…
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)