Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Quan tâm chi tiết từng ngành học

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tiếp tục đặt câu hỏi sau buổi tư vấn chung

Vừa qua, Báo Giáo Dục TP.HCM tiếp tục tổ chức chương trình tư vấn – hướng nghiệp “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” tại Trường THPT Võ Trường Toản. Khác với những năm trước học sinh còn mơ hồ về ngành nghề, năm nay các em đã đưa ra hàng loạt câu hỏi chi tiết về từng nhóm ngành cho Ban tư vấn.
Cùng một ngành nên chọn trường nào?
Năm nay, Trường ĐH Sài Gòn hạ chỉ tiêu tuyển sinh làm rất nhiều học sinh quan tâm bởi vấn đề này có thể ảnh hưởng đến điểm đầu vào. Em Trần Thị Huyền Diệu (lớp 12C13) thắc mắc: “Năm nay Trường ĐH Sài Gòn hạ chỉ tiêu tuyển sinh, em muốn biết trường lấy bao nhiêu chỉ tiêu và tại sao lại hạ chỉ tiêu như vậy?”. Trả lời thắc mắc này, TS. Lê Anh Duy – Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Sài Gòn – cho biết: “Năm học trước trường tuyển 5.000 chỉ tiêu, năm nay trường chỉ tuyển 3.900 chỉ tiêu. Việc nâng hay giảm chỉ tiêu không phải do trường quyết định mà là Bộ GD-ĐT, bộ sẽ căn cứ vào đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất để cho phép mỗi năm trường tuyển sinh bao nhiêu chỉ tiêu nhằm đảm bảo việc dạy học đạt chất lượng”.
Tại buổi tư vấn, nhiều học sinh quan tâm đến các trường có đào tạo ngành sư phạm. Một học sinh phân vân: “TP.HCM có Trường ĐH Sư phạm, sao lại có thêm Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, em nên thi vào trường nào thì tốt hơn”.
ThS. Hồ Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, giải thích: “Sinh viên ở Trường ĐH Sư phạm sẽ được học chương trình giảng dạy ở các trường dạy văn hóa như tiểu học, THCS, THPT; còn sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật được đào tạo theo hai hướng, hướng sư phạm và hướng công nghệ. Như vậy, sinh viên Trường Sư phạm kỹ thuật ngoài việc được cấp bằng như kỹ sư thì còn có thêm chứng chỉ để dạy kỹ thuật ở các trường nghề như CĐ Kỹ thuật Cao Thắng”.
Về vấn đề chọn trường nào tốt hơn, ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM – khẳng định: “Điều quan trọng nhất là các em xác định được sở thích, năng lực của mình có phù hợp với ngành hay không để chọn trường thi. Sau đó, trong quá trình học, nếu các em chịu khó tìm hiểu sâu kiến thức, kỹ năng thì học trường nào các em cũng thành công”.
Đi sát từng chuyên ngành
Ngoài việc đặt các câu hỏi về chỉ tiêu, chương trình đào tạo của từng trường, có không ít học sinh băn khoăn rằng cùng một ngành nhưng sẽ chọn học chuyên ngành nhỏ nào mới có lợi thế cho nghề nghiệp của mình? Hay sự khác nhau giữa ngành kinh doanh quốc tế với ngành thương mại quốc tế, ngành công nghệ sinh học với sinh học; hay ngành công nghệ thông tin có những chuyên ngành nào và thế mạnh của các chuyên ngành đó… cũng được các em đặt ra.
“Em được biết, trong ngành công nghệ kỹ thuật môi trường có hai chuyên ngành nhỏ là công nghệ môi trường và quản lý môi trường, giữa hai ngành này thì ngành nào tốt hơn?”, em Trần Quang Khải (lớp 12C8) hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ThS. Nguyễn Thanh Giang – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM – chia sẻ: “Khi học về công nghệ môi trường, các em sẽ được học về kỹ thuật công nghệ, quá trình xử lý môi trường, chất thải…; còn học về quản lý môi trường các em sẽ được đào tạo chuyên sâu hơn về cách quản lý các chất thải của các công ty, xí nghiệp…”.
ThS. Hồ Thị Ánh Tuyết chia sẻ thêm: “Học về quản lý môi trường, sinh viên sẽ được học nhiều văn bản quy định về cách xử lý môi trường để các em có cách giải quyết những vấn đề khi vi phạm môi trường. Nhìn chung, nếu các em yêu môi trường, có niềm đam mê về các môn học thì học chuyên ngành nào các em cũng có cơ hội thăng tiến trong công việc”.
Bài, ảnh: D.Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)