Dù đã được nghỉ Tết nhưng nhiều sinh viên vẫn tranh thủ lúc bạn ở cùng về hết, còn mình nán lại ít hôm để “gặp gỡ” người yêu của mình trong phòng trọ.
Được nghỉ Tết sớm nhưng nhiều sinh viên không chịu về do "vướng" người yêu. |
“Tạm biệt” trong phòng trọ
Sự việc xảy ra tại một khu trọ thuộc thôn Đình Quán, xã Phú Diên, Từ Liêm, Hà Nội. D. Lan là một sinh viên nữ đang học năm thứ 2 ngành kế toán của một trường CĐ Công nghệ ở Hà Nội, do mới nhận lời yêu một người khác trường nên ngày nào người yêu cũng ghé qua trước khi đi học.
Sau khi nhận được thông báo lịch nghỉ Tết, Lan không tỏ vẻ vui mừng như những bạn cùng phòng và xóm trọ khi biết sắp được về với mẹ.
Một buổi sáng “định mệnh” trời mưa, chiếc Nouvo LV màu mận chín phanh kít trước của phòng Lan. Dựng xe xong, một anh chàng nhanh chóng lẻn vào phòng Lan và đóng sập cửa lại, bất chấp điều lệ của bà chủ là bạn đến chơi không được đóng cửa, nếu “bắt gặp” có thể đuổi ngay.
Giữa trưa bà chủ đi vào hành lang dãy trọ lấy thùng sơn, đi qua phòng Lan thấy tiếng động khác thường, gọi lâu cũng không ai nói gì. Đập cửa, bà mới vỡ lẽ trong phòng “có khách lạ” và hai người đang chuẩn bị “hành sự”. Ngay lập tức, không đợi đến chiều Lan liền bị đuổi đi nơi khác.
Sự việc giống như Lan không phải hiếm, N.T.T là nữ sinh viên năm 3 trường ĐH Thành Đô đang trọ tại thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn, Từ Liêm (Hà Nội). Mặc dù được nghỉ Tết được 2 hôm nhưng T. vẫn chưa chịu về, đợi cho bạn trai từ Bắc Ninh xuống chơi và còn nói khó với bạn cùng phòng đi ngủ tạm phòng khác để “tiếp” bạn trong phòng qua đêm.
Mặc dù rất ức chế với kiểu “tiếp” bạn trai như vậy nhưng bạn cùng phòng vì nể nên cũng bịt tai coi như điếc, sau đó trút cơn giận sang bạn phòng khác.
“Nạn nhân” của “thiên thời, địa lợi”
Những câu chuyện “ăn cơm trước kẻng” hiện nay trong giới sinh viên không còn là chuyện hiếm, nhiều cặp đôi sau khi “lỡ” bác sĩ bảo cưới mới bắt đầu tỏ ra hối hận. Khu vực xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội hội tụ đông đảo sinh viên đến từ các trường CĐ Công nghệ Hà Nội, ĐH Thương Mại, ĐH Thành đô, ĐH Công nghiệp… Những sinh viên ở đây có cuộc sống gần như tách hẳn với vẻ nhộn nhịp trong khu vực nội thành.
Nơi đây chỉ nhộn nhịp hơn ở quê đôi chút, thậm chí có những khu nhà trọ cách biệt nằm ngoài cánh đồng rau muống, cảm giác thật cô quạnh. Chính những điều kiện “thiên thời, địa lợi” như vậy, các cặp tình nhân sinh viên mới được “rong chơi” thỏa thích.
Và, một trong những “nạn nhân” của “thiên thời, địa lợi” này đã được bác sĩ “chỉ định” phải cưới do lỡ có bầu với bạn trai.
H. là sinh viên năm cuối của một trường CĐ, quê ở Hà Nam nhưng ít khi H. về thăm gia đình, những ngày nghỉ chủ yếu ở phòng cùng bạn. Thời gian gần đây, bạn trai của H. thường lui tới chơi rất khuya, thậm chí ngủ lại trong phòng qua đêm. Phòng H. nằm trên tầng 3 của dãy trọ cách xa đường quốc lộ 32 khoảng 1km (thôn Đức Diễn, xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội).
Hôm biết được ngày nghỉ Tết cũng là lúc H. biết mình đang mang thai, nghĩ sợ không dám về quê, người yêu H. muốn dạm ngõ để ra giêng làm đám cưới nhưng cô chưa muốn vì đang tuổi chơi, tuổi học và cũng không muốn có con sớm thế này, bỏ cũng không đành và để thì cũng dở.
Thực tế, trong thời gian qua, xã hội chứng kiến không ít những cảnh sinh viên “sống thử” như sống thật, rồi có con ngoài ý muốn, đó là thực trạng của sinh viên Việt Nam nói chung. Các nhà tâm lý nhận định, đây một phần do nhu cầu tâm lý lứa tuổi, phần lớn các cặp “sống thử” đều xuất thân từ nông thôn lên Hà Nội học và làm việc, một mặt do thiếu sự quản lí của gia đình, một mặt ảnh hưởng của thời đại.
Theo thống kê mới nhất của hội Kế hoạch hóa gia đình, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Riêng tại Hà Nội, tỉ lệ thanh thiếu niên chiếm khoảng 30% dân số. Trong khi đó, tỉ lệ nạo phá thai chiếm trên 22%. Với con số kỷ lục này, Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á.
Theo VTC
Bình luận (0)