Ở độ tuổi vị thành niên, các em HS cần được trang bị kiến thức GDGT-SKSS để tự bảo vệ mình
|
Cách đây 2 năm, Bộ GD-ĐT và Tổ chức Rutgers WPF kí kết tài trợ Dự án giáo dục giới tính – sức khỏe sinh sản (GDGT-SKSS) trong nhà trường. Tại TP.Đà Nẵng, dự án được Sở GD-ĐT TP và Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng xây dựng chương trình, được triển khai thí điểm tại 10 trường THPT và 20 trường THCS trên toàn thành phố.
Sau 2 năm, hiệu quả của chương trình đã minh chứng sự cần thiết của môn học này trong trường phổ thông. Tuy nhiên, để môn học được liên tục, cần có sự đầu tư đa chiều, dài hơn một dự án có thời hạn…
Thành công bước đầu
Giáo trình GDGT-SKSS được Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng và Sở GD-ĐT xây dựng dựa trên tâm lý lứa tuổi. Hai đối tượng được chọn là học sinh (HS) lớp 6 và lớp 10. Theo đó có hai bộ giáo trình gồm 10 bài giảng với thời lượng 20 tiết được biên soạn bằng phương pháp trực quan sinh động nhằm thu hút sự chú ý, ham tìm hiểu của học sinh. Để phù hợp với tâm lý lứa tuổi, các nhà biên soạn đã cho ra hai bộ giáo trình mang tên Thế giới tuổi hoa dành cho HS lớp 6 và Hành trang tuổi hồng cho HS lớp 10. Nội dung chủ yếu nhằm giáo dục cho HS biết về sự thay đổi của cơ thể, sự thay đổi tâm lý tuổi vị thành niên, tình bạn và các mối quan hệ với người lớn, tình yêu tuổi học trò, quấy rối và xâm hại tình dục, kế hoạch cho tương lai…
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, nhớ lại: Khi mới chuẩn bị đưa môn học vào chương trình phổ thông, không ít giáo viên tỏ ra lo ngại bởi nội dung giáo trình các em được tiếp cận e rằng táo bạo, trần trụi… liên quan đến vấn đề “nhạy cảm” mà lâu nay trong quan niệm của người Á Đông là ít nhiều vẽ đường cho hươu chạy. Một khó khăn khác xuất phát từ phía phụ huynh lo ngại con em vừa lên lớp 6 đã tiếp xúc quá sớm với giáo trình giới tính… Trước những băn khoăn đó, các nhà sư phạm đã soạn thảo nội dung chương trình phù hợp với tâm lý của từng độ tuổi, bài dạy mang nội dung truyền đạt tế nhị và phù hợp cho đối tượng HS. “Cái chủ yếu là chúng ta giáo dục hành vi cho HS để ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc”, ông Nguyễn Minh Hùng nhấn mạnh.
Để làm được điều đó, nhiều trường trước khi đưa vào giảng dạy đều mời phụ huynh đến giới thiệu mục đích, ý nghĩa của chương trình. Cho họ thấy sự cần thiết trong giáo dục hành vi để ngăn chặn hậu quả đáng tiếc xảy ra. Bà Võ Thị Hiếu Nhi, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Độ (Q.Sơn Trà) – một trong những trường THCS được chọn làm thí điểm – tâm tư: “Ban đầu mới nghe qua chúng tôi cũng ái ngại lắm. Nhưng rồi khi đưa vào dạy, các em HS lớp 6 tiếp thu một cách rất vô tư. Những tâm tư tuổi mới lớn được bộc bạch, chia sẻ với giáo viên. Từ đó các em ứng xử với bạn bè hằng ngày một cách thoải mái nhưng từ tốn và lịch sự hơn. Có nhiều em sau khi qua lớp 7 còn hỏi tại sao nhà trường không tiếp tục dạy môn này”. Còn tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám, ông Nguyễn Văn Phát – Phó hiệu trưởng nhà trường – cho rằng đối với lứa tuổi chuẩn bị vào đời cần được trang bị kĩ vốn kiến thức, kỹ năng và GDGT-SKSS để các em tự bảo vệ mình trước nguy cơ cái xấu tiềm ẩn.
Cần mở rộng chương trình
Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết, sau 2 năm thực hiện thí điểm đã có gần 200 giáo viên được tập huấn nội dung, phương pháp giảng dạy và hơn 32.000 HS tham gia chương trình.
|
Qua 2 năm triển khai thực hiện, hiệu quả dự án mang lại khá tích cực. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Đà Nẵng là một trong những thành phố thực hiện việc đưa GDGT-SKSS vào trường phổ thông thành công nhất. Ông Nguyễn Minh Hùng khẳng định, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mọi thứ tốt – xấu được đẩy tràn lan trên mạng, trong khi HS là lứa tuổi tò mò nên nếu không giáo dục cho các em về vấn đề này một cách cụ thể thì rất dễ sa đà vào những điều xấu. Đồng quan điểm trên, ông Lê Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Độ (Sơn Trà), cho rằng: “Chương trình này chính là bộ môn tâm lý học đường, rất cần thiết đối với HS”.
Thế nhưng, đến nay khi dự án kết thúc và bàn giao cho địa phương tiếp tục thực hiện thì các trường không thể tiếp tục dạy. Theo ông Nguyễn Minh Hùng, khó khăn lớn nhất khi dự án kết thúc đó là tình trạng thiếu cơ sở vật chất. Do đặc thù môn học đòi hỏi không gian rộng và trang thiết bị phục vụ minh họa tiết học tốn rất nhiều kinh phí. Mặt khác, các trường không có nguồn kinh phí để trả lương cho giáo viên đứng lớp. Đó là chưa kể, thời gian dành cho môn học không được phân định rõ ràng, nhiều trường phải dành các tiết trống để chen vào. Hiện Sở GD-ĐT đã có văn bản đề nghị UBND TP phê duyệt hỗ trợ để chương trình được tiếp tục nhưng vẫn đang chờ giải quyết.
Ông Lê Quốc Hùng trăn trở: Qua tâm tư của phụ huynh, HS cùng các giáo viên phụ trách, hầu hết đều nhận thức rằng việc GDGT-SKSS là điều cần thiết. Vì thế khi dự án kết thúc, chúng tôi thiết nghĩ cần có kế hoạch để tiếp tục. Dự án chỉ là thí điểm, sau đấy chúng ta cần phải chọn lọc cái được, hoàn thiện cái chưa được để áp dụng thực tiễn, đại trà. Có như thế dự án mới được xem là thành công. Để môn học tiếp tục được giảng dạy, theo ông Hùng nên thành lập ở mỗi trường một tổ tâm lý kết hợp với y tế học đường và Đoàn – Đội để triển khai nội dung một cách sâu sát đến với HS.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Theo kết quả điều tra quốc gia của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, hiện nay lứa tuổi thanh thiếu niên có quan niệm cởi mở hơn về tình dục trước hôn nhân và độ tuổi quan hệ tình dục ngày càng trẻ hóa. Đó là chưa kể, tỉ lệ phá thai bằng thuốc tăng cao hàng năm, nhiều bạn trẻ đang tuổi cắp sách đến trường buộc phải nghỉ học giữa chừng vì hậu quả yêu đương quá sớm. Thiết nghĩ, nên đưa vào và tiếp tục mở rộng môn học này trong trường phổ thông. |
Bình luận (0)