Những khi có hàng, buổi sáng Hùng Sơn phụ chị dâu gọt vỏ khoai lang để kiếm thêm tiền trang trải việc học
|
Các thầy cô và học sinh Trường THCS Tân Xuân (xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã lâu rồi không được thấy nụ cười của em Lê Hùng Sơn, học sinh lớp 6/7.
Nhìn khuôn mặt trắng trẻo, sáng sủa nhưng đượm buồn của Sơn khiến mọi người không khỏi đặt câu hỏi: Điều gì đã cướp mất nụ cười của cậu học trò ở cái tuổi “nhất quỷ, nhì ma” này…
Cú sốc đầu đời
Đã một năm rồi, Sơn chỉ còn được nhìn thấy khuôn mặt mẹ qua khung ảnh đặt trên tủ thờ. Mẹ Sơn mất đột ngột lúc em sắp kết thúc những ngày học cuối cùng của bậc tiểu học. Bà con trong xóm kể, ba tháng liền sau ngày mẹ mất Sơn nằm co ro bên tủ thờ mẹ mà không chịu rời, dù gia đình đã dỗ ngon dỗ ngọt. Cậu bé Sơn thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ đã trở nên lầm lì, ít nói.
5 năm học liên tục là học sinh giỏi trở nên vô nghĩa với cậu học trò nhỏ sớm mất mẹ. Sơn lặng lẽ nói: “Lúc mẹ mất, em không còn muốn đi học nữa. Em bỏ học ra chợ Tân Xuân phụ người ta lặt rau, ai kêu gì làm nấy để kiếm tiền”. Lúc đó không ai nói cho Sơn biết rằng em đang đóng sập cánh cửa cuộc đời trước mặt mình.
Sơn ở cùng các anh chị cùng mẹ khác cha trong một căn nhà cấp bốn được ngăn thành nhiều phòng. Sơn và em trai ở phòng trước, nơi chỉ có tủ thờ di ảnh của mẹ và một cái tủ gỗ để hai anh em đựng sách vở, quần áo. Tình thương trong căn nhà bị chia cắt vốn dĩ đã ít ỏi, nay lại càng trở nên hiếm hoi khi Sơn không còn mẹ ở bên cạnh. Em lặng lẽ sống, ban ngày đi làm, ban đêm về nằm co ro bên tủ thờ ảnh mẹ. Mọi người cứ tưởng Sơn sẽ không còn biết đến trường lớp, thầy cô, bạn bè khi suốt ngày mặt mày lấm lem ở chợ Tân Xuân. Nhưng may mắn đã mỉm cười với cậu học trò có gương mặt sáng sủa này…
Níu lại con chữ
“Bây giờ con đi làm ở chợ, mỗi ngày kiếm được mấy chục ngàn đủ ăn, nhưng con không học hành, không bằng cấp thì mấy chục năm nữa sẽ làm gì, con muốn sống cuộc sống khổ sở như vậy suốt đời sao Sơn?”, câu nói của các cô bác ở Hội Khuyến học huyện Hóc Môn đã thức tỉnh Sơn. Và Sơn hiểu mình không thể đặt dấu chấm hết cho cuộc đời khi xung quanh vẫn còn rất nhiều người dành cho em sự quan tâm đặc biệt.
Em quay lại trường lớp khi những đầu móng tay móng chân bắt đầu đen lại vì quãng thời gian lặt đậu que, hành lá ở chợ. Do nghỉ học lâu nên Sơn không thể theo kịp các bạn cùng tuổi, em chấp nhận học lại năm lớp 6. Quần áo, sách vở, học phí… đã có nhà trường giúp đỡ và kể từ bây giờ Sơn còn được các cô bác trong Hội Khuyến học huyện hỗ trợ tiền sinh hoạt hằng ngày.
Cuộc sống đã dễ thở hơn với cậu học trò sớm mồ côi mẹ. Những ngày này, Sơn đang bắt đầu năm học mới bằng tất cả niềm hi vọng. Sơn đã vẽ ra một kế hoạch cho cuộc đời mình: “Em sẽ ráng học hết lớp 9, rồi sau đó xin vào lớp học đầu bếp mà người ta dạy miễn phí, sau này có cả bằng cấp để xin việc làm”. Tôi thấy đôi bàn tay em nắm lại rất chặt như muốn chứng tỏ quyết tâm của mình. Dò hỏi Sơn mãi tôi mới biết lý do tại sao em lại thích học làm bếp. Thì ra từ nhỏ, Sơn đã rất thích việc bếp núc và ước mơ sau này trở thành… đầu bếp. Suýt chút nữa, niềm mơ ước của cậu học trò này đã chìm theo nỗi đau mất mẹ!
Em trai của Sơn cũng đang được mọi người giúp đỡ để học lớp bổ túc văn hóa. Riêng Sơn vẫn thường xuyên nhận được sự quan tâm từ nhà trường và Hội Khuyến học huyện. Buổi sáng hôm chúng tôi đến nhà Sơn trong một con hẻm thuộc ấp Mỹ Hòa 1, xã Trung Chánh, em đang phụ chị dâu gọt từng bao khoai lang để kiếm thêm chút tiền dành dụm đi học. Buổi chiều Sơn sẽ lại chỉnh tề trong bộ đồng phục trắng, đạp chiếc xe đạp mới do Hội Khuyến học huyện tặng để hòa mình vào những bóng áo trắng đến trường. Tuy nhiên, trên nét mặt của Sơn vẫn còn thấp thoáng nỗi u buồn, nhưng em biết rằng “ráng học hành chăm chỉ, có việc làm đàng hoàng, cũng là một cách để em báo hiếu mẹ”.
Bài, ảnh: Minh Ly
Tình thương trong căn nhà bị chia cắt vốn dĩ đã ít ỏi, nay lại càng trở nên hiếm hoi khi Sơn không còn mẹ ở bên cạnh. Em lặng lẽ sống, ban ngày đi làm, ban đêm về nằm co ro bên tủ thờ ảnh mẹ.
|
Bình luận (0)