Ba “chú ong” đang giới thiệu đề tài nghiên cứu của nhóm với cô Hiệu trưởng |
Trước thực trạng nhiều sông, rạch trong thành phố ngày càng bị ô nhiễm nặng do các loại rác thải từ hoạt động của con người tạo ra, nhóm ba học sinh lớp 11A1 Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã có một đề tài nghiên cứu thiết thực: “Hệ thống thùng thu gom và xử lý chất thải rắn trên sông”.
Đề tài này vừa đoạt giải nhì trong cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nuớc” lần 7 do Bộ GD-ĐT, Bộ Tài nguyên Môi trường kết hợp với Công ty Canon Việt Nam tổ chức.
Ý tưởng để thực hiện đề tài này xuất hiện rất tình cờ – Bửu Gia, thành viên của nhóm nói – ngày nào đi học về ngang qua các con sông ở Huế, em và hai bạn Hà Phương, Hữu Phúc cảm thấy rất bức xúc khi nhìn từng đống rác thải được đổ lăn lóc dọc các dòng sông bốc mùi nồng nặc. Thế là ba “chàng ngự lâm” của lớp 11A1 Trường THPT Nguyễn Huệ nảy ra ý tưởng về việc thay đổi “số phận” cho các dòng sông đã bị con người làm ô nhiễm này. Sau giờ học ở trường, Hà Phương cùng Bửu Gia, Hữu Phúc tiến hành đi thực địa tại các khu vực trên sông Hương, sông Đông Ba, An Cựu. Tại những bờ sông này, các em tận mắt nhìn thấy rác đã được người dân vứt bừa xuống lòng sông, nhất là khu vực sinh sống của các hộ dân vạn đò tại khu vực sông Đông Ba – nơi không có thùng rác và hệ thống xử lý nước thải nào. Hà Phương cho biết nhiều tuyến đường ở thành phố Huế rất sạch đẹp là nhờ sự quan tâm của Công ty Môi trường đô thị, trong khi dưới lòng sông rác thải ngập ngụa thì chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Để thuyết phục được Ban tổ chức cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” lần 7, nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra một mô hình ý tưởng rất khoa học, tiện ích và mang đậm yếu tố thẩm mĩ cao. Theo đó, các em đã sử dụng chất liệu nhựa tổng hợp phế thải tái tạo để làm thùng đựng rác cá nhân và tập thể. Riêng thùng chứa nước thải còn có các thành phần để lọc nước như đá cuội, xơ dừa, than hoạt tính, cát sạch, bã mía. Những thùng này được thiết kế rất đa dạng theo dạng hình con ếch, hình quả bí; một số thùng còn có kiểu hình búp sen trên đầu có nắp đậy hình con chim cánh cụt trông rất bắt mắt… Hữu Phúc tâm sự, để có những thùng rác và thùng chứa nước thải ưng ý, các em đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc chọn ra mô hình nào cho phù hợp, trong đó có nỗi lo không biết sau này khi ý tưởng trở thành hiện thực thì ý thức của người dân Huế về bảo vệ môi trường và nguồn nước có được nâng lên hay không?
Bửu Gia cho biết thêm, để tạo tính thẩm mỹ cho dòng sông, hệ thống thùng rác được các bạn thiết kế làm theo các phương án khác nhau. Theo đó, các thùng rác cá nhân được gắn vào đuôi thuyền để bà con sinh sống trên thuyền có thể bỏ rác vào đó thay vì phải đổ xuống sông (thùng này sử dụng cho các hộ gia đình sống trên sông nước và cả cho thuyền du lịch); các thùng rác tập thể có kích thước lớn hơn thùng rác cá nhân đặt nổi và được cố định trên mặt nước tại các vị trí thích hợp để người dân đổ rác vào đó thay vì phải lên bờ. Các thùng rác tập thể có thể thực hiện bằng cách mắc bằng các dây nối gần với các cọc trên bờ nhằm tránh ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Sau khi người dân đổ rác vào các thùng, đến cuối ngày (hoặc một thời gian nhất định) nhân viên thu gom rác trên sông sẽ tiến hành thu gom rác tại các thùng mà không phải mất công thu gom, vớt rác thủ công trên sông.
Riêng bộ phận lọc nước được đặt ở mui thuyền với những quy trình thực hiện rất nghiêm ngặt. Qua lớp đá cuội trên cùng, nước đã được lọc sơ các loại bụi bẩn, sinh vật. Sau đó nước thấm qua lớp xơ dừa, một số vi sinh vật trong nước thải được giữ lại. Tiếp tục, nước đi qua lớp bã mía được khử độc tố và hấp thụ một số chất có hại…
Đánh giá về thành quả ba học sinh trường mình đạt được, cô Hoàng Thị Kiều Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, cho biết thành tích của các em rất đáng khích lệ, nhất là khi các em còn trẻ, mới học lớp 11 đã có những việc làm có lợi cho cộng đồng. Cô Kiều Dung cho biết thêm, Trường Nguyễn Huệ là một trong 4 trường của cả nước đạt giải thưởng tập thể xuất sắc của cuộc thi “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” lần 7 do Bộ GD-ĐT tổ chức. Nhà trường gửi tham gia 16 đề tài thì đạt 1 giải nhì, 1 giải 3 và 3 giải khuyến khích.
Bài, ảnh: Ngọc Minh
Nếu thực hiện hoàn thiện các công đoạn của đề tài thì mỗi ngày sẽ hạn chế được khoảng 4-5m3 rác thải xuống sông. Từ đó, các công nhân vệ sinh đỡ vất vả khi thu gom rác thải trên sông Hương hay các sông khác. |
Bình luận (0)